Thời sự - Bình luận

Chỉ là tin áp thấp ngoài biển Đông, nhưng miền núi đã sợ... lũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ngày 14.7, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo áp thấp nhiệt đới sẽ di chuyển vào Biển Đông trong vài ngày tới, khả năng gây mưa lớn ở đất liền. Lập tức nhiều người ở các đô thị vùng núi cao, các địa phương tận... Tây Nguyên đã lo lũ, ngập lụt.
Đà Lạt từng là nơi có khí hậu trong lành, nhưng vài năm trở lại đây, Đà Lạt liên tục xuất hiện các điều kiện thời tiết cực đoan như nắng nóng, mưa lũ và sạt lở. Ảnh: Hữu Long
Đà Lạt từng là nơi có khí hậu trong lành, nhưng vài năm trở lại đây, Đà Lạt liên tục xuất hiện các điều kiện thời tiết cực đoan như nắng nóng, mưa lũ và sạt lở. Ảnh: Hữu Long

Không lo sao được, khi chỉ mới vài trận mưa lớn giữa mùa hè mà Đà Lạt liên tiếp bị sạt lở đất, vùi lấp nhà, làm chết người. Thành phố ngàn hoa ngập trong nước lũ. Người dân khốn khổ, du khách hủy tour. Hình ảnh, thương hiệu của một Đà Lạt mộng mơ đang một ngày bị xấu đi.

Mỗi năm, Việt Nam chịu ảnh hưởng hoặc đối mặt trực tiếp 10 đến 12 cơn bão, 3 đến 5 đợt áp thấp nhiệt đới. Sự ảnh hưởng của bão thường phân bổ từ Bắc xuống Nam theo suốt mùa mưa. Và các địa phương duyên hải là nơi phải hứng chịu trực tiếp, nặng nề nhất. Các tỉnh, thành khu vực miền núi, cách bờ biển trên 100 km thường ít bị tác động hơn.

Vậy mà bây giờ, khu vực miền núi, cao nguyên lại là nơi lo sợ bão lũ nhiều hơn. Tưởng là nghịch lý, nhưng đây là hậu quả tất yếu của việc để mất rừng tự nhiên và việc bê tông hóa quá nhanh, quá nhiều ở các đô thị mới.

Theo phân tích của các chuyên gia về rừng ở Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ở khu vực rừng tự nhiên khi mưa xuống chỉ có 5% nước chảy trên mặt đất, 95% sẽ ngấm xuống thành nước ngầm. Nhưng mất rừng thì ngược lại, chỉ 5% ngấm xuống thành nước ngầm và hơn 90% nước sẽ chảy tràn trên mặt đất. Chưa kể diện tích bị bê tông hóa ở khu vực đô thị. Đây là nguồn cơn của hạn hán mùa khô và lũ quét vào mùa mưa.

Trước đây, khi diện tích rừng tự nhiên còn nhiều, dày đặc, thì chỉ xảy ra lụt. Lụt là hiện tượng nước dâng cao, nhưng chậm, hiền lành. Lụt thậm chí còn là sự mong chờ của người dân, bởi nó diệt sâu bọ, thau rửa phèn chua, làm sạch ruộng đồng và mang phù sa màu mỡ về bồi đắp...

Nhưng giờ, ngay các đô thị trên cao nguyên như Kon Tum, Pleiku, Đà Lạt... lại bị ngập lụt, bị lũ quét, sạt lở đất. Núi như nổ tung, bục ra, chảy cả đất, vùi lấp làng mạc, ruộng đồng, phá hủy công trình, đường sá, hủy hoại tài sản...

Các đô thị duyên hải, sát biển bị ngập lụt vì bê tông hóa dày đặc, vì không chừa bề mặt cho "đất thở", ngấm nước mưa. Miền núi bị sạt lở, lũ quét là vì mất rừng tự nhiên.

Con người sống trên đất, là ơn nghĩa vĩ đại của tạo hóa. Vì thế, khắp nơi trên thế giới, con người đều gọi đất là Mẹ, là Cha.

Mối quan hệ sinh tử của sự sống là đất và nước, được kết chặt vào nhau bằng rừng. Bởi vậy, để người miền núi, vùng cao nguyên không còn sợ mưa, lũ, vừa nghe tin bão xa đã phải lo lắng, không còn cách nào khác là phải giữ rừng, trả lại màu xanh cho rừng. Giữ rừng nghĩa là bảo vệ được đất, giữ được sự cân bằng tự nhiên.

Bảo vệ những cánh rừng còn sót lại, trồng mới, tái tạo rừng, nhưng đồng thời phải quy hoạch hợp lý, hài hòa với môi trường tự nhiên. Dừng ngay việc bê tông hóa kín các đô thị, bớt dựng nhà kính, ngăn sông, lấn suối... con người mới mong được sống bình yên, ôn hòa. Đừng chống lại tự nhiên.

Có thể bạn quan tâm