Tin tức

ASEAN hướng tới tăng trưởng bền vững và bao trùm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị WEF-ASEAN lần thứ 25 tại Kuala Lumpur, Malaysia, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu bật những thành tựu nổi bật của Việt Nam, những trọng tâm hướng tới tăng trưởng bền vững và bao trùm.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trên con đường xây dựng cộng đồng ASEAN có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Đó là môi trường hòa bình, an ninh khu vực còn tiềm ẩn nhân tố bất ổn; khoảng cách phát triển gia tăng; biến đổi khí hậu, thiên tai tác động ngày càng lớn đến sự phát triển của khu vực.

 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chia sẻ 3 nội dung lớn nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững và bao trùm.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, xây dựng Cộng đồng ASEAN là một quá trình liên tục và lâu dài. Từ thực tiễn hợp tác ASEAN thời gian qua, để đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững và bao trùm, Phó Thủ tướng chia sẻ 3 nội dung lớn nhằm hướng tới mục tiêu này.

Thứ nhất là đẩy mạnh cải cách, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, phát triển cơ sở hạ tầng và khoa học, công nghệ là những yếu tố cần thiết để xây dựng nền kinh tế năng động, có năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế hiệu quả.

Thứ hai, để hướng tới tăng trưởng bền vững và bao trùm, các nước ASEAN cần chuẩn bị tốt về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực.

Trọng tâm thứ ba nhằm hướng tới tăng trưởng bền vững và bao trùm được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề cập là phải thu hẹp khoảng cách phát triển, bởi không thể đạt được tăng trưởng bao trùm nếu vẫn còn khoảng cách phát triển ở mỗi nước cũng như giữa các nước thành viên ASEAN. Do đó, xóa nghèo bền vững và thực hiện hiệu quả an sinh xã hội phải tiếp tục là một ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển của mỗi nước và nghị sự ASEAN trong nhiều năm tới.

 

 

Hợp tác trên tinh thần đoàn kết ASEAN

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, hợp tác Mekong là một cấu thành quan trọng của tiến trình liên kết kinh tế ASEAN và khu vực. Những năm gần đây, kết nối hạ tầng giao thông, liên kết thương mại và đầu tư phát triển mạnh mẽ trong khu vực Mekong. Việc hình thành các tuyến hành lang kinh tế tiểu vùng như Hành lang kinh tế Đông-Tây, Hành lang kinh tế phía Nam... đã đẩy mạnh kết nối kinh tế giữa các nước Mekong với nhau và giữa khu vực Mekong với các nước ASEAN khác cũng như các nền kinh tế lớn trong khu vực.

Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang tích cực phối hợp với WEF tổ chức Hội nghị WEF về khu vực Mekong vào các ngày 25 và 26-10 tới tại Hà Nội. Hội nghị sẽ góp phần tăng cường quan hệ đối tác giữa Chính phủ các nước Mekong và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế nhằm phát triển bền vững khu vực đầy tiềm năng này.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, hợp tác trên tinh thần đoàn kết ASEAN và cùng chia sẻ trách nhiệm trước những vấn đề chung là nhân tố không thể thiếu đối với hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của khu vực.

“Việt Nam luôn nỗ lực cùng các nước ASEAN và các đối tác trên tinh thần và vì mục tiêu này. Tương lai tốt đẹp của khu vực Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương chỉ được bảo đảm trong môi trường hòa bình, ổn định, trong đó các quốc gia đều tuân thủ luật pháp quốc tế”-Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm