Tin tức

Biển Đông: Trung-Nhật "đang trong tình trạng chiến tranh" ở vùng tranh chấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Phản ứng ăn miếng trả miếng giữa không quân Trung Quốc và Nhật Bản tại các vùng biển tranh chấp cho thấy 2 nước đang mấp mé bên bờ vực “tranh đoạt lãnh thổ, lãnh hải”-theo nhận định của một hãng tin lớn của Pháp.

Máy bay ném bom H-6K (trái) và máy bay chiến đấu Su-30 của Trung Quốc bay về phía Tây Thái Bình Dương qua eo biển Miyako ở tỉnh Okinawa - Nhật Bản hôm 26-9. Ảnh: KYODO


Ngày 29-9, Bắc Kinh cảnh báo Tokyo “đừng đùa với lửa” khi quyết định tham gia các cuộc tập trận chung với Washington ở biển Đông. Trung Quốc vào mùa hè này bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), The Hague-Hà Lan, trong đó phủ nhận tính pháp lý “đường lưỡi bò” phi pháp của Bắc Kinh.

Trung Quốc gọi phán quyết của PCA ngày 12-7 là “trò hề”. Sau đó, nước này triển khai 40 máy bay chiến đấu và ném bom qua một eo biển gần Nhật Bản hôm 26-9 trong khuôn khổ một hoạt động đào tạo ở phía Tây Thái Bình Dương.

Trước động thái khiêu khích nêu trên, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết nước ông đã gửi ít nhất 1 máy bay quân sự để theo dõi phi đội máy bay Trung Quốc. Cũng tại thời điểm này, 2 nước đang tranh chấp quần đảo Senkaku (Tokyo kiểm soát nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền, gọi là quần đảo Điếu Ngư).

Phát biểu trên tờ Military Times, ông Suga tuyên bố: “Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục dõi các hoạt động của quân đội Trung Quốc. Các hoạt động đó ngày càng mở rộng và tích cực hơn. Trong khi đó, chúng tôi vẫn duy trì nhiệm vụ giám sát, quyết bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải và không phận của mình”.

Đáp lại bình luận của ông Suga, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân (Yang Yujun), nói: “Nếu Nhật Bản muốn tiến hành các cuộc tuần tra hay tập trận chung với Mỹ tại vùng biển do Trung Quốc kiểm soát, giống như Tokyo đang đùa với lửa. Chúng tôi sẽ không chỉ ngồi xem”.

Theo Tạp chí Forbes, Bắc Kinh cố gắng bành trướng tại Biển Đông-tuyến hàng hải thương mại và vận tải biển quan trọng-chính thức kể từ năm 2012. Khoảng 50% đội tàu buôn của thế giới hàng năm đều đi qua vùng biển quốc tế này.

Theo nld

Có thể bạn quan tâm