Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Bóng nắng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tôi khép cổng, đi cho kịp chuyến xe chiều muộn, nắng đã tắt nhưng bóng mẹ vẫn đổ trên con ngõ dài quen thuộc...

Đến bây giờ, mẹ vẫn nói với chúng tôi: Ngày xưa mẹ lấy ba không phải vì tình yêu.

Mười tám tuổi, là chị cả của năm đứa em thơ, nên mẹ đi làm từ rất sớm. Đôi vai mẹ quen với những gánh muối rong ruổi khắp làng trên xóm dưới để đổi từng bát gạo. Mẹ không có thời gian mà trau chuốt bản thân hay nghĩ cho riêng mình, chưa có nổi một mối tình đầu.

Ông ngoại đã nhắm ba tôi làm con rể từ bao giờ. Nhà ba ở ngay xóm dưới nhưng mẹ không hay biết. Một buổi chiều, mẹ ngồi giặt đồ nơi cầu ao, ông ngoại bơi tắm dưới ao rồi bỗng nhiên lặn mất tăm. Hai ba con đang nói chuyện, nghe im ắng, mẹ ngoảnh mặt nhìn lại, không thấy ông ngoại đâu, mẹ la hét thảng thốt:

- Ba ơi! Cứu! Ai cứu ba tôi.

Mẹ không biết bơi nên chạy lòng vòng trên bờ ao. Ông ngoại ngoi lên, hỏi dồn:

- Con có lấy thằng Bá không?

- Không. Con không lấy!

- Không à. Vậy thì ba chết đây!

Nói rồi, ông ngoại hụp sâu hơn. Hoảng quá, mẹ tôi lắp bắp:

- Ba ơi, con có lấy. Ba đừng chết!

Minh họa: KHỀU

Minh họa: KHỀU

Chỉ chờ có vậy, ông ngoại ngoi lên, về nhà sửa soạn quần áo, rồi lập tức xuống nhà ông nội tôi báo tin. Một tuần sau, đám cưới ba mẹ diễn ra.

Ngày ấy lễ cưới mẹ, ba nộp tài bằng hai con ngan và một trăm cái bánh chưng, sính lễ lớn nhất làng, trước nay chưa từng có, rồi đón mẹ về.

Mẹ kể ngày hai vợ chồng đi sắm đồ cưới, không ai nói với ai câu nào, lúc qua sông, người ngồi đầu, người tránh ngồi tận cuối thuyền, nhìn cái mặt ba câng câng vì lấy được vợ, mẹ muốn nhào đến đẩy cho một cái, mà lộn cổ xuống sông. Vậy mà cũng sống với nhau, rồi có với nhau bốn mặt con.

Bà nội tôi không ưa mẹ, vì khi lấy ba về, mẹ không có nổi một đồng của hồi môn. Bà khinh mẹ ra mặt, hay xét nét từng li từng tí. Hồi nhỏ, nhiều lần tôi chứng kiến giữa bữa cơm, bà nói nặng lời với mẹ. Ba tôi không biết phân xử thế nào cho phải, sẵn tính nóng giận, ba hất đổ cả mâm cơm, không ai được ăn nữa. Những lần như vậy, mẹ trốn ra sau nhà ngồi khóc.

Tuổi thơ của mấy chị em tôi lần lữa qua đi, một tay mẹ lo toan việc học hành, vay mượn. Ba thì vốn tính vô tư, không mấy khi quan tâm đến gia đình. Ba đi làm về đã có cơm canh dọn sẵn, nhà cửa luôn tươm tất, nên cứ yên tâm như điều đó là mặc nhiên, rồi sinh ra nhậu nhẹt, la cà tối ngày.

Có lần tôi gọi điện về nhà, hỏi mẹ ăn cơm chưa, mẹ thở dài:

- Không biết ba đi đâu, chờ mãi chưa về, gọi điện thì không nghe máy.

Mỗi lần góp ý ba đi đâu thì gọi điện cho mẹ, nhà chỉ có hai ông bà, thì ba gạt đi:

- Gọi làm chi cho tốn tiền. Tao đi đến bữa tao về!

... Một chiều muộn, nghe điện thoại của mẹ lạc cả giọng:

- Ba bị đột quỵ, đang cấp cứu ở bệnh viện tỉnh, con sắp xếp mà về, ba đứa kia gần hơn nên về cả đây rồi.

Tôi ngược chuyến xe lập tức về thành phố. Ba tôi từ một con người vạm vỡ, minh mẫn quen quát nạt mọi người, nay nằm bất động trên giường, liệt nửa người bên trái, và nói ú ớ không thành lời. Mẹ tôi nghẹn ngào:

- Cả ngày hôm qua ba bây đi uống rượu từ sáng đến tối khuya, về nằm ngủ rồi bị vậy. Mẹ gọi xe cấp cứu, tưởng không thể qua khỏi.

Bốn chị em tôi đều đi làm xa, mỗi đứa nghỉ việc được một vài tuần để chăm ba, còn lại trông cậy vào mẹ. Đã bảy tháng qua, ba vẫn chưa đi được, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải có người phục vụ tại chỗ. Bàn với mẹ đưa ba đến nhà anh cả, anh hai ở cho tiện việc chăm sóc, nhưng mẹ gạt đi:

- Người già cần quê hương. Với lại, mẹ ở nhà còn hương khói cho ông bà. Giá như khi trước ba bây biết quý trọng sức khỏe, biết quan tâm vợ con thì đã không ai phải khổ.

Ba nằm một chỗ, không dậy được, không nói được, mỗi lần mẹ đút cơm ăn, bấm móng tay, cắt tóc, gội đầu cho, ba lại bật khóc hu hu như trẻ con.

… Tôi khép cổng, đi cho kịp chuyến xe chiều muộn, nắng đã tắt nhưng bóng mẹ vẫn đổ trên con ngõ dài quen thuộc.

Có thể bạn quan tâm