Thời sự - Bình luận

7/7 phiếu thuận, 4 công bố quốc tế là câu trả lời cho tiến sĩ áo ngực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sáng 12.10, nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ nghiên cứu áo ngực.
 

Lưu Thị Hồng Nhung bảo vệ thành công luận án tiến sĩ nghiên cứu áo ngực. Ảnh: LĐO
Lưu Thị Hồng Nhung bảo vệ thành công luận án tiến sĩ nghiên cứu áo ngực. Ảnh: LĐO


7/7 phiếu tán thành cho luận án tiến sĩ nhiều tranh luận này là kết quả từ 5 năm nghiên cứu của nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung. Làm khoa học cũng có những cay đắng riêng, nhưng thành tựu khoa học luôn là trái ngọt. Khó có hạnh phúc nào bằng hạnh phúc của sinh thành, sáng tạo.

Cay đắng đó không chỉ là những vất vả trong quá trình nghiên cứu, mà còn áp lực từ dư luận chỉ vì cái tên đề tài.

Trong bài "Từ luận án tiến sĩ về áp lực áo ngực nghĩ về thói quen mạt sát" đăng ngày 4.10, báo Lao Động đã phân tích, một công trình nghiên cứu để cho ra một sản phẩm ứng dụng, sản xuất áo lót phục vụ cho ngực của phụ nữ là một việc bình thường và cần thiết. Ngành dệt may tất nhiên cần những công trình nghiên cứu đó để sản xuất ra áo ngực, bán ra thị trường đạt doanh số cao. Nó không chỉ là làm đẹp cho phụ nữ, mà còn bảo vệ sức khỏe, ngăn chặn những căn bệnh có liên quan đến hai "tòa thiên nhiên" này.

7/7 phiếu tán thành, trong đó có 3 phiếu xếp loại xuất sắc. Đây là bảo chứng cho chất lượng công trình nghiên cứu của nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung.

Có điều, nếu chỉ với những lá phiếu "nội bộ" thì có thể bị hoài nghi, bởi vì có không ít luận án tiến sĩ được 100% phiếu tán thành, nhưng vẫn là đồ dỏm.

Hãy xem bên ngoài đánh giá như thế nào để thấy sự khách quan khoa học của đề tài. Theo Báo Sức khỏe và Đời sống, Lưu Thị Hồng Nhung từng công bố 8 công trình nghiên cứu trong nước và quốc tế. Trong đó, 1 bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI, 3 bài báo khoa học công bố (Scopus, Springer); 4 bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học và công nghệ trong nước (có phản biện và được tính điểm của Hội đồng học hàm giáo sư nhà nước). Nghiên cứu này cũng từng đạt giải thưởng Khoa học công nghệ đo lường Việt Nam 2020.

Về tính ứng dụng của công trình nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Nhật Trinh - người hướng dẫn khoa học luận án - phân tích: "Nếu không mặc đúng áo ngực thì sinh bệnh, giảm vẻ đẹp của tạo hóa và sẽ thiếu tự tin trong giao tiếp công việc. Đặc biệt, có một kết quả nghiên cứu nữa chưa công bố nhưng rất nhân văn là khi người mẹ nuôi con bằng sữa mẹ, nếu dùng không đúng áo ngực, tức là không tiện nghi thì sau 1-3 tháng sẽ bị mất dòng sữa nuôi con của mình. Nếu dùng áo phù hợp thì dòng sữa mẹ có thể kéo dài 1-2 năm".

Hy vọng công trình của tiến sĩ Lưu Thị Hồng Nhung sẽ được doanh nghiệp quan tâm, tạo thành sản phẩm thương mại và thành công trên thị trường.



https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/77-phieu-thuan-4-cong-bo-quoc-te-la-cau-tra-loi-cho-tien-si-ao-nguc-1104228.ldo

Theo Lê Thanh Phong (LĐO)

 

Có thể bạn quan tâm