Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Ngọt thơm hương bắp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Lúc còn nhỏ ở vùng quê nghèo khó, hương vị tôi nhớ nhất là mùi bắp luộc. Mỗi lần đi chợ về, mẹ thường mua mấy trái bắp nếp luộc làm quà cho anh em chúng tôi.

Đó cũng là niềm mong chờ khát khao của tuổi thơ khi mẹ mang con gà, mớ rau ra chợ. Một buổi chợ, sau khi bán được con gà mua ít cá biển, rồi đồng mắm, đồng muối, mẹ vẫn dành mấy đồng tiền lẻ mua vài trái bắp cho con.

Đó là những trái bắp nếp non mới vừa khô râu, còn ngậm sữa, tròn lẳn như cổ tay trẻ con, nhưng hạt thì trắng trong, nhỏ và đều từ cuống đến chỏm rốn, dẻo thơm, ngon ngậy.

Cầm trái bắp trên tay, tôi chỉ dám khẽ lẩy từng hạt, từng hạt rồi từ từ bỏ vào miệng nhỏm nhẻm nhai, sao cho hương vị đồng quê ấy thấm vào từng ngóc ngách vị giác, khứu giác… Vừa ăn, tôi vừa mong sao cho được ăn thật lâu, đừng bao giờ hết!

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Lớn lên, tôi vào Gia Lai công tác. Trong suy nghĩ của tôi khi ấy, vùng đất cao nguyên này là xứ sở của bắp. Những năm còn tự cung tự cấp, người dân các làng chuyên trồng một loại bắp nếp, quả nhỏ, hạt trắng nõn, năng suất thấp nhưng ăn tươi là món ăn vặt tuyệt hảo.

Bắp tươi vừa hái trên rẫy đem luộc hoặc nướng tại chỗ cho vị dẻo ngọt, thơm ngon nhớ đời. Những dịp về làng vào mùa bắp, tôi luôn được thỏa sức thưởng thức vị thơm thảo của đồng đất rừng đồi cao nguyên.

Những năm sau đó, phong trào trồng bắp lai cao sản phát triển rầm rộ. Tây Nguyên hình thành những cánh đồng lớn về bắp hàng hóa vào loại bậc nhất toàn quốc. Bắp lai quả to, hạt lớn màu vàng hươm, người dân vẫn gọi là bắp răng ngựa. Đây là loại hạt ngũ cốc có nhiều sinh tố tốt cho vật nuôi, trồng để làm thức ăn cho gia súc; là nguyên liệu chủ yếu để sản xuất cám tổng hợp, làm ethanol sinh học… Ngược lại, nếu dùng để ăn thì hạt rất cứng, vị lại nhạt.

Loại bắp nếp hạt nhỏ, năng suất thấp một thời bị thu hẹp dần, cứ tưởng như đến thời tuyệt chủng. Nhưng nhu cầu ăn bắp luộc, bắp nướng thì vẫn còn với nhiều người. Vậy nên, có nhu cầu tức có sản xuất. Thế là cây bắp nếp ngàn đời lại được phục tráng, nhân rộng.

Bên cạnh những điền trang bát ngát bắp lai Bioseed, VN10… là những ruộng bắp nếp mướt xanh ven sông, ven suối, ven thung lũng, cạnh giọt nước. Dịch vụ món ăn vặt từ những bắp nếp nướng dần hình thành ngay trên hè phố. Chưa kể, hạt bắp tươi lẩy ra băm nhỏ làm chả ram rán giòn hoặc nấu lẫn trong món bánh canh, món nui ăn sáng, nấu xôi…

Nhưng ngon nhất, nhớ nhất vẫn là những trái bắp non luộc cả bẹ. Những chiếc bẹ còn xanh ôm lấy trái bắp đầy hạt, cắt bớt 2 đầu cho gọn, xếp vào nồi luộc với chút muối. Thế mà dẻo mà thơm mà ngon.

Từng chiếc xe gắn máy chở đầy những bì bắp nếp luộc chiều chiều lại rong phố. Những lò than nướng bắp chập tối lại nổi lửa ở ngã ba, ngã tư gần công viên. Có người chuyên đi thu mua bắp tươi ở các làng ven đô về luộc rồi đăng lên mạng xã hội bán cho người ưa ăn vặt. Mà cây bắp nếp bây giờ đã trồng được 2-3 vụ, hầu như mùa nối mùa, quanh năm.

Giờ đã 2 thứ tóc, chiều chiều dạo phố, tôi vẫn thấy những hàng bán bắp luộc, bắp nướng. Thấy thì lại mua. Và lại nghe quanh mình dâng lên hương vị của tuổi thơ trong những ngày ngóng chờ mẹ đi chợ về.

Có thể bạn quan tâm