Thời sự - Bình luận

Bia đá cũng biết đau

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những năm qua, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa ngày càng đi vào chiều sâu. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được chú trọng; nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm, bia ghi danh liệt sĩ được xây dựng ở nhiều nơi từng là chiến trường ác liệt. Trong khi nền kinh tế hãy còn nhiều khó khăn, Đảng và Nhà nước ta vẫn dành sự quan tâm đặc biệt để tri ân các liệt sĩ, thương binh, đối tượng chính sách và các Bà mẹ Việt Nam anh hùng…

Có điều, do hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh, rất nhiều hài cốt liệt sĩ khi quy tập về nghĩa trang đã không thể xác định được danh tính. Ban đầu, trên các bia mộ này đều ghi “Liệt sĩ vô danh”.

Sau đó, một số nơi sửa thành “Liệt sĩ chưa biết tên”. Nhà thơ Lê Đình Cánh có bài thơ Gió đất, với câu từ đầy tha thiết: “Người còn tên. Người mất tên/ Giãi dầu bia đá nằm bên giãi dầu/ Nắng mưa có dại phai màu/ Nấm mồ liệt sĩ như nhau nấm mồ… Gió từ cõi đất gió sang cõi người”.

Tháng 7-1993, bài thơ Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh của nhà báo Văn Hiền (Nghệ An) xuất hiện trên 2 tờ báo lớn ở Hà Nội. 27 câu thơ mộc mạc, 5 lần tít bài được nhắc lại như một điệp khúc: “Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác/ Tổ quốc không đánh mất tên anh/ Chỉ lặng thầm nhận về mình nỗi đau xanh cùng năm tháng”. 17 năm sau, Bộ LĐTB-XH cho khắc bài thơ này lên bia đá Nghĩa trang Hữu nghị Việt - Lào tại huyện Anh Sơn, Nghệ An (10-2010).

Sức lan tỏa của bài thơ là có thật. Có điều, người ta nhân đó mà chiết tự, chẻ nghĩa, luận bàn đủ thứ. “Liệt sĩ vô danh” phải chăng chứa đựng sự vô cảm? Hoàn toàn không phải vậy. “Vô danh” là từ Hán - Việt, nhưng nó quá quen thuộc với phong cách ngôn ngữ của người Việt, đơn giản, dễ hiểu. Đừng nghĩ dùng từ thuần Việt “chưa biết tên” sẽ hay hơn.

Tôi từng đến Mátxcơva, đứng lặng trước mộ Chiến sĩ vô danh, ngay chân tường Điện Kremlin, nơi có ngọn lửa vĩnh cửu rực cháy và cảm nhận sự bất tử của những người lính hy sinh trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Xin hỏi: Đổi hai chữ “vô danh” ở đây được không? Đâu phải khi nào sự vinh danh cũng cần gọi rõ tên ra.

Mới đây, Bộ LĐTB-XH có ý kiến chỉ đạo, các bia mộ liệt sĩ còn ghi “vô danh” đều phải sửa và khắc lại thành “liệt sĩ chưa xác định được thông tin” và năm 2023 phải hoàn thành việc điều chỉnh này. Thoạt nghe, thấy có vẻ hợp lý, song không ít người lắc đầu, thậm chí phản ứng gay gắt. Vì sao? Vì không nên tầm thường hóa một điều vốn dĩ đã rất thiêng liêng.

Lại một câu hỏi nữa được đặt ra: Vậy đến bao giờ có thể xác định được “thông tin về các liệt sĩ?”. Một khi còn chưa biết danh tính người nằm dưới mộ, lấy đâu căn cứ để giám định ADN với những bộ hài cốt hầu như chỉ còn là nắm đất? Như vậy, vô hình trung kéo dài thêm nỗi đau cho thân nhân các liệt sĩ.

Hãy để anh linh các liệt sĩ được an yên cùng đồng đội của họ, chẳng cần phải sửa lại bia mộ. Xin được nói thêm rằng, bia đá không vô cảm, bia đá cũng biết đau!

Hiện nay, cả nước hiện có hơn 20.000 bia mộ liệt sĩ cần thay thế. Mỗi tấm bia khi thi công là một khoản tiền không nhỏ, đó là chưa kể nguồn nhân lực, chưa kể sự “phát sinh” khi tổ chức, thực hiện. Đại dịch Covid-19 vừa giáng một đòn chí mạng xuống nền kinh tế, đời sống người dân, nhất là dân nghèo vẫn khốn đốn.

Việc cần làm là hãy tập trung nguồn lực chăm sóc nhiều hơn thân nhân liệt sĩ, những người còn sống, nhất là các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Cần rà soát thật khách quan và minh bạch những người thực sự có công mà chưa được tưởng thưởng xứng đáng. Đó mới là việc cấp thiết vào lúc này…

Nhà văn - Đại tá NGUYỄN MINH NGỌC

(Dẫn nguồn SGGPO)

 

Có thể bạn quan tâm