Cuộc họp trực tiếp đầu tiên của bộ trưởng các nước thành viên sáng kiến vì khu vực Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) khai mạc ngày 8.9 tại California (Mỹ).
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại sự kiện khởi động IPEF tại Tokyo hôm 23.5. Ảnh: Reuters |
Đài NHK ngày 8.9 đưa tin bộ trưởng 14 nước đang tập trung tại Los Angeles (California, Mỹ) dự cuộc họp trực tiếp đầu tiên dưới sáng kiến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF).
Sáng kiến IPEF trước đó được Mỹ đề xuất vào tháng 5, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.
Theo dự thảo thông cáo chung sẽ được đưa ra tại cuộc họp 2 ngày, một trong 4 trọng điểm sẽ là sự bền vững của chuỗi cung ứng những mặt hàng chủ chốt như vật liệu bán dẫn.
Đại dịch Covid-19 và chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã thể hiện sự mong manh của chuỗi cung ứng trong những lúc khẩn cấp.
Dự kiến các đại biểu sẽ thảo luận về cách định hình bộ khung nhằm chuẩn bị cho những tình huống nguồn cung bán dẫn, tài nguyên và thực phẩm gặp trở ngại. Theo đó, mỗi nước sẽ thành lập một cơ quan điều phối nhằm chia sẻ thông tin về những nước đang thiếu nguồn cung nào.
Ngoài ra, vấn đề trọng điểm khác là việc thảo luận về những quy định thương mại tiêu chuẩn cao, bao gồm việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số, bên cạnh các vấn đề hạ tầng, năng lượng sạch, thuế và phòng chống tham nhũng.
Trong diễn biến liên quan, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho hay Mỹ muốn thông qua IPEF thiết lập những quy tắc nhằm mang lại thịnh vượng cho khu vực.
“Điều chúng tôi thực sự muốn làm, trong sự đối tác với các nước này, thiết lập các quy tắc nhằm tạo ra điều kiện cho các thành viên phát huy tính bền vững, sự kiên cường và thịnh vượng mang tính bao hàm cho các nền kinh tế và khu vực”, hãng Kyodo dẫn lời bà Tai phát biểu tại một sự kiện của tổ chức Carnegie Endowment for International Peace ở Washington.
IPEF gồm Mỹ, Úc, Brunei, Fiji, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Trong động thái linh hoạt, các thành viên có thể chọn tham gia riêng vào một trong vấn đề trọng điểm cụ thể trên. Sự chú ý đang gia tăng về việc chọn lựa của mỗi nước tại sự kiện.
Theo Khánh An (TNO)