Captain Marvel: Phim siêu anh hùng tôn vinh nữ quyền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Về tổng thể, sự an toàn vẫn sẽ giúp “Captain Marvel” thành công tại phòng vé. Sự giải trí kèm theo yếu tố tò mò từ khán giả trước khi “Endgame” ra rạp sẽ bảo đảm cho thắng lớn về mặt thương mại.

Trong vũ trụ điện ảnh Marvel (MCU), từng xuất hiện không ít nữ anh hùng. Từ Black Widow, Scarlet Witch, Valkyrie cho tới The Wasp. Song để có được một bộ phim độc lập thì siêu anh hùng Carol Danvers (Brie Larson thủ vai) của “Captain Marvel” (tựa Việt là Đại Úy Marvel) mới là trường hợp đầu tiên. “Captain Marvel” đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giải trí, đồng thời giới thiệu một nhân vật quan trọng cho siêu bom tấn “Avengers: Endgame” sẽ ra mắt sau đây hơn một tháng.

 



Bộ phim bắt đầu vào năm 1995, với chiến binh Vers - tại hành tinh Hala của người Kree. Trong một nhiệm vụ do Yon-Rogg (Jude Law) chỉ huy, cô bị nhóm người Skrull với khả năng biến hình bắt cóc. Cuộc đụng độ giữa Vers và phe Skrull bất ngờ đưa cô tới với Trái Đất. Tại đây, Vers bất ngờ khám phá ra nguồn gốc của mình, thứ mà cô đã lãng quên từ rất lâu sau một tai nạn.

Trong quá khứ, Vers có tên Carol Danvers và từng là một nữ phi công cừ khôi. Hành trình tìm lại bản thân và kiểm soát năng lực đặc biêt của Danvers được hỗ trợ bởi đặc vụ Nick Fury (Samuel L. Jackson) của tổ chức S.H.I.E.L.D. Cô phải nhanh chóng làm được điều này trước khi Trái Đất trở thành mục tiêu tấn công của những thế lực ngoài hành tinh...

Là bộ phim thứ 21 của MCU, “Captain Marvel” cũng đồng thời là tác phẩm mang đậm dấu ấn “Nữ quyền” nhất. Không chỉ lấy nhân vật trung tâm là một nữ anh hùng, các nhân vật phụ của bộ phim như Trí tuệ tối cao người Kree (Annett Bening) hay người bạn phi công Maria (Lashana Lynch)... cũng là phái nữ. Các tài tử nổi tiếng như Jude Law hay Samuel L. Jackson  đều chấp nhận “làm nền” cho nhân vật chính Vers/Carol Danvers/Captain Marvel.

Việc bộ phim được ra mắt đúng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 cũng là một điểm thú vị. Dù xuất hiện muộn hơn những Iron Man, Captain America hay Thor... nhưng những năng lực siêu phàm giúp Captain Marvel trở thành một trong những người hùng mạnh nhất của MCU. Nhân vật này lần đầu được xuất hiện dưới biểu tượng tin nhắn do Nick Fury gửi đi trong đoạn kết “Avengers: Infinity War”. Khi biết mình lâm vào tình trạng nguy khốn do hung thần Thanos gây ra, Fury nhanh chóng gửi thông điệp cầu cứu tới Captain Marvel.


 

Nhân vật mèo chiếm sân khấu chính của Captain Marvel
Nhân vật mèo chiếm sân khấu chính của Captain Marvel



Sau khi “Black Panther” trở thành niềm tự hào của cộng đồng người da đen tại Mỹ nói riêng và trên toàn cầu nói chung, Marvel tiếp tục làm một bộ phim đề cao phái nữ, những người thường chịu thiệt thòi nhiều hơn nam giới tại Hollywood. Việc để một nữ siêu anh hùng như Captain Marvel làm niềm hy vọng cho nhóm Avengers lật ngược thế cờ rõ ràng là một thông điệp tôn vinh nữ quyền mạnh mẽ.

