Tin tức

Ba lý do khiến Tổng thống Mỹ muốn gặp riêng người đồng cấp Nga

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo trang us.cnn.com, Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn thích gặp riêng các nhà lãnh đạo thế giới và cũng muốn có khoảng thời gian riêng với Tổng thống Nga Vladimir Putin, khi hai nhà lãnh đạo này tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh tại thủ đô Helsinki của Phần Lan ngày 16-7.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp ở Helsinki, Phần Lan ngày 16-7. (Ảnh: AFP/TTXVN)


Nhà phân tích chính trị Kevin Liptak của hãng tin CNN đã đưa ra 3 lý do cho việc (Tổng thống Trump muốn) tổ chức cuộc gặp riêng với người đồng cấp Putin, nghĩa là chỉ có hai nhà lãnh đạo này và một số người phiên dịch.

Một là, Tổng thống Trump đề nghị có khoảng thời gian riêng để tự đánh giá về Tổng thống Putin và phát triển mối quan hệ lãnh đạo với lãnh đạo.

Đây không phải là điều mới mẻ gì của Tổng thống Donald Trump.  Trước khi gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để đi đến nhất trí thương lượng về phi nhạt nhân hóa Bình Nhưỡng trong tương lai, ông Trump đã nói với phóng viên rằng, chỉ trong vòng 1 phút của cuộc gặp trực tiếp, ông sẽ biết liệu nhà lãnh đạo Kim Jong-un có nghiêm túc về phi hạt nhân hóa hay không.

Trong cuộc gặp Tổng thống Nga, không có mục tiêu cụ thể nào giống như mục tiêu với Triều Tiên, song lại có hàng loạt chủ đề để thảo luận, từ cách giải quyết vấn đề Syria, việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, cho đến cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân có thể xảy ra...

Hai là, Tổng thống Trump đã thất vọng trước vụ rò rỉ thông tin từ các cuộc hội đàm trước đây với các nhà lãnh đạo thế giới.

Ví dụ, trong cuộc điện đàm đầu tiên của ông Trump, trên cương vị Tổng thống Mỹ, với Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto, thông tin về cuộc điện đàm này đã bị rò rỉ cho báo giới, và rằng ông Trump đang tìm cách làm cho ông Nieto không nói Mexico sẽ không chi trả cho việc xây bức tường biên giới theo kế hoạch của nhà lãnh đạo Mỹ.

Lý do thứ ba có thể được xem là lạ thường nhất, đó là Tổng thống Trump lo ngại về các phụ tá, những người có quan điểm cứng rắn hơn ông về Nga, tham gia cuộc đối thoại trực tiếp hoặc ngắt lời ông trong cuộc gặp này.

Đằng sau sự lo ngại này là ông Trump không tin tưởng sự đánh giá của các phụ tá về cách thức đối phó với Nga.

Tổng thống Trump đã đưa ra nhiều thuyết âm mưu bảo thủ về việc có một "nhà nước ngầm" cực đoan kiểm soát ông, mặc dù ông đang đứng đầu Chính phủ Mỹ.

Theo Vietnam+

Có thể bạn quan tâm