Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Xung kích trên tuyến đầu phòng-chống "giặc lửa"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an tỉnh đã không quản ngại khó khăn, xung kích trên tuyến đầu phòng-chống “giặc lửa”, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

Những ngày gian khó

Trải qua từng giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh) luôn chủ động khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm cùng với lực lượng Công an toàn tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

 Đại tá Lê Văn Hà (thứ 2 từ trái sang)-Phó Giám đốc Công an tỉnh tặng quà, động viên gia đình bị ảnh hưởng do thiên tai tại thị xã Ayun Pa (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Nguyễn Hữu
Đại tá Lê Văn Hà (thứ 2 từ trái sang)-Phó Giám đốc Công an tỉnh tặng quà, động viên gia đình bị ảnh hưởng do thiên tai tại thị xã Ayun Pa (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Nguyễn Hữu


Ngay sau ngày đất nước thống nhất (1975), Ty An ninh 2 tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum sáp nhập thành Ty Công an Gia Lai-Kon Tum. Theo đó, tháng 11-1975, Phòng Cảnh sát PCCC được thành lập. Tại thời điểm này, tình hình kinh tế-xã hội đất nước nói chung, tỉnh Gia Lai-Kon Tum nói riêng gặp muôn vàn khó khăn, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Sau chiến tranh, bom mìn và các chất cháy, nổ, các công trình, nhà ở chủ yếu làm bằng vật liệu dễ cháy dẫn đến nguy cơ gây cháy, nổ cao. Điều kiện cơ sở vật chất, lực lượng, phương tiện phục vụ công tác PCCC gặp không ít khó khăn, thiếu thốn. Khi mới thành lập, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH chỉ có 4 cán bộ, sau đó được bổ sung thêm 14 cán bộ, chiến sĩ; về phương tiện chỉ có 2 xe ô tô chữa cháy. Với tinh thần quyết tâm cao, mỗi cán bộ, chiến sĩ đã ra sức học tập, rèn luyện, nêu cao ý chí quyết tâm khắc phục những khó khăn, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ; chủ động phối hợp làm tốt công tác xây dựng phong trào “Toàn dân tham gia PCCC” để mỗi cơ quan, đơn vị và người dân chấp hành tốt công tác phòng-chống cháy nổ, đồng thời hỗ trợ lực lượng chữa cháy ngăn chặn kịp thời các vụ cháy nổ xảy ra.

Năm 1991, tỉnh Gia Lai và Kon Tum được chia tách. Giai đoạn này, kinh tế tỉnh Gia Lai bước vào thời kỳ đổi mới, nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, cơ sở sản xuất kinh doanh phát triển mạnh, đặt ra cho công tác PCCC những nhiệm vụ nặng nề. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH từng bước được đầu tư mọi mặt để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sự nghiệp đổi mới. Đơn vị đã chủ động tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, triển khai công tác PCCC. Việc tổ chức thực hiện các biện pháp nghiệp vụ làm cho công tác PCCC có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và quần chúng nhân dân được nâng lên, phong trào “Toàn dân tham gia PCCC” lan tỏa mạnh mẽ. Đơn vị đã tổ chức 2 kỳ hội thao nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở và dân phòng vào năm 1996, 2001 đạt kết quả tốt với hàng chục đội tuyển cùng hàng trăm vận động viên tham gia; tổ chức chữa cháy, ngăn chặn kịp thời nhiều vụ cháy lớn. Lực lượng, phương tiện phục vụ công tác chữa cháy đã được quan tâm đầu tư. Đến năm 1999, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã có 3 đội gồm: Đội Tham mưu tổng hợp, Đội Kiểm tra an toàn PCCC, Đội Chữa cháy với tổng số trên 40 cán bộ, chiến sĩ và 6 xe chữa cháy chuyên dụng. Hàng trăm vụ cháy, nổ, tai nạn đã được lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH ngăn chặn kịp thời, bảo vệ tính mạng và số lượng lớn tài sản cho cơ quan, tổ chức và người dân. Ngoài tham gia công tác chữa cháy, cứu nạn, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã cử hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ, phương tiện phối hợp giải quyết các tình huống phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn, góp phần giữ vững ổn định tình hình, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Những năm qua, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh ban hành các chỉ thị, kế hoạch về tăng cường công tác PCCC và CNCH. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng luôn được đơn vị thường xuyên quan tâm, qua đó để mỗi cán bộ, chiến sĩ ra sức phấn đấu, học tập, rèn luyện, phát huy sức mạnh đoàn kết, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, đơn vị đã triển khai lực lượng, phương tiện dập tắt nhiều đám cháy lớn. Điển hình như vụ cháy kho nông sản của Doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi vào ngày 22-3-2016 tại xã Ia Dêr (huyện Ia Grai) chứa khoảng 20.000 tấn mì lát khô, trị giá khoảng 80 tỷ đồng; vụ cháy showroom trang trí nội thất-vật liệu xây dựng của Doanh nghiệp tư nhân Thanh Kiều ở thị trấn Chư Sê vào ngày 2-3-2016; vụ cháy chợ huyện Kbang vào ngày 19-7-2016; vụ cháy tại kho lốp và phụ tùng xe máy thuộc Công ty TNHH Thành Công tại phường Phù Đổng (TP. Pleiku) vào ngày 10-1-2020…

 Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Ảnh: Nguyễn Hữu
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Ảnh: Nguyễn Hữu



Trên lĩnh vực CNCH, mỗi cán bộ, chiến sĩ cũng luôn phát huy tinh thần, trách nhiệm, khắc phục khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Điển hình như hành động dũng cảm của Thiếu úy Bùi Minh Quý quên mình cứu người bị mắc kẹt giữa dòng nước chảy xiết vào ngày 3-3-2018 tại đập tràn thuộc phường Ngô Mây, thị xã An Khê. Liệt sĩ Bùi Minh Quý là tấm gương sáng về tinh thần anh dũng hy sinh trong công tác, chiến đấu.

Công tác cải cách thủ tục hành chính và quản lý nhà nước về phòng-chống cháy nổ từng bước đi vào chiều sâu. Đơn vị đã áp dụng quản lý hệ thống văn bản theo phần mềm điện tử; giải quyết các thủ tục hành chính kịp thời, nhanh gọn, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, qua đó vừa thực hiện tốt công tác quản lý hành chính, vừa chủ động hướng dẫn, tập huấn, diễn tập phương án phòng-chống cháy nổ, CNCH, hạn chế thiệt hại do cháy nổ gây ra. Đặc biệt, tại các công trình trọng điểm, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH chủ động kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị thực hiện đúng thiết kế, quy định về PCCC, đảm bảo an toàn.

Qua 20 năm thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia PCCC”, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH luôn chú trọng huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia PCCC. Công tác PCCC đã được xã hội hóa, nhiều mô hình, điển hình tiên tiến được xây dựng, duy trì và phát huy hiệu quả. Lực lượng phòng-chống cháy nổ ở cơ sở ngày càng được củng cố, kiện toàn về số lượng, bảo đảm về chất lượng, trở thành nòng cốt trong công tác PCCC, CNCH tại cơ quan, doanh nghiệp và khu dân cư. Lực lượng này thường xuyên được huấn luyện nghiệp vụ và diễn tập các phương án PCCC nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng sử dụng các phương tiện PCCC cũng như khả năng hiệp đồng tác chiến, chỉ huy, điều hành của cấp ủy, chính quyền và lực lượng PCCC cơ sở theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp đối với công tác PCCC. Bên cạnh đó, nhiều địa phương, khu dân cư đã có những cách làm hay, sáng tạo mang lại hiệu quả cao trong công tác PCCC. Đến nay, Giám đốc Công an tỉnh đã phân cấp thực hiện công tác PCCC, CNCH theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ, tăng cường tổ chức phong trào thi đua, tuyên truyền, PCCC tại cơ sở ngày càng đạt hiệu quả thiết thực.

Với tinh thần tương thân tương ái, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH thường xuyên quan tâm đến công tác xã hội từ thiện. Từ đầu năm đến nay, Phòng đã vận động, quyên góp hơn 300 triệu đồng để chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH toàn tỉnh tiếp tục ra sức phấn đấu học tập, rèn luyện, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

 

 Đại tá LÊ VĂN HÀ
Phó Giám đốc Công an tỉnh

Có thể bạn quan tâm