Nga và Trung Quốc xây dựng quan hệ đối tác quân sự mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc hội đàm chính thức vào ngày 21.3. Nội dung cuộc hội đàm nhằm củng cố mối quan hệ sâu rộng giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó có quân sự.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trao đổi văn kiện hợp tác, ngày 21.3.2023, tại Mátxcơva, Nga. Ảnh: Sputnik/Kremlin

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trao đổi văn kiện hợp tác, ngày 21.3.2023, tại Mátxcơva, Nga. Ảnh: Sputnik/Kremlin

RT đưa tin, ngày 21.3, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký hơn chục văn bản về tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực từ thương mại, công nghiệp đến khoa học và quân sự. Hai nhà lãnh đạo cũng đề cập đến triển vọng hòa bình ở Ukraina.

“Đây là một ví dụ về cách các cường quốc thế giới - những thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, những nước có trách nhiệm đặc biệt trong việc duy trì sự ổn định và an ninh trên hành tinh - nên tương tác với nhau” - Tổng thống Putin phát biểu trong tiệc chiêu đãi sau cuộc hội đàm kéo dài nhiều giờ tại Điện Kremlin.

Trong lời chúc mừng, Tổng thống Nga Putin đã trích dẫn một câu trong "Cuốn sách về những thay đổi" để nói rằng người dân Nga và Trung Quốc có "tâm hồn chung" và có thể vượt qua mọi trở ngại bằng sức mạnh chung.

Phát biểu với các phóng viên sau cuộc hội đàm, Tổng thống Putin cho biết quan hệ giữa Trung Quốc và Nga đang ở "điểm cao nhất trong lịch sử", hợp tác kinh tế và thương mại là ưu tiên của cả hai chính phủ.

Kinh tế và thương mại

Thương mại của Trung Quốc với Nga đạt mức cao kỷ lục vào năm 2022, tăng 30% khi phương Tây trừng phạt Nga. Thương mại song phương đang trên đà đạt hơn 200 tỉ USD trong năm nay - mặc dù hai phần ba trong số đó được tính bằng đồng nhân dân tệ và đồng rúp, khi cả hai nước đều rời xa đồng USD.

Ông Putin tán thành việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong các thỏa thuận thương mại với các nước khác ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh.

Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về việc tăng quy mô thương mại, phát triển hơn nữa cơ sở hạ tầng hậu cần và xuyên biên giới, mở rộng hợp tác nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực cho cả hai nước và cải thiện hợp tác trong trao đổi năng lượng, khoáng sản, kim loại và các sản phẩm hóa học. Trung Quốc và Nga cam kết mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI).

“Bằng cách kết hợp tiềm năng khoa học và năng lực sản xuất phong phú của chúng tôi, Nga và Trung Quốc có thể trở thành những nhà lãnh đạo thế giới trong lĩnh vực công nghệ thông tin, an ninh mạng và trí tuệ nhân tạo” - ông Putin nói với các phóng viên.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 21.3.2023. Ảnh: Kremlin

Tổng thống Nga Vladimir Putin đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 21.3.2023. Ảnh: Kremlin

Quan hệ đối tác quân sự mới

Tổng thống Putin mô tả mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc khác với các liên minh chính trị - quân sự đã phát triển trong Chiến tranh Lạnh, nói rằng chúng “vượt trội so với hình thức hợp tác giữa các quốc gia và không mang tính đối đầu”.

Mátxcơva và Bắc Kinh đồng ý “thường xuyên tiến hành các cuộc tuần tra chung trên biển, trên không và các cuộc tập trận chung”, mở rộng trao đổi và hợp tác quân sự bằng tất cả cơ chế song phương sẵn có, đồng thời tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau giữa các lực lượng vũ trang.

Thúc đẩy quan hệ với Nga là “lựa chọn chiến lược mà Trung Quốc đã đưa ra trên cơ sở lợi ích cơ bản của chính mình và các xu hướng thịnh hành của thế giới” - Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu sau vòng họp đầu tiên hôm 20.3, giải thích rằng hai quốc gia chia sẻ cam kết xây dựng một thế giới đa cực.

Đề xuất hòa bình Ukraina

Tổng thống Putin hoan nghênh lộ trình hòa bình do Trung Quốc đề xuất vào tháng trước, nói rằng nhiều điểm của đề xuất “có thể được coi là nền tảng cho một giải pháp hòa bình khi phương Tây và Ukraina sẵn sàng cho điều đó”.

Tuy nhiên, ông Putin chỉ ra rằng, cả Ukraina và những nước ủng hộ Kiev ở phương Tây hiện không sẵn sàng thảo luận về hòa bình. Đại diện của Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ trong tuần này đã lên tiếng phản đối bất kỳ lệnh ngừng bắn nào ở Ukraina, mâu thuẫn với khẳng định trước đó của chính họ rằng sẽ ủng hộ Kiev trong bất cứ quyết định nào.

“Chúng tôi luôn ủng hộ hòa bình và đối thoại, và chúng tôi kiên quyết đứng về phía lẽ phải của lịch sử” - ông Tập Cận Bình nói.

Quang cảnh hội đàm giữa phái đoàn Nga và Trung Quốc ngày 21.3.2023. Ảnh: Kremlin

Quang cảnh hội đàm giữa phái đoàn Nga và Trung Quốc ngày 21.3.2023. Ảnh: Kremlin

Nhiều thỏa thuận được ký kết

Chủ tịch Tập Cận Bình đến Mátxcơva hôm 20.3 trong chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài ba ngày. Đến tối 21.3, hai bên đã đưa ra tổng cộng 14 tuyên bố, nghị định thư, bản ghi nhớ và thỏa thuận.

Trong hai tuyên bố chung, Nga và Trung Quốc đã cam kết “làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác toàn diện và tương tác chiến lược bước vào kỷ nguyên mới”, đồng thời xây dựng kế hoạch phát triển cho các lĩnh vực hợp tác kinh tế quan trọng đến năm 2030.

Các bộ khoa học đã ký nghị định thư về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực “nghiên cứu khoa học cơ bản”, trong khi một nghị định thư khác thiết lập cơ chế cho các cuộc họp nguyên thủ thường xuyên trong tương lai.

Đài truyền hình công cộng Nga VGTRK và China Media Group ký biên bản ghi nhớ hợp tác sản xuất chương trình truyền hình chung. Các hãng thông tấn nhà nước TASS và Tân Hoa xã cũng đồng ý trao đổi thông tin.

Hai bên ký sáu bản ghi nhớ bổ sung liên quan đến thương mại, lâm nghiệp, nông nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng và cơ sở hạ tầng ở Viễn Đông của Nga.

Cơ quan năng lượng nguyên tử Nga (Rosatom) và cơ quan năng lượng nguyên tử Trung Quốc nhất trí về “chương trình hợp tác toàn diện lâu dài trong lĩnh vực lò phản ứng neutron nhanh và khép kín chu trình nhiên liệu hạt nhân”.

Trước chuyến thăm, ông Tập Cận Bình và ông Putin đã đăng tải các bài bình luận trên các tờ báo hàng đầu của mỗi nước.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mời Tổng thống Nga Vladimir Putin đến thăm Bắc Kinh vào cuối năm nay, dự Diễn đàn Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ ba.

Có thể bạn quan tâm