Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Cao Xuân Văn Việt: Thành công nhờ đam mê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Nếu bạn có đam mê, thành công sẽ đuổi theo bạn” là câu nói mà anh Cao Xuân Văn Việt (SN 1984, làng Ia Tung, xã Chư Á, TP. Pleiku) tâm đắc và lấy đó làm phương châm sống. Từ 15 con thỏ nuôi thử nghiệm năm 2015, đến nay, trại thỏ của anh Việt đã có hơn 1.000 con, đem lại nguồn thu nhập ổn định hơn 200 triệu đồng/năm.
Đến thăm trại thỏ của anh Việt, ai cũng ngạc nhiên bởi quy mô cũng như các lồng nuôi được sắp xếp rất khoa học. Mỗi con thỏ giống được nuôi trong một ô riêng, 2 thỏ con nhốt chung một lồng. Ở mỗi ô đều được gắn thẻ ghi ngày phối giống, ngày sinh của thỏ con, ngày tiêm vắc xin. Trần nhà thiết kế có lớp cách nhiệt thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông.
Anh Cao Xuân Văn Việt (thứ hai từ trái sang) hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc thỏ cho đoàn viên thanh niên. Ảnh: T.B
Để có được trang trại quy mô như thế, anh Việt đã chịu khó học hỏi trong một thời gian dài. Sau khi tìm hiểu các mô hình, nhận thấy nuôi thỏ cần ít vốn, thị trường tiêu thụ lại rộng mở nên năm 2015 anh mua 15 con thỏ giống để nuôi thử nghiệm. Mới đầu, do anh chưa có kinh nghiệm nên thỏ chết khá nhiều. Tuy nhiên với sự quyết tâm, anh Việt đã không nản chí, tiếp tục tìm tòi học hỏi kinh nghiệm từ người chăn nuôi đến các phương tiện truyền thông và trên trang Facebook dành cho những người nuôi thỏ. Là công chức phụ trách mảng Địa chính ở xã Ia Kênh (TP. Pleiku) nhưng anh vẫn tranh thủ thời gian nghỉ phép, ngày nghỉ để đến các trang trại thỏ ở Sơn Tây (Hà Nội) học hỏi kinh nghiệm.
Anh Thái Giang Nam-Phó Bí thư Thành Đoàn Pleiku: “Anh Cao Xuân Văn Việt là điển hình thanh niên lập nghiệp của thành phố, là tấm gương để các đoàn viên thanh niên học hỏi và làm theo. Vừa rồi, Thành Đoàn đã tổ chức cho 70 đoàn viên thanh niên các xã, phường tham quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi thỏ tại trang trại của anh Việt. Với sự giúp đỡ tận tình của anh Việt, hy vọng mô hình này sẽ được các bạn trẻ học tập và nhân rộng thành công”.

Sau khi nắm chắc kỹ thuật nuôi thỏ, giữa năm 2016, anh Việt quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại theo đúng kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh, tạo điều kiện cho thỏ phát triển và sinh sản. Anh Việt chỉ nuôi các loại thỏ giống New Zealand, California, Pháp... có chất lượng thịt cao, sinh sản nhanh và ít bệnh. Thức ăn chủ yếu của thỏ là cỏ và rau củ, thêm cám để tăng dinh dưỡng. Theo anh Việt, thời gian sinh trưởng của thỏ ngắn, thỏ thịt nuôi khoảng hơn 3 tháng sẽ đạt trọng lượng xuất chuồng; thỏ sinh sản nuôi khoảng 6 tháng, một năm đẻ 6-7 lứa, mỗi lứa 6-7 con.
Ngoài nguồn thức ăn, việc lựa chọn giống và đảm bảo vệ sinh chuồng trại được anh Việt tính toán kỹ lưỡng. Với thỏ sinh sản, anh thường xuyên thay các cá thể thỏ đực để phối giống, tránh sinh sản cận huyết gây ảnh hưởng đến chất lượng. Các lồng nuôi thỏ đặt cách mặt đất khoảng 1 m, phía dưới rải trấu và men vi sinh để khử mùi và tận dụng làm phân bón cà phê. Anh Việt cho biết: “Bệnh thường gặp ở thỏ là ghẻ, tiêu chảy. Tuy nhiên, những bệnh này đều dễ điều trị. Khi phát hiện thỏ bị bệnh, phải tách đàn và chữa trị đúng cách. Đồng thời, phải tiêm vắc xin phòng bệnh cho thỏ mẹ và thỏ con; thường xuyên kiểm tra sức khỏe, khám thai cho thỏ”. Hiện nay, giá bán thỏ thịt là 80 ngàn đồng/kg, thỏ giống 150 ngàn đồng/kg, chủ yếu cung cấp trong tỉnh. Sau khi trừ các khoản chi phí, trang trại thỏ của anh cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, anh Việt còn liên kết với 6 trại thỏ trên địa bàn TP. Pleiku để thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tiến Thành do chính anh làm chủ nhiệm. Hợp tác xã có trách nhiệm liên kết, chia sẻ cách chăm sóc thỏ, hỗ trợ nhau lúc khó khăn và cùng tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Không chỉ xây dựng kinh tế gia đình, anh Việt còn sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm cho các thanh niên muốn khởi nghiệp từ nuôi thỏ. “Thỏ là con vật dễ nuôi, chỉ cần vốn vừa phải cũng có thể khởi nghiệp với quy mô nhỏ. Nếu các bạn thanh niên muốn học hỏi, tôi sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật và đảm nhận tìm kiếm đầu ra sản phẩm”-anh Việt cho biết.
Thủy Bình

Có thể bạn quan tâm