Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Bánh in ngày Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Đầu tháng Chạp, khi trời giăng sương mờ ảo, cũng là lúc bác Năm trong xóm đem ra cái máy đùng bột.

Sở dĩ gọi máy đùng vì mỗi lần cho gạo nếp vào thì dưới sức nóng của lửa, nó phát ra tiếng nổ thật to. Sắp nhỏ đứng ngoài sân, hóng đợi đến lượt, đổ bột vào bì mang về cho mẹ gói bánh in.

Mẹ để dành mấy ký nếp ngon, nhưng chưa đi đùng bột sớm vì sợ mấy ngày đầu, máy còn mùi, bột chưa ngon. Bếp đùng đầu này là bếp lửa, giăng tấm bạt, phía cuối là tấm vải lớn được căng lên, cột túm để đựng bột thành phẩm. Bác Năm mồ hôi nhễ nhại. Ngày nào đông khách, bác nhận lại, ghi tên, hôm sau mới nhận lại bột. Và, càng đến những ngày giáp Tết, khách càng đông.

Ảnh nguồn internet

Ảnh nguồn internet

Sau khi đùng bột về, mẹ lấy nia phơi bột ngoài sương một đêm. Cũng phải lựa thời tiết vì nếu sương quá dày thì bột ướt, đóng dính khuôn, nếu sương ít quá thì bột lại không đủ độ để kết dính. Người làm bánh phải dùng tay, coi tiết trời mà cảm nhận. Bột xong thì chuẩn bị đường. Tôi nhớ, mẹ hay làm bằng đường phèn, đường phổi xay mịn, vị ngọt thanh. Cầu kỳ hơn thì lấy dao, bào đường bánh sẽ có vị ngon hơn. Nhiều gia đình cầu kỳ còn làm thêm nhân là mè hoặc đậu phộng rang trộn đường để bánh thêm vị mặn mà. Có lần, mẹ tôi rắc thêm vài giọt dầu chuối, mùi nếp quyện vào thơm lừng, béo ngậy.

Sáng hôm sau, lấy bột xuống từ mái phơi đêm qua, trộn đường rồi đóng bánh vào khuôn. Có nhiều loại khuôn. Khuôn gỗ gồm 4 chiếc với các hình khác nhau xếp 1 dãy. Ô hình vuông có khắc hình con rồng. Hình hoa 5 cánh mịn, hình trái tim, hình tròn. Loại này bánh mỏng, khuôn gỗ in hoa rõ nét. Loại khuôn bằng nhôm bánh dày hơn, cũng hình trụ tròn, cho bột vào, ấn mạnh tay, in bông hoa hay chữ thọ. Có loại bánh to, dài bằng bàn tay rộng khoảng 10 cm, dày độ 2 cm mà mẹ gọi là bánh táp lô (có thể là hình giống viên gạch táp lô xây nhà). Loại bánh này thường có nhân bên trong. Mẹ đóng nhiều bánh táp lô phơi thành từng nia. Mẹ gói bằng giấy màu ngũ sắc. Có khi tiết kiệm, mẹ rọc giấy báo cũ thành tờ vuông vắn, gói lại. Bánh đóng xong đem phơi nắng nửa ngày. Phần đặt lên ban thờ thắp hương, phần đóng gói cất dành cho ra Giêng.

So với bánh thuẫn thì bánh in là loại bình dân. Thường ra Giêng, khi bánh kẹo ngon ngày Tết đã hết, mẹ lấy từ sập lúa ra thùng bánh in, mỗi buổi đi chăn bò hay đi học về, phát cho mỗi đứa một cái. Mẹ dặn, khi ăn bánh in đừng cười, vì cười thì sẽ sặc hoặc bột bay tung ra. Vậy mà, tụi trẻ con cứ tủm tỉm cười khi được mẹ cho những cái bánh gói giấy xanh đỏ, đem ra đồng, chăn bò, chia phần cho nhau rồi tự chấm điểm xem bánh nhà ai ngon hơn, ngọt hơn.

Lâu quá rồi, dễ đến gần 20 năm, tôi không còn nhìn thấy mẹ đi đùng bột, cắt giấy để làm bánh in nữa. Mẹ nói, tụi nhỏ giờ đã lớn, bánh trái nhiều hơn, ai ăn nữa đâu mà vẽ bày. Vừa rồi, tôi được tặng hộp bánh khảo của miền Bắc, gói trong giấy màu ngũ sắc. Nhìn hộp bánh, nỗi nhớ lại ùa về trong tôi, nhất là hình ảnh mẹ cặm cụi túm tùm đùm nếp rồi hỏi các con: “Tết này nhà mình đùng bột mấy ký tụi bay”.

Có thể bạn quan tâm