Tin tức

Cho công ty Trung Quốc khai thác vàng, người dân quốc gia châu Phi vỡ mộng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các công ty Trung Quốc đổ dồn đến Sierra Leone ở châu Phi để khai thác khoáng sản, với lời hứa tạo thêm công ăn việc làm cho người bản địa, nhưng thực tế không giống như mơ.
 
Các công ty Trung Quốc đang đầu tư vào lĩnh vực khai thác khoáng sản ở châu Phi.
Khi các công ty đào vàng Trung Quốc đến thị trấn Masumbiri ở phía bắc Sierra Leone, người dân đều ra xếp hàng xin việc. Trẻ em khai gian tuổi để đi làm.
Phụ nữ và các trẻ em gái tới nấu ăn, quét dọn ở các mỏ vàng, hướng tầm nhìn ra các cánh đồng lúa.
Dayu, công ty tư nhân mới vào Sierra Leone năm ngoái là cái tên mới nhất trong số các công ty Trung Quốc đến khai thác vàng ở quốc gia Tây Phi.
“Ban đầu mọi người rất vui mừng vì sẽ có việc làm”, Hassan Tholley, lãnh đạo thị trấn Masumbiri, nói với Reuters.
Hàng trăm thanh niên bắt đầu mang về tiền về cho gia đình. Thị trấn 5.000 người này lần đầu tiên có sóng điện thoại, máy bơm – tất cả đều nhờ công ty Dayu. Nhưng 18 tháng sau khi tham gia vào dự án hàng triệu USD, người dân địa phương nói thu nhập của họ không đủ để bù lại những tổn thất về đất đai trồng trọt.
Theo Reuters, các công ty Trung Quốc đã trả cho chính phủ Sierra Leone khoản tiền lớn để có giấy phép khai thác, trong khi người địa phương không được lợi ích gì.
Trung Quốc đang là nước nhập khẩu khoáng sản lớn nhất từ vùng châu Phi phía nam sa mạc Sahara. Nước này đã đầu tư khoảng 30 tỷ USD vào khai thác kim loại ở lục địa đen trong một thập kỷ qua, bao gồm 15% là đầu tư vào Sierra Leone.
Khai thác vàng vốn có quy mô khá nhỏ so với khai thác kim cương hay quặng sắt, nhưng đang phát triển nhờ các công ty như Dayu. Công ty này có quyền khai thác mỏ vàng lớn nhất ở Sierra Leone và đây là dự án duy nhất của họ.
 
Cuộc sống của người dân tại những nơi công ty Trung Quốc khai thác vàng vẫn chưa được cải thiện.
“Nếu nhìn các mỏ này, đáng ra các cộng đồng này phải phát triển hơn”, Mohamed Smooth Bangura, một thành viên địa phương, nói với Reuters.
Trên con đường đất nhiều ổ gà, các nhà khai thác Trung Quốc chỉ đơn giản đến khai thác rồi bỏ lại khung cảnh hoang tàn. Chỉ quanh các mỏ Trung Quốc là có đường mới, xe hơi hay các tòa nhà.
Một người địa phương tên Ibrahim Thulleh nói chuyện việc buôn bán đã giảm hẳn kể từ khi công ty Trung Quốc đến khai thác.
“Mọi người kiếm được ít tiền hơn kể từ khi công ty Dayu tới đây”, Thulleh nói. Trước Dayu, không có các công ty khai thác đến đây. Người tứ xứ tới thị trấn để đào vàng. Gặp may đào trúng vàng, họ sẽ tới khu phố tiêu tiền và Thulleh sẽ đắt hàng.
Dayu tuyển 350 công nhân địa phương, xua đuổi những người đào vàng không phép. Các công nhân hàng tháng nhận khoảng 50-150 USD và đưa hết cho gia đình để chi tiêu. Số tiền này chỉ đủ trang trải cuộc sống trong tháng và cứ đến cuối tháng là tiền cạn sạch, Abdulai Kargbo, thợ mỏ 29 tuổi, nói.
Dayu trả lương đều đặn, nhưng số tiền này không đủ đề bù đắp các khoản chi tiêu, Kargbo nói thêm, kể rằng mình đang tính bỏ nghề để làm việc khác.
Người dân Sierra Leone từng mơ về cơ hội đổi đời nhờ nguồn đầu tư và tạo công ăn việc làm của công ty Trung Quốc, nhưng họ đã lầm.
William Bangura, người có hai con trai làm việc cho Dayu, nói trước đây, nhà ông chi tiêu thế nào, thì bây giờ vẫn như vậy. “Chỉ đủ sống qua ngày”, Bangura nói với Reuters. Nhưng ông vẫn biết ơn vì có công việc: “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác”.
Các công ty như Dayu đã 500.000 USD mỗi năm cho chính phủ để xin giấy phép khai mỏ quy mô lớn và bắt buộc phải chi 0,01% doanh thu cho phát triển cộng đồng, theo luật về khai thác khoáng sản ở Sierra Leone.
Nhưng các chính sách phát triển cộng đồng không rõ ràng và luật này không phải lúc nào cũng được thực thi. Mới đây, Dayu đã quyết định nâng mức đóng góp xã hội lên 1%, nhưng vẫn đang bàn bạc với địa phương về các vấn đề chi tiết.
Ba thị trấn trong khu vực có những nhu cầu khác nhau. Một thị trấn muốn có trường học, thị trấn khác muốn trạm y tế, còn thị trấn thứ ba cần nước sạch. Dayu gần như chưa đáp ứng được các nguyện vọng này.
 “Chúng tôi cố gắng hết sức để giúp phát triển cộng đồng”, Tổng giám đốc Dayu Peng Hui Yao nói. “Chúng tôi thực sự muốn mang lại sự ấm no cho người dân địa phương”. Không rõ đến lúc nào thì lời nói của ông Peng sẽ trở thành hiện thực.
Đăng Nguyễn (Dân Việt/Reuters)

Có thể bạn quan tâm