Cái đã qua không hẳn là đã mất, nó chỉ lặng lẽ hóa thân trong những hình hài giá trị khác, bền vững và sâu xa, thành nỗi nhớ thương “chập chờn” suốt kiếp trong tâm khảm mỗi người.
Không phải tỉnh, thành nào trên đất nước ta cũng được gọi là xứ. Dù ở phạm vi hẹp, ban đầu “xứ” là từ dùng để chỉ một vùng đất có chung một số đặc điểm tự nhiên hay xã hội nào đó. Ở phạm vi rộng, “xứ” đôi khi còn là một đất nước. Trên thế giới, có những quốc gia được gọi tên bằng những nét đặc trưng về thiên nhiên, văn hóa, như xứ Phù Tang-Nhật Bản, xứ Samba-Brazil, xứ sương mù-nước Anh, xứ bò tót-Tây Ban Nha, xứ cờ hoa-nước Mỹ…
Trên khắp dải đất hình chữ S thân thương này, có xứ nào khi gọi tên lại không gợi cho ta một hình dung nào đó về đất và người? “Đường lên xứ Lạng bao xa” với phố Kỳ Lừa, nàng Tô Thị, chùa Tam Thanh, hay “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh/Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”, “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/Rượu hồng đào chưa nhấm đã say”, “Thương chi cho uổng tấm tình/Nẫu về xứ nẫu bỏ mình bơ vơ”…
Những câu ca ấy không chỉ cho ta hiểu ít nhiều về cảnh trí non sông vùng miền mà còn thắm đượm sâu xa là điệu hồn con người với những phẩm tính cao đẹp như lòng thủy chung son sắt, sự cần cù chăm chỉ, tinh thần hiếu học hay đức bao dung…
Dù ở đâu, tiếng “xứ” cất lên không phải trong sự tò mò, lạ lẫm mà luôn ẩn chứa tình yêu mến, niềm tự hào và cả nỗi nhớ thương khôn nguôi về miền đất ấy, nhất là với những người con tha hương.
Tôi sinh ra trên mảnh đất miền Trung-xứ Nghệ, lớn lên trong bão giông, gió Lào và nắng lửa. Suốt thời gian sống giữa quê hương, tôi không biết rằng tất cả đang ngấm vào hồn một cách âm thầm, lặng lẽ. Từ giọng nói “trọ trẹ” đến tính gan lì ngang bướng, cả sức chịu đựng phi thường trước khó khăn, hoạn nạn.
Khi xa quê, tôi mới thấm thía và vỡ ngộ nhiều điều. Càng trưởng thành, tôi càng biết ơn đất nghèo đã nuôi lớn lòng hiếu học, dạy tôi biết tự trọng, biết kiêu hãnh sống làm người tử tế, biết nâng niu hồn quê trong sâu thẳm trái tim mình.
Tôi cũng may mắn có thời gian dài học tập ở xứ Nẫu, nơi “đất võ trời văn”, đủ để hiểu con người xứ ấy vừa cứng cỏi, hiên ngang, vừa mềm dịu, nhẫn nại, bộc trực đấy mà cũng đằm sâu đấy. Xứ Nẫu nổi tiếng với bánh ít lá gai, với những khúc ca bài chòi chân chất mà kết đọng nghĩa tình, mang phương ngữ và chất giọng đặc trưng của người miền biển Nam Trung Bộ.
Trong mặn mòi gió cát, trong dãi dầu nắng mưa, người xứ Nẫu vẫn cần mẫn lao động, vẫn yêu đời lạc quan, luôn trọng nghĩa trọng tình như chính tên đất Nghĩa Bình một thuở. Xứ Nẫu đã là một phần ký ức thanh xuân của đời tôi, cho tôi hiểu thế nào là yêu một vùng đất không phải quê hương mình.
Cũng có nơi tôi chỉ mới đặt chân đến một đôi lần nhưng lòng vẫn nhớ thương như thể chốn quê thân thuộc. Đó là xứ Đoài mây trắng rưng rưng chiều Bất Bạt, nhìn núi Tản, sông Đà mà lòng xao xác nỗi buồn xưa, nhớ thuở nhà thơ Tản Đà vì thương nước non mà viết bài thơ “Thề non nước”. Dẫu không “u uẩn chiều lưu lạc, buồn viễn xứ khôn khuây”, lòng vẫn nao nao thương “đôi mắt người Sơn Tây” như nhà thơ Quang Dũng thuở nào. Không hiểu sao vùng đất ấy cứ gợi nhắc những đẹp buồn quá vãng khiến khi xa lòng vẫn mãi bâng khuâng.
Có nơi tôi chưa từng đến bao giờ nhưng cứ hình dung, mường tượng là ao ước được ghé thăm một lần trong đời. Như xứ Cà Mau, nghe nói thuở xưa là nơi “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”, xa xôi như chốn cuối đất cùng trời. Bây giờ từng hạt phù sa lấn biển nên rừng, tàu ghe chạy xình xịch trên những dòng kênh thơm hương tràm đước. Người Cà Mau thì “dễ thương vô cùng” như câu hát thân quen về miền đất Mũi.
Thì ra, xứ quê trong ta đâu chỉ là nơi “chôn nhau cắt rốn”. Nơi đâu trên khắp đất nước này, dù là chốn núi rừng hoang sơ hay miền biên viễn, nơi quê hương thanh bình hay phố thị phồn hoa, ở đâu có tình yêu nơi đó thành xứ sở. Chẳng phải Chế Lan Viên từng đúc kết: “Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương” đó ư? Dẫu bạn nói giọng miền Tây, miền Trung hay miền Bắc, đều là tiếng Việt thân thương của ta cả. Con người sở dĩ không bị bứt đứt khỏi gốc rễ nguồn cội chẳng phải là vì giọng quê, lời quê, chất quê, tình quê đã ngấm vào tâm thức một cách lặng lẽ và bền bỉ đó sao?
Ai trong chúng ta chẳng đang “đi đứng nói cười” bằng hồn đất đai, gió nước, bằng dáng nét đặc trưng mang dấu hiệu nhận diện riêng của một vùng quê, xứ sở. Giữa “xứ người”, một ngày được nói tiếng quê hương, nghe giọng núi, hồn sông giữa biển người xa lạ, gặp một sắc da đồng bào thân thuộc, lòng thốt nhiên sướng vui như gặp lại cố nhân, thấy hồn bình yên và ấm áp lạ thường.
Chỉ e, lúc biết yêu thương nguồn cội, biết cúi đầu nhớ ơn miền đất đã âm thầm vun đắp nên hình hài ta, dìu ta đi qua bao mưa nắng của trời và bể dâu của đời cũng là khi tâm hồn đã phong sương, tóc đã bạc mái đầu…