Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Trưởng thôn "hai giỏi" ở xã Kdang

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Nưn-Trưởng thôn Hnáp (xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) còn tích cực vận động dân làng hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Ông cũng tham gia giải quyết nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn của người dân, góp phần ổn định an ninh trật tự, bình yên cho buôn làng.

Gương sáng phát triển kinh tế

Hẹn chúng tôi vào dịp cuối tuần khi việc tưới nước cà phê đã xong, ông Nưn cho biết: Năm 1996, ông làm công nhân cho một công ty cao su tại địa phương. Sau khi lập gia đình, vì đất đai ít, không có vốn sản xuất nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.

Không cam chịu đói nghèo, từ tiền tích góp nhiều năm làm công nhân cao su, ông vay thêm vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đầu tư trồng cà phê, hồ tiêu trên diện tích 4 sào đất rẫy mà bố mẹ cho và mua thêm 1,6 ha đất, 1 cặp bò sinh sản.

Nhờ tích cực lao động sản xuất, kinh tế gia đình ông Nưn ngày một khấm khá. Đến nay, ông sở hữu 1,6 ha cà phê, 1.000 trụ hồ tiêu, 4 sào lúa nước và 6 con bò. Sau khi trừ chi phí, ông thu nhập gần 150 triệu đồng/năm.

Ông Nưn chia sẻ: “Trước đây, tôi cũng như hầu hết bà con trong làng đều khó khăn, thuộc diện hộ nghèo. Lúc đó chỉ biết trỉa lúa, trồng bắp, mì mà không biết làm cà phê, trồng lúa nước như bây giờ nên không thoát khỏi đói nghèo. Thấy người Kinh trong xã trồng lúa nước 2 vụ, tôi liền đến học hỏi rồi về trồng thử 4 sào. Năm đó, tôi thu hàng chục bao lúa”.

 Ông Nưn (bìa trái) vận động bà con nạo vét kênh mương nội đồng, khơi thông dòng chảy. Ảnh: R'Ô Hok
Ông Nưn (bìa trái) vận động bà con nạo vét kênh mương nội đồng, khơi thông dòng chảy. Ảnh: R'Ô Hok


Nhờ làm kinh tế giỏi, ông Nưn được dân làng tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn, rồi kiêm Tổ trưởng tổ vay vốn. Lần lượt phát huy vai trò này, ông đã vận động bà con vay vốn phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Hiện tại, tổng dư nợ của làng hơn 1,5 tỷ đồng. Nhờ đó, từ 40 hộ nghèo năm 2010, đến nay làng chỉ còn 3 hộ, một nửa số hộ của làng hiện có thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/năm.

Vận động xây dựng nông thôn mới

 

Ông Ngô Thanh Tùng-Chủ tịch UBND xã Kdang: “Ông Nưn không chỉ là điển hình sản xuất giỏi, vận động bà con xây dựng nông thôn mới mà còn giải quyết thành công các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng. Mọi việc chính quyền địa phương giao ông đều hoàn thành xuất sắc”.

Làng Hnáp có đông đồng bào Bahnar nên rất khó vận động người dân hiến đất, góp ngày công làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi. Do đó, ngoài việc tích cực cùng Ban Công tác Mặt trận tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân, ông Nưn còn gương mẫu hiến 40 m2 đất vườn để làm đường.

Việc làm của ông đã “lay động” 20 hộ dân trong làng, họ tự phá bỏ một phần diện tích cà phê, hàng rào để bàn giao mặt bằng phục vụ công trình. Nhờ vậy, chỉ sau 1 tháng thi công, con đường bê tông dài 400 m rộng 4 m đã hoàn thành trong niềm vui của dân làng.

Nỗ lực của ông cũng dần được đền đáp. Từ năm 2015 đến nay, dân làng Hnáp đã góp ngày công, kinh phí làm hơn 5 km đường bê tông nội làng khang trang, sạch đẹp. Ông Thưng bày tỏ: “Nhờ ông Nưn vận động, nhắc nhở mà dân làng mình có đường đẹp, thẳng tắp như thế này, việc đi lại, chở lúa, cà phê cũng thuận tiện hơn”.

Năm 2016, chứng kiến hàng rào, khuôn viên nhà sinh hoạt cộng đồng xuống cấp, ông đứng ra vận động được 40 triệu đồng để tu sửa. Không những vậy, năm 2019, để có nơi tập luyện thể thao cho thanh niên trong làng, ông Nưn cũng kêu gọi dân làng hiến đất, góp hơn 42 triệu đồng xây mới sân tập rộng 8.000 m2.

Bên cạnh đó, ông Nưn còn có sáng kiến cho các đại lý nông sản thuê làm sân phơi, mỗi năm thu được 6 triệu đồng; sử dụng quỹ đất chung của làng (hơn 3 sào) trồng cà phê. Số tiền thu được dùng để phục vụ những việc chung của làng như: thăm gia đình ốm đau, hộ nghèo, tặng quà động viên thanh niên nhập ngũ, tổ chức các lễ hội.

Ngoài ra, bằng uy tín của mình, ông cùng với tổ hòa giải xử lý kịp thời nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn giữa các hộ dân trong làng, không để xảy ra các vụ việc phức tạp. Gần đây nhất là trường hợp tranh chấp đất đai của 2 anh em Ruôn và Ruốt. Trước đó, bức xúc vì bố mẹ chia 1 ha đất rẫy cà phê không công bằng, mỗi lần uống rượu say, Ruôn thường tìm đến nhà em trai để gây sự.

Biết chuyện, ông Nưn đã cùng các thành viên tổ hòa giải đến nhà để phân tích, khuyên bảo. Nhờ cách phân xử hợp tình, hợp lý nên đôi bên đã bắt tay làm hòa, sống vui vẻ với nhau, không còn tranh chấp nữa.

R'Ô HOK

Có thể bạn quan tâm