Nếu trái đất nóng lên 1,8 độ C, tính mạng con người bị đe dọa vào năm 2100

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-Báo cáo được Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC) công bố hôm 20/ 3 ‐ chắt lọc từ 10.000 trang báo cáo của hơn 1.000 nhà khoa học - cho thấy thế giới có khả năng đã bỏ lỡ mục tiêu khí hậu là hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5⁰C so với nhiệt độ thời tiền công nghiệp.
Biến đổi khí hậu ảnh hướng đến toàn cầu. Ảnh: Reuters

Biến đổi khí hậu ảnh hướng đến toàn cầu. Ảnh: Reuters

Báo cáo dài 36 trang tập trung vào những thiệt hại mà tình trạng biến đổi khí hậu đã gây ra và sẽ tiếp tục gây ra trong tương lai, trong đó đặc biệt lưu ý tới những nhóm dân cư và những hệ sinh thái dễ bị tổn thương nhất. Theo bà Aditi Mukherji - một trong 93 tác giả thực hiện báo cáo trên, "công bằng khí hậu là rất quan trọng", trong khi mức độ góp phần gây ra tình trạng biến đổi khí hậu và mức độ bị ảnh hưởng hiện nay là không tương xứng. Bà Mukherji cho biết: "Gần 50% dân số thế giới đang sống ở những khu vực rất dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Trong thập kỷ qua, số người thiệt mạng do lũ lụt, hạn hán và bão tại những khu vực dễ bị tổn thương cao gấp 15 lần so với những khu vực còn lại, mặc dù nhiệt độ mới chỉ tăng chưa tới 1,2 độ C".

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đánh giá: "Báo cáo của IPCC là khuyến nghị về cách tháo gỡ 'quả bom hẹn giờ' khí hậu. Đó là hướng dẫn sinh tồn cho nhân loại. Như báo cáo cho thấy, giới hạn 1,5 độ C là có thể đạt được, nhưng cần phải có một bước nhảy vọt trong hành động về khí hậu".

Vượt qua ngưỡng đó, thảm họa khí hậu trở nên cực đoan đến mức con người không thể thích nghi, theo báo Washington Post. Khi đó, sóng nhiệt, nạn đói và các bệnh truyền nhiễm sẽ cướp đi thêm hàng triệu sinh mạng. Các thành phần cơ bản của hệ thống Trái đất sẽ bị thay đổi về cơ bản, không thể đảo ngược.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres yêu cầu các nước phát triển như Mỹ loại bỏ khí thải carbon vào năm 2040 - sớm hơn một thập kỷ so với phần còn lại của thế giới.

Theo IPCC, thế giới đã có tất cả kiến thức, công cụ và nguồn tài chính cần thiết để đạt được các mục tiêu về khí hậu. Nhưng sau nhiều thập kỷ coi thường các cảnh báo khoa học và trì hoãn các nỗ lực về khí hậu, cơ hội hành động của loài người đang nhanh chóng đóng lại.

Hiện tại, báo cáo tổng hợp của IPCC cho thấy quần thể cá đang suy giảm, các trang trại kém năng suất hơn, các bệnh truyền nhiễm gia tăng và thảm họa thời tiết đang leo thang đến mức cực đoan chưa từng thấy.

Trái đất nóng hơn so với 125.000 năm trước. Báo cáo của IPCC cho biết cánh cửa cơ hội để đảm bảo một tương lai có thể sống được và bền vững đang đóng lại "nhanh chóng".

Theo các nhà khoa học, việc nền nhiệt trung bình của Trái Đất tăng 1,5 độ C có thể khiến thế giới tiến gần hơn tới "điểm tới hạn" trong hệ thống khí hậu, dẫn tới sự tuyệt chủng của một số loài sống trên đất liền và trong đại dương, làm mất đi những rạn san hô giàu đa dạng sinh học, khiến băng tan nhanh hơn, nước biển dâng cao và tình trạng mất mùa nghiêm trọng hơn... Nếu sự tăng nhiệt ở mức 1,8 độ C, nhân loại có thể phải đối mặt với thời kỳ nhiệt độ và độ ẩm cực cao, đe dọa đến tính mạng vào năm 2100.

TS ( từ TTXVN, VNexpress.net,TTO)

Có thể bạn quan tâm