Tin tức

Chính phủ đóng cửa, nước Mỹ "lộ" cái nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người Mỹ đối mặt với thực tế rằng họ đang sống trong một quốc gia mà phân nửa người dân có những lúc phải nhận phiếu ăn
Quốc hội Mỹ hôm 25-1 chấm dứt đợt đóng cửa chính phủ liên bang kéo dài kỷ lục, phần nào làm loãng bớt dòng chảy những câu chuyện hằng ngày về người lao động không cáng đáng nổi tiền thuê nhà, làm việc mà không dư dả được ít nhiều để tiết kiệm hoặc có bảo hiểm nhưng không đủ trang trải tiền thuốc men.
Tuy nhiên, trong khi những người lao động này đi làm trở lại, các vấn đề liên quan đến sự bất an kinh tế vẫn đè nặng suy nghĩ của hàng triệu người nghèo và thậm chí cả những người Mỹ trung lưu đang gặp khó về tài chính. Nhiều người trong số họ vẫn làm việc nhưng phải vật lộn ít nhất một thập kỷ kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính do tiền lương trì trệ và sự gia tăng chi phí của mọi thứ thiết yếu đối với cuộc sống.
Cũng giống như những nhân viên liên bang điêu đứng vì số tiền tiết kiệm bèo bọt sau khi tiền lương bị cắt giảm, nhiều người Mỹ cũng không thể dành dụm tiền, thậm chí không có đủ 400 USD trang trải cho trường hợp cấp bách. Nền kinh tế đã sập cánh cửa với rất nhiều người trước khi chính phủ đóng cửa. Nhiều bài báo gần đây nói về các nhân viên liên bang phải nghỉ làm (vì chính phủ đóng cửa một phần) - những người không thể trang trải tiền thuốc men (ngoài bảo hiểm), phải vay mượn gia đình và bạn bè, thậm chí nhờ vả cả người lạ và xếp hàng nhận đồ ăn từ thiện.
Phần lớn công việc được nhiều người Mỹ làm nhất đều có mức lương chưa đến 40.000 USD/năm. Phân nửa số nhân viên bán lẻ - công việc phổ biến nhất ở Mỹ - kiếm được không quá 23.370 USD/năm.
Tình trạng nghèo - được chính phủ Mỹ định nghĩa hồi năm 2017 là một gia đình 4 người có thu nhập không quá 24.600 USD/năm - không phân bổ đều. Trong khi 8,7% người da trắng rơi vào nhóm nghèo năm 2017, con số này với người da màu là 21,2%, với người gốc Latin là 18,3% và 10% với người gốc Á - theo dữ liệu của Cục Điều tra dân số Mỹ.
Con số trên chưa tính đến nhiều người lao động Mỹ khác thu nhập cao hơn một chút nhưng cũng không quá 33.425 USD/năm (tức 16,07 USD/giờ). Đây là mức thu nhập được các nhà nghiên cứu Viện Công nghệ Massachusetts hồi năm 2017 xác định là thu nhập cần thiết để sống được mà không cần trợ cấp công.
 
Một nhân viên liên bang, tạm nghỉ việc vì chính phủ Mỹ đóng cửa, nhận trái cây tại một sự kiện hỗ trợ ở thủ đô Washington hôm 22-1 Ảnh: AP
Một vấn đề khác là cách phân bổ tiền lương. Cả trong đội ngũ lao động liên bang lẫn lĩnh vực tư nhân, người da màu tập trung ở những công việc lương thấp nhất ở hầu hết ngành công nghiệp. Trong số nhân viên liên bang kiếm được 37.630 USD/năm, có 32% là người da màu. Còn đối với những người có thu nhập tới 136.659 USD/năm, chỉ vỏn vẹn 11% là người da màu.
Bức tranh thu nhập nói trên phản ánh nhu cầu, thường thấy nhất là nhu cầu thực phẩm. Thậm chí trước khi chính phủ bắt đầu đóng cửa, các ngân hàng thực phẩm của đất nước cờ hoa đã gần như bị quá tải với 43,5 triệu người đang nhận trợ cấp của Chương trình Trợ giúp dinh dưỡng bổ sung, trong đó có phiếu thực phẩm.
Người Mỹ thích xem quốc gia mình là nước giàu. Chỉ trong những thời điểm xảy ra khủng hoảng như đóng cửa chính phủ, người Mỹ mới tranh luận và đối mặt với thực tế rằng họ cũng là một quốc gia mà phân nửa người dân sẽ có những lúc phải nhận phiếu ăn trong đời và vào năm 2017, khoảng 40 triệu người đã phải sống trong những ngôi nhà thiếu thức ăn. Người Mỹ đã phớt lờ điều đó cho tới khi không thể làm ngơ được nữa.
Ngay cả khi đối diện với những bằng chứng đầy rẫy của cái nghèo và những nguyên nhân mang tính hệ thống của tình trạng này, một số người vẫn thích mắt nhắm mắt mở hơn. Điều đó thường được cụ thể hóa dưới dạng những lời khuyên vô bổ dành cho người nghèo, như không sử dụng dịch vụ Netflix. Với mức phí khoảng 10 USD/tháng, khoản tiền này rõ ràng quá nhỏ nhoi so với tiền thuê nhà hoặc chi phí mua thực phẩm hằng tháng. 
Nhiều người cũng thấy chính phủ liên bang lố bịch và xa rời thực tế vì những lời khuyên vô tình đưa ra cho những nhân viên liên bang phải tạm nghỉ việc vừa rồi - đổi chác, làm các công việc lặt vặt để có tiền trang trải cuộc sống…
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhiều người khác cho rằng nghèo đói là một vấn đề của người da màu. Theo một thống kê về những tin bài được giới truyền thông đăng tải trong giai đoạn 2015-2016, hộ gia đình da màu chiếm đến 59% thông tin về người nghèo ở Mỹ dù thực tế họ chỉ chiếm 27% số người nghèo.
Dù sao, một lợi ích ngoài dự kiến của lần đóng cửa chính phủ Mỹ vừa qua là sự thay đổi trong nhận thức của công chúng. Chứng kiến những người làm việc cho chính phủ liên bang, như nhân viên an ninh nhà tù hoặc kiểm soát viên không lưu công khai nói "tôi không có tiền tiết kiệm, tôi và con cái không có gì ăn…", người ta giờ đây biết nhiều hơn về một tỉ lệ đáng kể người dân Mỹ đang sống vừa đủ nếu không có biến động nào xảy ra như lần đóng cửa chính phủ vừa qua. 
Thu Hằng (Người Lao động/lược dịch theo đài NBC News)

Có thể bạn quan tâm