Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Văn hóa lãnh đạo, quản lý: Lực đẩy đổi mới, phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hơn lúc nào hết, xây dựng Đảng về văn hóa gắn liền với xây dựng Đảng về đạo đức được người dân quan tâm, mong đợi và đòi hỏi cao như hiện nay, khi mà những biểu hiện từ nhận thức đến hành động về những nội dung này trong Đảng đã có những chuyển biến tích cực. Tuy vậy, những hạn chế vẫn còn là thách thức lớn cần được tiếp tục chăm lo nhằm gìn giữ tình cảm và niềm tin của nhân dân với Đảng.

Ngày mới trên Bến Nhà Rồng, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ngày mới trên Bến Nhà Rồng, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG


Quan tâm văn hóa lãnh đạo, quản lý chính là quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý về đạo đức, năng lực, phong cách lãnh đạo, cách ứng xử… Thực hiện tốt văn hóa lãnh đạo, quản lý sẽ thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, khắc phục quan liêu, phòng chống tham nhũng, góp phần lan tỏa những giá trị sống đẹp trong xã hội.

Từ xưa đến nay, văn hóa lãnh đạo được xem là đạo trị nước. Tiêu chí chung của người lãnh đạo là gương mẫu trong hành xử, trong lối sống, trong quan hệ và phải trung thực với chính mình; có tầm nhìn, biết sử dụng người tài; biết đặt lợi ích chung lên trên. Với mong muốn của người dân, người lãnh đạo phải là người ưu tú và là người nhân đức. Đã có nhiều lãnh đạo nêu gương sáng, được lòng dân nhưng cũng có không ít lãnh đạo quan liêu, thiếu trách nhiệm, bè phái, lạm dụng quyền lực… bị xã hội lên án và bị xử lý theo pháp luật.

Để có văn hóa lãnh đạo, quản lý, người lãnh đạo cần được trang bị kiến thức, cần có trình độ, chuyên môn nhất định để có thể thực hiện công việc được giao và cần có lòng nhân. Văn hóa lãnh đạo, quản lý thể hiện ở công việc thiết thực thường ngày, biết nhận sai và sửa sai; biết phát huy dân chủ và trí tuệ tập thể; có đủ dũng khí để quyết định và thực thi; có tinh thần dám chịu trách nhiệm.

Nhiều ý kiến cho rằng, lãnh đạo ở lĩnh vực nào cần phải có chuyên môn, có sự am hiểu về lĩnh vực đó, nhưng sẽ là một lãnh đạo yếu khi chỉ có chuyên môn sâu. Người lãnh đạo phải là tinh hoa, phải có vốn văn hóa, biết đặt lợi ích chung lên trên, có tấm lòng sẵn sàng hy sinh vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Ngày nay, người lãnh đạo, quản lý được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn, chức danh. Tuy nhiên, trong thực tế không ít cán bộ hành xử không theo thẩm quyền, có hiện tượng hay đòi hỏi, phê phán, đổ lỗi cho cấp dưới; ít chia sẻ và ít hiểu những khó khăn của cán bộ cấp dưới; không sâu sát thực tiễn và dành thời gian lắng nghe tiếng nói của người dân… Cũng có một số người dựa vào quyền lực, ảo tưởng về năng lực bản thân, cảm thấy như luôn đứng trên thiên hạ…

Người lãnh đạo, quản lý, suy cho cùng, được sự ủy quyền của nhân dân, phải biết đặt lợi ích đất nước, nhân dân lên trên trong hành xử công việc, phải biết bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người tốt và tạo cảm giác công bằng… Nhất là trong tình hình chính sách pháp luật chưa hoàn thiện, còn chồng chéo, xung đột, nhiều cán bộ, công chức, viên chức gặp nhiều khó khăn, thậm chí rủi ro trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Nếu người tốt không được bảo vệ, tình trạng trì trệ trong bộ máy sẽ chậm khắc phục.

Hơn ai hết, người lãnh đạo cần biết tôn trọng và có tình thương đối với con người. Không có lòng nhân ái, tình người, chỉ quan tâm đến công việc, kỹ thuật, công nghệ sẽ dễ xử lý công việc một cách máy móc, phiến diện, có nhiều khi làm người khác bị tổn thương hoặc vô cảm, dửng dưng trước sự tổn thương của người khác. Sự tinh tế, mực thước của nhà lãnh đạo, quản lý có sức cảm hóa lớn. Bác Hồ và lớp học trò kế cận của Bác đã làm được việc này.

Văn hóa lãnh đạo, quản lý là tố chất xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Ý nghĩa sâu xa của văn hóa lãnh đạo, quản lý là việc thực hành đạo đức, thực hành văn minh; là việc thể hiện những giá trị cốt lõi, nhân văn của lãnh đạo, quản lý.

Lãnh đạo có văn hóa là không dùng quyền lực mà bằng thuyết phục, cảm hóa bằng trình độ, năng lực, tài đức; không dùng quyền lực mà có quyền uy. Bác Hồ là tấm gương sáng về một nhà lãnh đạo có văn hóa. Thông qua việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhiều cán bộ, đảng viên tâm đắc, ghi sâu công ơn Bác, một cuộc đời vì nước, vì dân, là tấm gương sáng về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, là một nhà lãnh đạo mang đậm dấu ấn về phong cách dân chủ, quần chúng, nêu gương...

Văn hóa Hồ Chí Minh là đức hy sinh vì dân, vì nước. Học tập Bác, người cán bộ lãnh đạo, quản lý không ngừng rèn luyện đạo đức, phẩm chất, luôn thể hiện rõ sự ứng xử văn hóa trong các mối quan hệ với người, với việc, với mình. Trong xử lý công việc, luôn cân nhắc vì lợi ích chung, vì tình yêu thương con người, luôn biết trân trọng và phát huy người tài đức, luôn đề cao sự nêu gương. Cán bộ càng cao càng gương mẫu, càng có khả năng quy tụ và lan tỏa, ảnh hưởng những điều tốt đẹp trong đời sống xã hội.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là yếu tố quyết định thành công, trong đó cần chú trọng xây dựng đạo đức và văn hóa trong Đảng, nhằm đáp ứng yêu cầu của Đảng cầm quyền trong điều kiện mới.

 

PHẠM PHƯƠNG THẢO
Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM

 

(Dẫn nguồn SGGPO)
 

Có thể bạn quan tâm