Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

"Cần là có, khó là tới và nói là làm"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là phương châm của ông Rơ Châm Haih-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Suốt 8 năm qua, ông đã đóng góp tích cực vào công tác tuyên truyền, vận động đẩy lùi những hủ tục vốn ăn sâu trong đời sống, sinh hoạt của cộng đồng dân cư, ra sức xây dựng cuộc sống mới.
Từng trải qua nhiều vị trí công tác tại địa phương như: Phó Chủ tịch HĐND xã, Phó Chủ tịch UBND xã trước khi đảm nhận công việc hiện tại nên ông Haih hiểu khá rõ về tình hình đời sống của người dân, nguyên nhân khiến nhiều hộ luẩn quẩn với cái nghèo. Vì vậy, việc làm đầu tiên của ông Haih là tuyên truyền “đả thông” tư tưởng của người dân về cuộc sống mới, sự cần thiết phải bài trừ các hủ tục, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Xã Ia Phí có 1.740 hộ dân, trong đó gần 99% là hộ dân tộc thiểu số. Trước đây, mỗi khi trong làng có ma chay, cưới hỏi, gia chủ thường tổ chức ăn uống dài ngày, giết mổ nhiều heo, bò, gà. Người dân trong làng cho rằng, heo càng to, bò càng nặng thì càng thể hiện rõ sự hiếu thảo, quý mến mà người còn sống dành cho người đã khuất. Vì vậy, nhà nào không có heo, có bò sẽ đi vay mượn, sau đó đi làm thuê làm mướn hoặc chờ đến khi thu hoạch mùa màng thì trả. “Việc cưới cũng lãng phí không kém. Họ chia vui với gia chủ bằng việc mang rượu, gà, gạo, thuốc lá làm quà. Đồ ăn, thức uống sẵn hết nên người làng say sưa không dứt”-ông Haih thông tin.
Gắn bó cả đời với vùng đất này nên ông Haih hiểu rất rõ rằng, muốn thay đổi tập quán, thói quen vốn đã ăn sâu trong đời sống, sinh hoạt của người dân cần cả một quá trình. Song với phương châm “cần là có, khó là tới và nói là làm”, ông từng bước thuyết phục, giúp người dân nhận ra việc tổ chức ăn uống kéo dài vừa lãng phí thời gian, tiền của, vừa tổn hại sức khỏe, ảnh hưởng môi trường, quá trình sản xuất... Ông khuyên người dân: “Việc cưới, việc tang nên tổ chức phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Người làng đến chia vui với gia chủ bằng tiền, bằng quà; chia buồn bằng phúng viếng thay vì mang đồ ăn, thức uống. Điều đó không ảnh hưởng gì đến tình cảm, đôi khi còn giúp gia chủ giảm bớt gánh nặng kinh tế. Cái gì không còn phù hợp nữa chúng ta phải bỏ đi, phải tiếp nhận cái mới, cái tiến bộ để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn”. Nói một lần người dân chưa tin, ông nói nhiều lần. Ông vận động, tạo sự chuyển biến từ chính những người thân, họ hàng trước. Cứ thế, bằng sự kiên trì, ông đã góp phần xóa bỏ hủ tục trong cộng đồng dân cư. Bà Rơ Châm Phyuch (làng Op) cho biết: “Trong làng giờ có đám tang, người dân mang tiền đến phúng điếu chứ không mang rượu, thuốc lá như trước. Đám cưới vẫn mổ heo, mổ bò và sui gia, anh em kết nghĩa, con cháu có điều kiện thì vẫn góp thêm nhưng không bắt buộc. Mình thấy làm như thế vẫn đầy đủ nghi thức, không ảnh hưởng gì đến tình cảm anh em, bà con”.
 
Ông Rơ Châm Haih (bìa phải) tuyên truyền, vận động người dân làng Or đẩy lùi hủ tục. Ảnh: Phương Dung
Ông Rơ Châm Haih (bìa phải) tuyên truyền, vận động người dân làng Or đẩy lùi hủ tục. Ảnh: Phương Dung
Không chỉ vận động người dân xóa bỏ hủ tục trong ma chay, cưới hỏi, ông Haih còn tích cực hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; chung tay bảo vệ môi trường. Ông quan niệm: Làm cái gì tốt cho bà con, tôi luôn cố gắng hết sức. Tôi nói bà con, trồng cây gì cũng cần phải bón phân, tưới nước, nếu không chăm sóc thì đừng trồng vì chỉ mất thời gian. Nuôi heo, nuôi bò cũng vậy, phải làm chuồng trại cẩn thận, chăm sóc, phòng bệnh đầy đủ. Tôi cũng vận động các gia đình quan tâm đưa con đến trường vì không biết chữ, không có kiến thức là “đường xa mắt mù”. Trong gia đình, ông bảo ban các con chăm chỉ làm ăn. Hiện ông đang canh tác 7 sào lúa nước, 1 ha cà phê và 2,3 ha mì, bình quân mỗi năm thu khoảng 300 triệu đồng chưa trừ chi phí.
Ông Võ Xuân Bảo-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Păh: “Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Phí Rơ Châm Haih rất tâm huyết, trách nhiệm. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ Mặt trận, ông tích cực tuyên truyền, vận động người dân đoàn kết, cần cù lao động, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, tích cực tham gia các phong trào tại địa phương. Trong giai đoạn 2016-2021, ông là người đi đầu học và làm theo thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku”.
Trong vai trò Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, ông quan tâm chăm lo hỗ trợ hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trong năm 2020 và 2021, từ nguồn kinh phí cấp trên cộng với Quỹ “Vì người nghèo” của địa phương cùng sự tham gia tích cực ngày công lao động của các lực lượng, xã đã xây dựng, bàn giao 5 nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo. Anh A Măi (làng Or) bộc bạch: “Vợ mình mất cách đây 4 năm. Khi đó, con trai thứ 2 mới 2 tuổi. Thấy nhà mình khó khăn, chú Haih thường xuyên ghé động viên, thăm hỏi. Nhờ sự quan tâm của chú và địa phương, năm ngoái, mình được hỗ trợ xây dựng nhà mới”.
Phó Chủ tịch UBND xã Ia Phí Rơ Châm Phenh nhận xét: “Ông Haih rất năng nổ, nhiệt tình. Ai cần giúp đỡ, ông đều sẵn sàng. Ở đâu có mâu thuẫn, xích mích, ông đều nắm bắt và tham gia giải quyết. Ông đã góp tiếng nói quan trọng cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động giúp người dân nâng cao nhận thức, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc cưới, việc tang và lễ hội; đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết”.
PHƯƠNG DUNG - NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm