Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Vị "tiền hiền" của làng Đak Giang II

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mỗi khi nhắc đến làng Đak Giang II (xã Đông, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai), người dân nghĩ ngay đến ông Đinh Yem. Bởi lẽ, ông có công lập làng và giúp người dân xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Đêm ở Đak Giang II bình yên và ấm áp đến lạ! Bên bếp lửa hồng giữa ngôi nhà sàn, vợ chồng ông Đinh Yem mời chúng tôi ăn cơm tối với những món đặc sản: cá sông nướng, lá mì xào bông đu đủ. Và câu chuyện những năm tháng lập làng dần dần hiện ra qua hồi tưởng của người đảng viên 50 tuổi Đảng.   
Ngày đầu lập làng
Ông Đinh Yem sinh năm 1944 tại xã Pờ Tó, huyện Ia Pa. Năm 18 tuổi, ông dùng máu viết đơn tình nguyện lên đường đánh giặc, bảo vệ quê hương. “Tôi được biên chế về C50 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) đóng quân ở đồn Cái Mè (An Khê) và đồn Cát Minh (tỉnh Bình Định)”-ông Yem nhớ lại.
Năm 1968, sau 3 lần bị thương nặng, ông được xuất ngũ rồi nên duyên với nữ dân quân Đinh Thị Pum, khi đó tham gia gùi lương thực, thực phẩm tiếp tế cho khu vực trị thương. Theo phong tục của người Bahnar, ông theo bà về làng Yok sinh sống.
Tại đây, ông đảm nhận nhiều vị trí công tác: Xã đội trưởng (1969-1976), Chủ tịch UBND xã (1977) và Bí thư Đảng ủy xã (1978-2002). Sau nhiều lần trăn trở, ông nghĩ đến việc phải tìm khu đất để người dân canh tác vì đất ở làng vừa ít lại bạc màu.
Nhiều ngày lặn lội tìm kiếm, ông Yem phát hiện vùng đất bằng phẳng gần suối dưới chân núi ChBí, cách làng Yok gần 3 km. Ông là người đầu tiên dời nhà đến khu đất mới. Đó là khoảng thời gian giữa năm 1975. Cứ ban ngày tham gia công tác ở xã, tranh thủ sáng sớm và chiều muộn, ông cùng vợ khai hoang trồng lúa, trồng bắp. Đất tốt, sẵn nguồn nước nên cây lúa, cây bắp cứ thế phát triển.
Dần dà, một số người dân trong làng như: Đinh Puch, Đinh Vực, Đinh Két, Đinh Yiêng... cũng đưa gia đình đến để canh tác. Số hộ dời làng Yok về khu đất mới ngày càng đông. Đến năm 1989, làng Đak Giang II được thành lập với 30 hộ. “Tên làng gắn với tên con suối ở cuối làng để cầu mong luôn hiền hòa như dòng nước mát lành kia”-ông Yem giải thích.
Ông Đinh Yem (thừ 2 từ trái sang) trò chuyện cùng người dân làng Đak Giang II (xã Đông, huyện Kbang). Ảnh: Đinh Yến
Ông Đinh Yem (thừ 2 từ trái sang) trò chuyện cùng người dân làng Đak Giang II (xã Đông, huyện Kbang). Ảnh: Đinh Yến
Ông Đặng Phan Chung-Chủ tịch UBND xã Đông: “Ông Đinh Yem là người rất có uy tín. Việc gì khó ông cũng giải quyết êm xuôi. Ông đã cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, góp phần để xã Đông về đích nông thôn mới vào cuối năm 2017”.
Ngôi làng mới gần khu sản xuất Dốc Ngựa rộng hàng ngàn ha. Với vai trò Bí thư Đảng ủy xã, ông đã xin chủ trương quy hoạch, làm đường ra khu sản xuất. “Tôi được gặp Chủ tịch UBND tỉnh để trình bày nguyện vọng. Sau đó, đồng chí Chủ tịch đã chỉ đạo UBND huyện trực tiếp đến khảo sát và cho chủ trương làm đường”-ông Yem bày tỏ.
Sau đó, ông bỏ tiền túi thuê máy ủi về san mặt bằng, rồi tự nguyện hiến 400 m2 đất mặt tiền, rồi đến từng nhà vận động người dân hiến đất làm đường. “Được Đảng, Nhà nước quan tâm làm đường nên ai cũng phấn khởi. Nhà có heo, bò thì bán bớt lấy tiền góp làm đường; có nhà huy động tất cả thành viên tham gia lao động. Chỉ trong 2 tuần, con đường bê tông dài 2 km dẫn vào khu sản xuất đã hoàn thành”-ông Đinh Yiêng nói.
“Coi già Yem như cha”
Dẫn chúng tôi rảo bước trên con đường bê tông phẳng lỳ, thỉnh thoảng ông Yem dừng lại hỏi thăm người dân về tình hình gia đình. Những đứa trẻ trong làng thấy ông từ xa đã chạy đến ôm chân, nắm tay. Ông giải thích: “Bọn trẻ là con cháu của những gia đình mình chia đất để tách hộ. Nó coi mình như cha, như ông vậy”.
Theo ông Yem, đất không đẻ thêm nhưng người sẽ sinh sôi. Vì vậy, ông cần mẫn khai hoang tới hơn 7 ha đất. Song, ông không giữ cho riêng mình. Sau khi chia bớt cho con cái, ông cũng chia cho 16 cặp vợ chồng trẻ chưa có đất ở, mỗi hộ 300-400 m2. Hiện ông chỉ giữ lại cho mình 2 sào đất vườn, 4 sào mì và 1,2 sào lúa.
Là hộ đầu tiên được ông Yem chia đất, anh Đinh Hoăt bày tỏ: “Gia đình hai bên đều nghèo. Nhờ già Yem chia đất làm nhà mà cuộc sống mới ổn định, con cái trưởng thành như ngày hôm nay”.
Một góc huyện Kbang nhìn từ trên cao. Ảnh: Phan Nguyên
Một góc huyện Kbang nhìn từ trên cao. Ảnh: Phan Nguyên
Trong số những hộ già chia đất có vợ chồng anh Puih Đên. Sau khi chia đất, ông còn tận tình giúp đỡ vợ chồng anh phát triển kinh tế. Đến nay, gia đình anh Puih Đên là 1 trong 16 hộ có kinh tế khá giả nhất.
“Nếu không có “bạ” Yem, vợ chồng mình không biết sẽ ra sao. Vợ chồng mình luôn cố gắng để không phụ lòng “bạ”. Mình đã mua được 3 sào đất trồng lúa, cố gắng làm lụng để làm lại cái nhà. Mình gọi già Yem là “bạ”, tiếng Bahnar tức là cha”-anh Đên nói.
Với những đóng góp cho cộng đồng, năm 2019, ông Đinh Yem được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu thực hiện Quyết tâm thư của già làng các dân tộc Tây Nguyên. Riêng với dân làng Đak Giang II, ông là người giúp họ có cuộc sống ngày càng ấm no.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm