Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Cánh đồng cổ tích

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Mùa hạ, tôi thường chạy xe qua cánh đồng. Thực ra, đây không phải là lối đi tắt, thậm chí còn là “mua đường” vì nó quanh co “vòng thúng”. Vợ tôi thường trách sao về muộn, làm lỡ việc này việc nọ.

Nhưng bù lại, tôi có được những khoảng lặng yên ả trong lòng, để không còn canh cánh như khi nghe chị nông dân đi thăm ruộng, vừa quệt mồ hôi trên trán vừa nói với tôi: “Nay mai chẳng còn ruộng nữa đâu, nhà tôi cũng nhận đền bù rồi”.

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Tôi không có may mắn được sinh ra ở nông thôn nhưng có khi thế lại hay. Những gì tôi cảm nhận được đều tự nhiên chứ không bị gò ép bởi thói quen, nếp nghĩ nào. Khi mặt trời gác núi, nắng không còn gay gắt, tôi tự hỏi điều gì đã khiến người nông dân bám ruộng, bám đất mà làm nên những hạt vàng ở đất này. Mỗi năm hai vụ, chân người lún cùng chân mạ mà làm nên mùa màng. Họ không chỉ cần ruộng, sống nhờ hạt thóc mà còn yêu ruộng như chính nền văn hóa của mình. Phải chăng, ngoài lẽ mưu sinh còn là sự tha thiết thiêng liêng khác. Nếu các loại hoa màu có lúc được mùa được giá, được người nông dân ồ ạt trồng hay phá bỏ nhưng cây lúa còn mang một hàm nghĩa khác. Cây lúa là hồn vía của làng quê. Ở đâu, những người mở đất kiên gan bám trụ, có tấm lòng rộng lượng sẽ dung nạp, bao bọc, sẻ chia mà nên xóm, nên làng. Ở đâu ruộng còn cây lúa lên xanh thì chắc chắn còn yên ấm, sinh sôi.

Có bao màu xanh trong cuộc sống nhưng có lẽ màu của cây lúa gợi bình yên nhất. Chừng này ở những nơi cấy sớm, cả thân lúa đã bắt đầu ngả vàng, một sắc vàng mà khó có họa sĩ nào tạo ra được. Màu vàng không tàn phai như lá thu, không hoang sơ như cỏ úa mà đầy sức sống, ăm ắp mật ngọt, no ấm.

Nhớ ngày bé, mỗi lần về quê nội vào tháng 5, tôi lại bắt gặp những đụn rơm vàng từ đầu ngõ. Ngày ấy, dù ai bắt bẻ thế nào tôi vẫn nằng nặc gọi là rơm chín. Chín vì nó thơm như có mật chứ không ủng, không héo. Chẳng biết trong cái thân rỗng ấy chứa đựng bí mật nào mà từ cây chổi rơm đến chiếc mũ đều có một sự ấm áp, thân thuộc.

Cánh đồng đã dạy cho tôi những bài học. Từ lúc người nông dân làm đất, đổ ải, đến thu hoạch… văn minh lúa nước được diễn tả trên “sân khấu” của đất đai với sự cần mẫn, thành thật, với niềm tin và khát vọng. Mùa màng đâu chỉ là gánh lúa trĩu vai, là hạt thóc vàng, là chén cơm mới… mà còn là cái kết có hậu cho một câu chuyện cổ tích của đất đai.

Vào những buổi chiều, tôi lại đưa các con ra chơi ruộng đồng. Vẫn những bàn chân di truyền từ ông bà, bố mẹ nhưng hôm nay không còn lội dưới bùn sâu mà đi những đôi dép xinh xắn. Các con tôi háo hức chạy ra đồng như thể đang đến một khu nghỉ dưỡng, đang khám phá trải nghiệm những điều mới mẻ, lạ lẫm. Có mấy mươi năm mà đã là một thế hệ khác, xa lạ với cây lúa quê mình, với chính nền văn minh lúa nước của mình chăng?

Tháng 5, nắng đã gắt, lúa cứ thế mải miết xanh rồi ửng vàng bên con đường xe cộ tấp nập. Những cánh đồng hòa mình trong nhịp sống mới. Và, cuộc sống dẫu phát triển đến thế nào thì tôi vẫn luôn tin rằng, mùa nối mùa, cây lúa vẫn lên xanh, vẫn cong mình làm nên hạt thóc như tấm lưng người nông dân bám đất. Một dáng hình tha thiết, một dáng hình đã in dấu vào ký ức của bao người dân Việt trong lời ca dao, trong khúc dân ca và sẽ còn được nhắc đến khi ta bưng bát cơm trắng lên để tri ân đất đai và những giọt mồ hôi của xứ sở này.

Có thể bạn quan tâm