(GLO)- Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 lây lan, ảnh hưởng đến nước ta, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nhanh chóng phối hợp chung tay dập dịch, không để phát tác trên diện rộng. Phương châm "4 tại chỗ" từ phát hiện, thăm khám, cách ly, điều trị,...đều được triển khai tích cực và thực tế đã thu lại những kết quả đáng mừng.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp triển khai thực hiện phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Như Nguyện |
Đến giờ này, sau hơn 3 tháng dịch bệnh xuất hiện, các chỉ số: người cách ly, người nghi nhiễm, bị nhiễm, điều trị khỏi đều hết sức khả quan. Đặc biệt là Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào phải tử vong vì Covid-19! Một nước đang phát triển, tiềm lực hạn chế, đi sau nhiều nước nhưng chúng ta đã được WHO, thế giới coi là "ngọn hải đăng", là hình mẫu trong cuộc chiến chống dịch. Dẫu cuộc chiến còn nhiều gian nan, gay go phức tạp nhưng thành tích này phản ánh giải pháp ngăn chặn dịch bệnh của Việt Nam là sát đúng, phù hợp và hiệu quả.
Tuy nhiên trên thực tế, quá trình thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, khuyến cáo của Bộ Y tế, một số nơi, cơ quan, đơn vị cũng đã gặp phải không ít khó khăn, lúng túng, mỗi nơi mỗi kiểu dẫn đến kết quả chưa như mong muốn, ít nhiều gây ra những phản ứng trái chiều. Thực tế này đã "bật" ra một số bài học xử lý tình huống trong bối cảnh dịch bệnh tác động xấu đến xã hội, cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm để tránh lặp lại trong thời gian tới khi đối mặt với những tình huống nhạy cảm, nóng, phức tạp, cấp bách khác chẳng hạn.
Lấy ví dụ với yêu cầu 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, một số nơi đã "làm quá" thành "ngăn sông cấm chợ", người đi chợ 2 lần bị bêu tên trên loa phóng thanh của khu dân cư, của phường; nơi thì đổ đất, xây dựng chướng ngại vật, rào đường không cho người, phương tiện đi lại, và còn nhiều bất cập, bất ngờ, tréo ngoe khác .
Vì sao lại xảy ra những chuyện như vậy? Có phải chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế có điều gì chưa rõ khiến chính quyền một số địa phương khi triển khai thực hiện vấp phải khó khăn, lúng túng?
Hoàn toàn không phải vậy. Vì chỉ đạo, khuyến cáo, yêu cầu, quy định của cấp thẩm quyền là sáng suốt, kịp thời, cần thiết và rất rõ ràng. Tinh thần các văn bản chỉ đạo đều xuyên suốt, thống nhất theo từng cấp độ ứng phó với diễn biến tình hình khác nhau. Những chính sách, quyết định ban hành được nghiên cứu, xây dựng từ đội ngũ tham mưu là các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu giàu năng lực và kinh nghiệm. Nó cũng được lấy ý kiến góp ý từ các bộ ngành liên quan, các địa phương và của người dân bằng nhiều cách khác nhau, trong đó có trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Không thể không kể đến đóng góp từ khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới (WHO), của thành tựu y học hiện đại, thành công của các nước đi đầu trên trận tuyến chống dịch. Trên hết nó là thành quả của trí tuệ tập thể, của nỗ lực, quyết tâm, đồng sức đồng lòng, chấp nhận thiệt thòi, bất tiện (như ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam), để sớm chung tay đẩy lùi dịch bệnh của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và toàn thể nhân dân Việt Nam.
Nhiều chính sách sau khi ban hành thì còn thêm hướng dẫn thực hiện chi tiết. Vậy nhưng vướng mắc, hạn chế khi triển khai thực hiện vẫn xảy ra. Đây có thể là vì đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng ( virut Corona nguy hiểm hoành hành), vốn chưa có tiền lệ nên ít nhiều địa phương vấp phải lúng túng. Có thể vì nắm bắt không đầy đủ, chính xác nội dung chỉ đạo, nên vận dụng chưa phù hợp. Có thể tình hình, tính chất dịch bệnh ở mỗi nơi mỗi khác mà các địa phương có cách tổ chức triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ cũng khác nhau, v.v...Nhưng suy cho cùng, tất cả đều phải chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, sửa sai ngay. Lơ là, chủ quan buông lỏng, hoặc cứng rắn thái quá đến mức vô lý, không cần thiết đều dẫn đến bất cập, thái quá. Cả hai khả năng này khi xảy ra đều ít nhiều gây nên xáo trộn xã hội, cuộc sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nói chung là đều ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.
Người viết không thể không liên tưởng đến một số sự việc đã từng diễn ra trên khu vực, địa bàn tỉnh trước đây vốn được xem là điểm nóng, nhạy cảm, phức tạp, cũng từng làm một số ban ngành, địa phương lúng túng, bị động. Tới đây tiếp tục còn nhiều vấn đề phức tạp, áp lực, thách thức khác bên cạnh nhiệm vụ phòng chống Covid-19, cảnh báo sát sườn như vấn đề biến đổi khí hậu dẫn đến hạn hán khốc liệt khắp nơi trong đó có khu vực Tây Nguyên, tỉnh nhà với hàng ngàn ha cây trồng thiệt hại; rồi nguy cơ cháy rừng; an sinh xã hội cho những người yếu thế, bà con người dân tộc thiểu số...Tất cả đều là những bài toán hóc búa mà đáp án chỉ có thể tìm thấy trước tiên ở những người hội đủ trình độ, kinh nghiệm, bản lĩnh, tài đức, tâm huyết vì sự nghiệp chung. Thật tự nhiên, ngay lúc này tôi nhớ đến câu hỏi tình huống do Bí thư một tỉnh Tây Nguyên đặt ra trong cuộc thi tìm ứng viên Bí thư một huyện mới đây. Rất mừng là cuối cùng cuộc thi cũng tìm được người xứng đáng, với giải pháp xử lý tình huống khả dĩ phù hợp. Tuy vậy, phía sau nó, vẫn chưa thôi dư âm bài học kinh nghiệm "hóa giải" tình huống gay go, phức tạp, nóng bỏng lúc nào thực tiễn cuộc sống cũng chực chờ đặt ra.
Lúc này là lúc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết, đồng lòng chiến đấu để sớm quét tan giặc dịch. Chúng ta chủ trương vận động, kêu gọi nhưng đi liền là chế tài, quy định nghiêm khắc, vì mục tiêu cao nhất là sớm dập tắt dịch. Cùng với cả nước, Gia Lai đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch với quyết tâm cao nhất. Sau Chỉ thị 04, mới đây UBND tỉnh lại có công văn 767/UBND-NC ngày 7-4 về việc xử lý vi phạm liên quan đến phòng chống Covid-19, thực hiện văn bản 2673/VPCP- KGVX ngày 6-4-2020 của Văn phòng Chính phủ. Như vậy, có thể xem chỉ đạo mới của Chính phủ là thêm một lần cụ thể hóa yêu cầu nhiệm vụ trong tình huống mới, đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành thực hiện. Với chỉ đạo mới này, yêu cầu xử lý hình sự đối với hành vi có đủ yếu tố cấu thành tội phạm (nếu có) đã được đề cập tới. Sự tiếp nối cần thiết quy định trong thời điểm vàng giãn cách xã hội, là hành động phù hợp để ứng phó với tình huống phức tạp đang diễn ra.
Thất Sơn