Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Viết tiếp bản hùng ca

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tối 18-12, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai tổ chức đêm giao lưu với chủ đề “Quân đội anh hùng, quốc phòng vững mạnh” giữa cựu chiến binh với đoàn viên, thanh niên trong và ngoài quân đội. Đêm giao lưu diễn ra trong không khí sôi nổi, ấm áp với nhiều câu chuyện lắng đọng về phẩm chất cao quý của “Bộ đội Cụ Hồ” cùng khát vọng cống hiến của người trẻ để viết tiếp những trang sử vẻ vang của dân tộc.
“May mắn được là người lính”
Bên cạnh những tiết mục văn nghệ đặc sắc ca ngợi Đảng, Bác Hồ và người lính, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, thanh niên đã cùng nhau ôn lại chặng đường 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, 74 năm truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh nói riêng và 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Trong đêm giao lưu, các đại biểu thuộc 2 thế hệ đã chia sẻ nhiều câu chuyện về truyền thống hào hùng của quân đội trong kháng chiến, những chiến công thầm lặng của người lính trong thời bình và cả những khát vọng cống hiến của người trẻ.
  Đại tá Phạm Mạnh Hùng-Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tặng hoa cho các khách mời đêm giao lưu. Ảnh: A.H
Đại tá Phạm Mạnh Hùng-Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tặng hoa cho các khách mời đêm giao lưu. Ảnh: A.H
Thiếu tướng Đinh Dương-nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh-chia sẻ: Cứ đến những ngày này, ký ức về những năm tháng sống, chiến đấu và công tác trong quân đội lại ùa về. Ông bảo, trong chiến tranh, người lính xác định “vào sinh ra tử”, chỉ sống và biết ngày hôm nay, còn ngày mai là điều không thể nói trước. Đã không ít lần bị thương bởi bom đạn chiến tranh nhưng Thiếu tướng Đinh Dương vẫn luôn thấy mình thật may mắn khi trở thành người lính. Vì chính môi trường quân ngũ đã rèn giũa ông từ một chiến sĩ trở thành một vị tướng. Trước câu hỏi: “Sợ chết là bản năng của con người, vậy làm thế nào để các bác, các chú có được ý chí kiên cường vượt qua nỗi sợ hãi ấy?”, Thiếu tướng Đinh Dương bộc bạch: “Chết thì ai cũng sợ nhưng chết và hy sinh là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau. Chúng tôi sợ chết nhưng chúng tôi không sợ hy sinh!”. Chính quyết tâm ấy đã giúp những người lính anh dũng chiến đấu, không chịu khuất phục trước đòn roi tra tấn của kẻ thù, sẵn sàng hy sinh bản thân vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
Chia sẻ về lựa chọn của bản thân, Thiếu tá Hồ Phạm Tuyên-Trợ lý Tuyên huấn Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đak Đoa-trải lòng: “Trong rất nhiều lựa chọn nghề nghiệp, với tôi, việc lựa chọn để trở thành quân nhân là đúng đắn nhất”. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, thay vì chọn công việc phù hợp với chuyên ngành được đào tạo, anh Tuyên quyết định nhập ngũ và phấn đấu trở thành sĩ quan quân đội. “Tôi được sinh ra, lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng với cha là quân nhân, ông ngoại cũng hy sinh trong trận đánh đồi A1-chiến dịch Điện Biên Phủ, điều đó càng thôi thúc tôi trở thành người lính. Ngày được khoác trên mình bộ quân phục, tôi vô cùng xúc động và tôi cảm nhận sâu sắc hơn về 2 chữ cống hiến”. Sự cống hiến trong quân đội theo Thiếu tá Tuyên là sống vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì người thân, gia đình, bè bạn. Cống hiến là thực hiện lời thề danh dự của quân nhân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Thiếu tá Tuyên cũng nhắn nhủ với những thanh niên đang chuẩn bị nhập ngũ rằng, 2 năm thực hiện nghĩa vụ quân sự chính là khoảng thời gian để học tập, rèn luyện, trực tiếp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và đó chính là sự cống hiến đẹp đẽ nhất.
Viết tiếp truyền thống
Tham gia đêm giao lưu, ý kiến của anh Nguyễn Chí Hiếu-Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lý luận trẻ cũng được rất nhiều bạn trẻ tâm tắc. Anh Hiếu khẳng định, việc học tập, rèn luyện phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” chính là sức mạnh giúp mỗi đoàn viên, thanh niên đủ bản lĩnh, ý chí quyết tâm vượt qua những khó khăn, thử thách và sống một cuộc đời ý nghĩa. Nói về vai trò của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên địa bàn tỉnh, anh Hiếu cho rằng, thanh niên hiện nay lớn lên trong điều kiện đất nước không còn bom đạn chiến tranh, có nhiều thuận lợi hơn thế hệ cha anh trong học tập, lao động. Với trình độ nhận thức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ được đào tạo bài bản, họ có khả năng đóng góp trên nhiều phương diện đối với hoạt động xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Đơn cử, mỗi thanh niên chỉ cần học tập, lao động, sản xuất nghiêm túc thì không những giải quyết việc làm cho bản thân, góp phần phát triển kinh tế mà còn đóng góp vào sự tích lũy, dự trữ cơ sở vật chất phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng khi có tình huống xảy ra.
Trao đổi thêm về vấn đề củng cố, tăng cường sức mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân, Thiếu tá Lê Bá Văn-Chính trị viên Tiểu đoàn Bộ binh 50 (Trung đoàn Bộ binh 991, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập và phát triển, sự tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch thì tinh thần đoàn kết quân dân càng trở nên quan trọng và có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Vì vậy, những năm qua, đơn vị luôn quán triệt tất cả cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần đoàn kết, kính trọng, giúp đỡ nhân dân. Đơn vị cũng triển khai nhiều hoạt động như: hành quân dã ngoại làm công tác dân vận, đưa bộ đội về làng đón Tết cùng nhân dân, giao lưu, tặng quà các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn…, qua đó xây dựng thế trận lòng dân ngày càng vững chắc.
ANH HUY

Có thể bạn quan tâm