Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Biến đam mê thành cơ hội khởi nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ đam mê sắc màu hoa lan, chàng trai trẻ ở Quảng Nam quyết tâm dành toàn bộ công sức, vốn liếng đầu tư trại khởi nghiệp với loại hoa lan công nghiệp mokara trên đất cát.
Anh Huỳnh Văn Thiện chăm sóc lan mokara tại trang trại của mình - Mạnh Cường
Anh Huỳnh Văn Thiện chăm sóc lan mokara tại trang trại của mình -  Ảnh: Mạnh Cường
Cơ duyên với lan
Anh Huỳnh Văn Thiện (33 tuổi, ở xã Bình Trị, H.Thăng Bình, Quảng Nam) tốt nghiệp ngành cơ khí ô tô tại Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Ra trường, anh làm nhân viên thẩm định chất lượng linh kiện ô tô cho một tập đoàn Nhật Bản tại Việt Nam. Sau một thời gian, thấy công việc không phù hợp nên anh quyết định nghỉ việc.
Vốn là người mê hoa lan, khi nghỉ việc, Thiện dành nhiều thời gian để sống với đam mê. Thú chơi lan cảnh cũng bắt đầu từ đó. Anh lang thang mọi miền đất nước, đến những “thủ phủ hoa lan” như Củ Chi, Đà Lạt để tìm hiểu. Đến đây, anh thấy nhiều người có thể làm giàu từ lan mokara công nghiệp nên nảy ra ý tưởng sẽ làm giàu từ giống lan này.
Sau khi tìm hiểu về loại lan mokara, anh Thiện quyết định chọn trồng hoa lan này để khởi nghiệp. “Hoa lan mokara đến với mình như một cơ duyên. Trước đây, mình có đi du lịch ở Củ Chi - vốn là thủ phủ của hoa lan. Vốn thích lan lâu lắm rồi, nhưng khi vào đây mình càng mê hơn”, anh Thiện chia sẻ.
Theo Thiện, mokara là loại lan có thể thích nghi với điều kiện thời tiết nóng, độ ẩm cao nên anh tận dụng mảnh đất rộng hơn 100 m2 tại nhà vợ ở xã Duy Hải (H.Duy Xuyên, Quảng Nam) để thí điểm mô hình vào năm 2017.
“Khởi nghiệp thì ban đầu bao giờ cũng có rất nhiều khó khăn như về kỹ thuật, cách chăm sóc. Ban đầu do chưa nắm rõ cách chăm sóc nên lan cho bông ngắn cũng như ít, chưa đạt chuẩn. Để khắc phục điều đó, mình lên mạng internet cũng như học hỏi kinh nghiệm những người trồng lan lâu năm, từ đó mình trồng cây phát triển tốt và bông đạt được độ dài chuẩn”, Thiện nói.
Liên kết cùng phát triển
Sau khi những khó khăn ban đầu được khắc phục, Thiện bắt đầu tìm đầu ra cho hoa lan tại địa bàn TP.Hội An (Quảng Nam) và TP.Đà Nẵng. “Lan mokara do mình trồng được khách hàng đánh giá cao, ưa chuộng nên khi nào cầu cũng vượt cung. Nắm bắt cơ hội này, mình đã đầu tư thêm trại lan mới rộng 700 m2, nâng tổng số gốc lan của cả 2 trại lên gần 8.000 gốc”, Thiện tâm sự.
Theo Thiện, chăm sóc lan mokara không quá khó nhưng đòi hỏi người trồng phải đam mê, tỉ mẩn. Để có vườn lan mokara đẹp, hiệu quả cao cần chăm sóc, theo dõi sự phát triển của cây hằng ngày, trong đó yếu tố nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, các loại dịch bệnh cũng như dinh dưỡng cung cấp cho cây là đặc biệt quan trọng.
“Sắp tới mình sẽ nhân rộng mô hình để có thể tạo ra những nông trại như ở Đà Lạt để thu hút nguồn khách du lịch từ TP.Hội An và phát triển vùng đông Quảng Nam thành vựa hoa”, Thiện nói và cho hay ước tính mỗi tháng, 2 trại lan cho thu hoạch khoảng 7.000 cành hoa. Với giá 8.000 đồng/cành, sau khi trừ chi phí, anh Thiện thu về gần 50 triệu đồng mỗi tháng.
Để nhân rộng, phát triển mô hình trồng lan mokara, Thiện đã kêu gọi các nông dân tại xã Duy Hải thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Nam An. Hợp tác xã hiện có 7 thành viên, các thành viên đang nỗ lực chuẩn bị cho việc mở rộng dự án và phát triển thương hiệu lan mokara trên vùng cát Duy Hải.
Theo Mạnh Cường (ThanhNiên)

Có thể bạn quan tâm