Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 30-1 cho biết quân đội nước này đang bị bão cát cầm chân ở sân bay của thị trấn Kidal, chưa thể tiến vào thị trấn xung yếu cuối cùng ở miền bắc Mali của phiến quân Hồi giáo.
Quân đội Mali tiến về Gao ngày 30-1. |
Phát triểu trước quốc hội ở Paris, ông Le Drian xác nhận quân Pháp đã chiếm được sân bay Kidal nhưng tạm thời bị bão cát cầm chân ở khu vực cách thủ đô Bamako khoảng 1.500 km về phía đông bắc.
Tuyên bố của ông Le Drian mâu thuẫn với báo cáo quân Pháp đã chiếm được Kidal và phiến quân tháo chạy trước đó cùng ngày của người phát ngôn quân đội-Đại tá Thierry Burkhard.
Cho đến gần đây, Kidal vẫn nằm trong sự kiểm soát của nhóm Hồi giáo Ansar Dine vốn có quan hệ mật thiết với al-Qaeda. Tuy nhiên, Phong trào Hồi giáo Azawad (IMA, tách ra từ Ansar Dine) vừa tuyên bố nhóm mới chính là “chủ” của Kidal. Một phát ngôn viên của IMA tuyên bố phản đối “chủ nghĩa cực đoan và khủng bố”, đồng thời “muốn có giải pháp hòa bình trong cuộc đàm phán với quân Pháp đang diễn ra”.
Quân đội Pháp được người dân Timbuktu chào đón hôm 28-1. |
Một nhóm phiến quân khác có ảnh hưởng lớn ở Kidal là Phong trào Giải phóng Azawad quốc gia (MNLA) cũng khẳng định sắp làm việc với Pháp để “nhổ rễ các nhóm khủng bố” nhưng không chấp nhận sự quay lại của quân đội Mali do “phạm những tội ác đối với dân thường”. Trước đó, các nhóm hoạt động nhân quyền đã cáo buộc quân đội Mali nhắm vào các thường dân thiểu số Tuareg và Ả Rập.
Quân đội Pháp và Mali đã càn quét miền bắc Mali và chiếm được Gao và Timbuktu mà hầu như không gặp phải trở ngại nào. Hiện hàng trăm binh lính từ các nước Tây Phi, bao gồm Niger và Chad, đã có mặt ở Mali để hỗ trợ chiến dịch đánh đuổi phiến quân.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius ngày 30-1 cho biết Pháp sẽ “nhanh chóng rút khỏi Mali” và việc ổn định Mali sau đó thuộc về các nước châu Phi. Cùng ngày, Paris thúc ép chính phủ Mali đàm phán với “các đại diện hợp pháp của người dân ở miền bắc” cũng như “các nhóm vũ trang không phải là khủng bố”.
Theo nld