Sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, anh Nguyễn Hoàng Huy Lộc (29 tuổi, ngụ xã Phú Đức, H.Long Hồ, Vĩnh Long) mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất trà đinh lăng được thị trường ưa chuộng.
Anh Lộc thu hái đọt và lá đinh lăng để chế biến trà/ Duy Tân |
Anh Lộc cho biết khi còn là sinh viên đã ấp ủ ước mơ khởi nghiệp từ cây đinh lăng. Sau khi ra trường, dù có việc làm ổn định nhưng niềm đam mê chế biến trà đinh lăng vẫn không nguôi.
Nhận thấy địa phương có nhiều hộ dân trồng đinh lăng, nguồn nguyên liệu khá phong phú nên anh quyết định đầu tư máy móc, thiết bị để sản xuất trà từ lá đinh lăng. Việc này không chỉ tạo cơ hội khởi nghiệp thuận lợi cho anh mà còn giải quyết đầu ra đinh lăng, giúp bà con có thêm thu nhập. “Lúc trước, bà con địa phương trồng đinh lăng rất nhiều vì có công ty lớn bao tiêu. Khi công ty tuyên bố không bao tiêu nữa thì bà con phải hái để bán ra cho các tiệm thuốc nam, nhưng số lượng bán không được nhiều nên bí đầu ra, nhiều người bỏ hoang vườn. Thấy vậy tôi quyết định làm trà”, anh Lộc nói.
Năm 2018, anh Lộc thành lập cơ sở sản xuất trà đinh lăng Trường Ái với đầy đủ trang thiết bị cần thiết để làm trà thành phẩm. Ban đầu anh gặp khá nhiều khó khăn về vốn, cách làm mẫu mã cho hộp, đầu ra sản phẩm... Nhưng nhờ chịu khó và nhận được sự ủng hộ của những “mối quen” nên dần dần anh mở rộng được thị trường phân phối trà.
Theo anh Lộc, để có nguồn nguyên liệu ổn định và lâu dài, ngoài trồng ở vườn nhà, anh còn liên kết thu mua đinh lăng của các hộ dân trên địa bàn. Để trà đảm bảo chất lượng an toàn, anh chọn đinh lăng trồng tự nhiên không bón phân, xịt thuốc. Khâu sản xuất và bảo quản cũng phải tuân thủ đúng quy trình.
Anh Lộc cho biết làm trà đinh lăng phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên, đọt và lá đinh lăng được hái đem rửa sạch và phơi từ 1 - 2 nắng cho đến khi chuyển sang màu vàng; sau đó đem sấy ở nhiệt độ thích hợp để bảo quản được lâu; xay nhuyễn và cho vào máy đóng túi lọc. “Trong tất cả các khâu để làm ra trà thành phẩm thì có 3 khâu quan trọng nhất là nhiệt độ sấy và thời gian sấy, định lượng trên 1 túi lọc. Bởi nếu cho trà nhiều quá vào túi lọc, khi pha nước sẽ bị đắng, còn nếu cho ít quá thì sẽ không ra đúng màu và chất lượng, mùi vị của trà”.
Hiện nay, sản phẩm trà đinh lăng của anh Lộc đã được phân phối khắp các tỉnh thành khu vực ĐBSCL và miền Trung. Với giá bán 90.000 đồng/hộp, mỗi tháng anh có thu nhập hàng chục triệu đồng.
Theo Duy Tân (Thanh Niên)