Một phim giải trí an toàn

Là một bộ phim ở “Giai đoạn 3” của MCU, nhưng “Captain Marvel” lại gợi nhớ rất nhiều tới các phim ở “Giai đoạn 1” khi Marvel vẫn đang kiên nhẫn làm phim riêng về từng người hùng. Các tác phẩm này đều đi theo một công thức chung rất an toàn: có kỹ xảo đẹp mắt, mạch phim giàu tính giải trí với sự kết hợp giữa các cảnh hành động và các câu thoại gây cười, cùng diễn xuất tròn vai. Ngoài ra, bộ phim còn hai cảnh after-credit đáng xem cũng như tri ân huyền thoại vừa qua đời không lâu Stan Lee khiến người xem vừa phấn khích vừa xúc động.

Với kinh phí 152 triệu USD, phần “Nhìn” trong “Captain Marvel” ghi điểm với các màn kỹ xảo hoành tráng trong chiến đấu. Bối cảnh phim cũng được dựng ra chất thập niên 1990s, từ thương hiệu cho thuê phim Blockbusters, quán cafe Internet hay những chiếc máy tính với tốc độ tải dữ liệu kéo dài cả phút... Sự hoài cổ còn được tăng thêm với những giai điệu đình đám cách đây hơn hai thập niên của những cái tên như Nirvana, Garbage hay No Doubt.

Về diễn xuất, dàn diễn viên đều đảm nhiệm tốt vai trò của mình. Với đẳng cấp của một ngôi sao từng đoạt Oscar cùng “Room”, Brie Larson thể hiện thần thái Captain Marvel một cách thuyết phục với ánh mắt, gương mặt rắn rỏi. Nhờ sự trợ giúp của công nghệ CGI, tài tử Samuel L. Jackson có gương mặt trẻ lại hàng chục tuổi và khiến khán giả thích thú khi hé lộ nhiều điều chưa được biết về quá khứ của Nick Fury.

Tuy nhiên, nhân vật tâm điểm và nhận được sự ưa thích bậc nhất từ khán giả có lẽ lại là một diễn viên ... bốn chân. Chú mèo Goose trong phim tạo ấn tượng ban đầu với sự dễ thương, trước khi đưa khán giả đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Tuy nhiên, giống như nhiều bộ phim MCU trong quá khứ, “Captain Marvel” cũng chỉ dừng lại ở mức an toàn chứ không tạo nên đột phá.


 

Bộ phim được xây dựng một cách tròn trịa
Bộ phim được xây dựng một cách tròn trịa



Bộ phim được xây dựng một cách tròn trịa, nhưng lại thiếu đi những bất ngờ hay cao trào cần thiết để đọng lại dấu ấn trong lòng khán giả. Hơn nửa thời lượng đầu của phim tạo cảm giác lê thê và chỉ thực sự cuốn hút trong khoảng hơn nửa tiếng cuối phim. Ngay cả nhân vật phản diện của phim cũng không hề xứng tầm với Captain Marvel, và càng chênh lệch nếu đem đặt cạnh những Killmonger (Black Panther) hay Thanos (Avengers: Infinity War).

Về tổng thể, sự an toàn vẫn sẽ giúp “Captain Marvel” thành công tại phòng vé. Sự giải trí kèm theo yếu tố tò mò từ khán giả về năng lực của người hùng này trước khi “Endgame” ra rạp sẽ bảo đảm cho thắng lợi về mặt thương mại. Tuy nhiên nếu có một “Captain Marvel 2” trong tương lai, bộ đôi đạo diễn Anna Boden và Ryan Fleck sẽ còn cần cải thiện rất nhiều để nhân vật này có được bước đột phá riêng, như cách “The Winter Soldier” từng làm được cho Captain America.

Captain Marvel (tựa Việt là Đại úy Marvel)

Đạo diễn: Anna Boden và Ryan Fleck

Diễn viên: Brie Larson, Samuel L. Jackson, Jude Law

Thể loại: Viễn tưởng, Hành động

Thời lượng: 2 tiếng 12 phút

Ngày khởi chiếu tại Việt Nam: 8/3/2019

Đánh giá: 3/5 sao.

Thịnh Joey (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm