Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xóa đói, giảm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, đói nghèo là một trong 3 loại giặc cực kỳ nguy hiểm, là kẻ thù của dân tộc, cần phải kiên quyết tiêu diệt chúng như tiêu diệt giặc ngoại xâm. Tư tưởng của Người về công tác xóa đói giảm nghèo không chỉ là những triết lý sâu sắc mà mãi mãi là ngọn đèn soi rọi cho Đảng và Nhà nước ta trong việc hoạch định đường lối, chủ trương và chính sách về phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống cho nhân dân lao động.

 

Tấm lòng yêu nước, thương dân vô hạn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được lịch sử chứng minh hùng hồn ngay từ những ngày đầu khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời, một chính quyền cách mạng còn non trẻ đã bị giặc ngoài thù trong bao vây tứ phía. Nạn đói năm 1945 làm hơn 2 triệu người chết vì đói. Bác và Chính phủ vô cùng đau xót công bố “vận mệnh dân tộc như ngàn cân treo sợi tóc”. Chính vì lẽ đó, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (3-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công bố 6 vấn đề cấp bách, trong đó vấn đề đầu tiên là phải giải quyết nạn đói.

 Đoàn xe điện chở gạo cứu đói giúp đồng bào bị lũ ở thị xã Hà Đông năm 1945 (ảnh tư liệu).
Đoàn xe điện chở gạo cứu đói giúp đồng bào bị lũ ở thị xã Hà Đông năm 1945 (ảnh tư liệu).



Để chèo chống con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi phong ba, bão táp đó, đi đến bến bờ thắng lợi, Người đã vạch rõ mặt kẻ thù nguy hiểm trực tiếp lúc này là giặc đói và giặc dốt: “Chúng ta còn phải tiếp tục kháng chiến chống một giặc khác, đó là giặc nghèo nàn, lạc hậu. Đấu tranh chống loại giặc này còn khó khăn hơn chống giặc Pháp, giặc Nhật trước kia nhiều”. Người đề nghị Chính phủ “phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất. Trong khi chờ đợi ngô, khoai và những thứ lương thực phụ khác, phải ba bốn tháng mới có, tôi đề nghị mở một cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại phát cho người nghèo”. Trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, ký tên Hồ Chí Minh, đăng trên báo Cứu quốc, số ra ngày 17-10-1945, Bác nhấn mạnh: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Điểm nổi bật trong Tư tưởng Hồ Chí Minh về xóa đói giảm nghèo là giúp cho nhân dân lao động nhận thức đúng đắn muốn xóa đói, giảm nghèo được đảm bảo lâu dài, thiết thực thì phải tăng gia sản xuất gắn liền với thực hành tiết kiệm với khẩu hiệu thực hiện “tấc đất, tấc vàng”, “không một tấc đất bỏ hoang”. Đồng thời, Đảng và Nhà nước phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”.

Có thể khẳng định, tư tưởng về xóa đói giảm nghèo nhằm mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho con người thấm đượm sâu sắc triết lý nhân văn trong Tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng ấy được thể hiện xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo xây dựng xã hội chủ nghĩa. Người khẳng định mục đích xây dựng xã hội chủ nghĩa là làm cho đời sống nhân dân ngày càng sung sướng, ăn no, mặc ấm, được học hành, ốm đau có thuốc. Người căn dặn phải xây dựng kinh tế trước, bởi muốn nâng cao đời sống nhân dân, muốn cho xã hội phát triển thì con người cần phải có điều kiện, tiền đề vật chất. Vì vậy, nâng cao đời sống của tất cả mọi thành viên trong xã hội là nhiệm vụ hàng đầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội “làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm”. Đặc biệt, triết lý nhân văn của Bác thể hiện một Chính phủ hành động tất cả là “vì sự phát triển con người”.

Tiếp thu, kế thừa, học tập và vận dụng tư tưởng của Bác, Đảng và Nhà nước ta xác định công tác xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ có tính chiến lược, lâu dài, là một trong những tiêu chí, là thước đo quan trọng để đánh giá chính sách xã hội, tính nhân văn của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, trước những thách thức mới đang diễn ra trên toàn cầu, dịch Covid-19 hoành hành làm cho hàng triệu người lao động Việt Nam rơi vào cảnh thất nghiệp, khó khăn về đời sống; chính vì vậy việc học tập và vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về xóa đói giảm nghèo hiện nay có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Võ Thị Ái


 

Có thể bạn quan tâm