(GLO)- “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”-Bác Hồ đã nói câu này khi đến thăm một đơn vị bộ đội ở Đền Hùng năm 1954.
Để thể hiện lòng biết ơn Vua Hùng, biết ơn tổ tiên, ngày 18-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22 CNV/CC cho công chức cả nước được nghỉ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm. Tiếp đó, ngày 18-9-1954, trước Đền Hạ thuộc Đền Hùng, Phú Thọ, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong trước khi về tiếp quản thủ đô, Bác căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử và khi được sống trong bối cảnh hòa bình, độc lập, thống nhất, tự do, hội nhập và phát triển, chúng ta càng kính trọng và khâm phục tài năng, tư tưởng, đạo đức, thấm thía và trân trọng tấm lòng của Bác đối với tổ tiên và đồng bào.
Bác Hồ nói chuyện với các chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong tại Khu di tích Đền Hùng ngày 18-9-1954 (Ảnh tư liệu). |
Sinh thời, Bác Hồ từng khuyến khích và dạy rằng: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Theo Bác, đã là con người thì đều có tổ tông, nguồn gốc, như ông bà đúc kết trong ca dao: “Con người có tổ, có tông/Như cây có cội, như sông có nguồn”. Trong câu nói khẳng định như một mệnh lệnh nêu trên, Bác Hồ rất coi trọng truyền thống, nguồn gốc, lịch sử dân tộc và mong muốn mỗi người dân đều phải có trách nhiệm trước tổ tiên, đất nước, dân tộc. Hơn ai hết, Bác Hồ thấy được giá trị vô song vô tận, sức mạnh tiềm tàng “long trời lở đất” từ truyền thống hàng ngàn năm văn hiến của dân tộc.
Kết tinh cao nhất giá trị tinh thần, tư tưởng, đạo đức của Bác thể hiện ở bản Tuyên ngôn độc lập sau khi đánh đổ thực dân Pháp năm 1945. Thay mặt Chính phủ, tuyên bố hùng hồn trước quốc dân và thế giới, Bác Hồ khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”. Lời khẳng định chủ quyền này cũng đồng thời khẳng định truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc. Trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền, trước thời cơ “ngàn năm có một”, dẫu đang bị bệnh nặng Bác Hồ vẫn căn dặn: “Dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết tâm giành cho được độc lập”. Khát khao và ý chí quyết tâm giành độc lập cho nước, tự do cho dân của Bác thật vĩ đại. Khi thực dân Pháp phản bội quay lại xâm lược, Bác ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Khi đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, Bác lại kêu gọi chiến đấu đến cùng: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đặc biệt, di sản vô giá mà người để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chính là sự quan tâm, yêu thương, tin tưởng dành cho nước, cho dân, với tâm nguyện làm rạng danh non sông con Hồng cháu Lạc, con cháu Vua Hùng!
Thực hiện lời căn dặn của Người, phát huy truyền thống Vua Hùng, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã làm nên những kỳ tích trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, không chỉ trong chiến đấu và chiến thắng đế quốc, thực dân mà còn trong cải tạo xã hội chủ nghĩa, tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp, đấu tranh chống xâm lược phía Bắc và Tây Nam, sôi nổi thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập, phát triển sâu rộng với thế giới.
Từ một câu nói của Bác, chúng ta thấm thía toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của một con người suốt đời vì nước, vì dân, người sáng lập Đảng, Nhà nước, Quân đội để hôm nay có một Việt Nam tự hào rỡ ràng với truyền thống, vẻ vang với cường quốc năm châu. Phát huy truyền thống con cháu Vua Hùng, để xứng đáng với niềm tin yêu của Bác, mỗi người dân, mỗi cán bộ, đảng viên, người trong nước cũng như ngoài nước phải ra sức học tập, rèn luyện, lao động, công tác, cống hiến, góp phần làm rạng danh hơn nữa đất nước con Lạc cháu Hồng.
THÀNH LONG