Multimedia

Emagazine

E-magazine Về làng Prăng hòa nhịp Sơmă Kơcham

(GLO)- “Cuối tuần, làng làm Sơmă Kơcham, có heo, gà, rượu ghè, cồng chiêng và xoang. Lễ cúng lớn trong năm, em về chơi”. Lời mời của anh Đinh Xuân Hiền-một người dân làng Prăng (xã Đak Tơ Pang, huyện Kông Chro) khiến tôi chộn rộn, mong chờ. Cũng bởi, tôi từng dự một vài lễ cúng độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa của người Bahnar tại ngôi làng nằm ở nơi đầu nguồn dòng suối Hway này.

Trên tuyến đường ngược theo dòng suối Hway, chúng tôi về đến làng Prăng khi mặt trời gần đứng bóng. Từ đằng xa đã có thể cảm nhận không khí rộn ràng của ngày hội. Cả trăm người dân đang tập trung trong sân nhà rông, chia thành nhiều nhóm đảm nhận từng phần việc cụ thể. Những cụ già ngồi bên hiên nhà rông tỉ mỉ chẻ tre, vót nan. Thanh niên trai tráng thì trang trí cây nêu. Một nhóm người đàn ông khác đảm nhận việc xẻ thịt 2 con heo. Bếp lửa được đốt lên giữa khoảng sân rộng để nướng và nấu phần thịt ngon nhất dành cho lễ cúng. Bộ cồng chiêng được mọi người lấy ra, lau sạch và thử lại âm. Chị em phụ nữ chuẩn bị những bộ trang phục truyền thống cho mình và cho trẻ nhỏ. Không khí lễ hội ngập tràn muôn nơi.


Ông Đinh Văn Luông-thành viên Hội đồng già làng Prăng-giải thích: “Sơmă nghĩa là lễ cúng, kơcham nghĩa là cái sân. Sơmă Kơcham là lễ cúng sân. Mỗi năm, người Bahnar ở làng Prăng sẽ tổ chức lễ cúng bên trong nhà rông và sân nhà rông. Lễ cúng trong nhà rông đã được tổ chức rồi, hôm nay làng cúng sân. Đây là 2 nghi thức lớn của làng nhằm tưởng nhớ đến những người trong làng đã mất cũng như cầu nguyện Yàng sẽ cho bà con một năm khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ cúng sân còn có ý nghĩa bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ gìn nguồn nước sạch cho dân làng”.


Khi những phần thịt được nấu chín, chị em phụ nữ bắt tay dọn dẹp sạch sẽ khoảng sân. 2 cây nêu được dựng ngay trước công trình nước sạch cũng nằm trong sân nhà rông. Bà con đem những ghè rượu đã được ủ thơm nức đến góp, nối thành một hàng dài. 2 ghè rượu to được buộc dưới chân mỗi cây nêu. 2 xiên thịt nướng, 4 nồi thịt hầm cũng được bày biện xung quanh. Xong đâu đấy, Hội đồng già làng gồm 9 thành viên đứng xung quanh cây nêu, chuẩn bị nghi thức cúng. Đội cồng chiêng “nhí” và thanh niên cũng vào hàng ngũ chỉnh tề. Khi các già làng bắt đầu đọc bài cúng cũng là lúc tiếng trống chiêng nổi lên rộn rã. 5 già đảm nhận nhiệm vụ dâng lễ cúng lên Yàng, 4 già còn lại khấn nguyện, mời lễ những người đã khuất. Trong lúc đó, đội chiêng và đội xoang diễn tấu xung quanh sân của nhà rông.


Lễ cúng kết thúc, Hội đồng già làng cùng nhấp những ngụm rượu đầu tiên trong hàng dài ghè mà dân làng đem đến. Theo sau, bà con cũng thực hiện nghi thức tương tự, mang theo ước vọng về một năm mới, mùa vụ mới thuận lợi, an lành. Mỗi hộ dân còn được chia một xâu thịt heo từ lễ cúng đem về để lấy may. Phần hội lúc này mới bắt đầu và kéo dài đến hết ngày hôm sau. Buổi tối, bà con cùng nhau đánh chiêng, xoang và hát dân ca mãi đến khi ánh trăng tàn… Sau lễ cúng này, dân làng yên tâm lên rẫy, sẵn sàng cho một mùa vụ mới mang theo niềm tin no ấm, đủ đầy.

Không chỉ say đắm không khí lễ hội đậm đà bản sắc, tôi đặc biệt thích cách cộng đồng làng Prăng cùng nhau chuẩn bị cho ngày lễ quan trọng, nhất là sự góp mặt của lớp trẻ.

Thanh niên của làng Prăng giờ đây đều có thể đảm nhận những phần việc mà ngày trước vốn chỉ có người già thực hiện. Họ vót nan, đan lát, làm dây cúng, trang trí và dựng cây nêu một cách thuần thục. Vừa dùng mũi dao nhọn khứa nhẹ trên thân cây tre tươi, anh Đinh Tha chia sẻ: “Mình đã tham gia làm cây nêu cùng người già được hơn 5 năm rồi. Cứ nhìn theo người lớn làm rồi bắt chước làm theo. Bây giờ thì thông thạo rồi”. Tương tự, đôi tay của anh Henh cũng khéo léo bện từng nan tre mỏng trên sợi dây mây, tạo hình hoa văn để trang trí cho cây nêu.


Chứng kiến các em thiếu nhi trong làng háo hức khoác lên mình những bộ đồ thổ cẩm, nhanh chóng hòa nhịp cồng chiêng mới thấy hết tình yêu, niềm tự hào với văn hóa truyền thống được cộng đồng làng Prăng gìn giữ và truyền dạy qua bao đời. Đi trước đội chiêng với vai trò là những pơtual (người tấu hề), 2 cậu bé Đinh Minh (11 tuổi) và Đinh Vệ (8 tuổi) khiến người xem không khỏi thích thú khi vừa đánh chũm chọe vừa tấu hề bằng khuôn mặt giàu biểu cảm. Cô bé Đinh Thị Đin ánh mắt lấp lánh, không ngưng nụ cười khi được tham gia múa xoang trong buổi lễ.

Nói về tinh thần đoàn kết của dân làng cũng như sự trao truyền văn hóa giữa các thế hệ, Trưởng thôn Đinh Văn Diu bày tỏ: “Làng Prăng có 119 hộ, trong đó có 113 hộ người Bahnar. Ngoài lễ cúng trong và ngoài nhà rông, cứ 2 năm 1 lần làng tổ chức đâm trâu. Ngoài ra, trong mỗi gia đình, dòng họ cũng còn gìn giữ một số lễ khác như pơ thi, cúng trăng… Qua mỗi lễ cúng, bà con càng thêm đoàn kết, lớp trẻ càng biết nhiều hơn về văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhờ đó mà các nghi thức lễ cúng cho đến hoạt động đan lát, dệt thổ cẩm, cồng chiêng… độc đáo của người Bahnar vẫn được giữ gìn từ thế hệ này sang thế hệ khác”.

Có thể bạn quan tâm