Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Chuyện của phong lan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhà thơ Xuân Diệu từng viết “Hoa lan vương giả vẫn thầm hương”. Có lẽ là bởi trong thế giới của hoa, người ta vẫn phần nào ưu ái hoa phong lan, với nhiều cách ví von như “hoa trung quân tử” (bậc quân tử trong loài hoa), “thiên hạ đệ nhất hương” (hương thơm nhất thiên hạ), “không tục giai nhân” (người đẹp trong chốn thiền môn lẫn trong cõi tục).

Gọi là phong lan vì rễ phát triển trong không khí để nuôi cây mà sống. Một thời, phong lan là hiện sinh của rừng. Và trong thế giới hoa, phong lan có thể được xếp vào loài chịu đựng gian khổ, tự hưởng khí trời, tự hấp thụ hơi nước trong không khí, tự lấy chất dinh dưỡng trên lớp vỏ cây hay lớp mùn thực vật để sống. Rồi đến mùa đến tháng, chúng bung hoa, bung biêng bừng sắc, trong ngào ngạt hoa thơm. Chỉ trừ những loài có giả hành như lan vũ nữ hoặc có thân lớn như hoàng thảo đòi hỏi phải có nước dự trữ chất dinh dưỡng để nuôi cây, còn lại nhiều loài khác vẫn mặc nắng mưa cứ thế mà sinh trưởng.

Sau này, khi được thuần dưỡng và nhân giống thành công, phong lan dần thoát khỏi môi trường sinh sống tự nhiên, gần hơn với đời sống con người. Bằng phương pháp lai ghép hoặc nuôi cấy mô tế bào, người ta có thể cho ra đời hàng ngàn, hàng vạn loài hoa lan. Nhưng với tôi, không có loài lan nhân tạo nào có thể thay thế được nhành phong lan tự nhiên được chăm chút bởi bàn tay yêu thiên nhiên của con người.

Minh họa: Huyền Trang

Ngược dòng thời gian, cách đây khoảng chừng 700-800 năm, trong vườn của các vua đời nhà Trần đã quy tụ nhiều giống phong lan quý. Thời ấy, với quan niệm hoa lan là loài hoa đẹp bậc nhất, hương thơm vương giả nhất, nhưng rất khó trồng, nên chỉ có vua mới được chơi phong lan mà thôi. Bởi thế mới có câu “vua chơi lan, quan chơi trà”. Nhưng bây giờ thì khác, chơi hoa phong lan đã mang tính đại trà. Chỉ cần chậu đất nung hay một đoạn gỗ và một khoảnh không gian nho nhỏ thì chuyện giò lan treo lúc lắc hiên nhà rất đỗi bình thường.

Chuyện thưởng hoa lan của người xưa cũng khá thú vị: “Nhân bất thiện tri hoa tri diện, nhân hữu thiện tri hoa tri mạo”. Đại ý rằng, người bình thường xem hoa chỉ thấy được vẻ đẹp thể hiện bên ngoài của hoa. Trái lại, người giỏi và sâu sắc khi thưởng hoa thấy cả được cái đẹp về nội dung ẩn chứa, từng lớp lang ẩn trong gốc rễ nội tâm mà hoa biểu thị.

Hay như câu truyền miệng của các cụ xưa “Chơi cá dưỡng tâm, chơi chim dưỡng chí, chơi cây dưỡng thần” nhắc nhở người chơi luôn để cái tâm, cái chí, cái thần của mình ổn định, tĩnh tại, có tinh thần vượt khó vượt khổ, để rèn cho mình một phong thái, cốt cách cao đẹp. Theo đó, cũng như chăm sóc một chậu phong lan thành công nghĩa là bản thân người chăm cũng đã rèn được trong tâm mình những gì tốt đẹp nhất về cuộc đời này. Vì một tâm hồn sẽ đẹp biết bao nếu chúng ta biết lắng nghe và thuần dưỡng nó.

Mới đây thôi, lòng tôi thật hân hoan khi chiêm ngắm giò lan thủy tiên sau bao ngày chăm sóc, ngóng trông đã bung nở. Trước đó, tôi đã nấp nom, phấp phỏng biết chừng nào. Sau khoảng mươi ngày, màu vàng dịu dàng gây thương nhớ đã đến trong sự đợi chờ, từ nụ đầu tiên mở mắt, nụ thứ hai chúm chím, đến nụ cuối cùng mãn khai. Giò lan này là kỷ niệm nhân chuyến về rừng Kbang năm ngoái, tôi đã được một người bạn ở đây gửi tặng. Cả thời gian dài chăm cây, chăm lá đến hôm nay thoang thoảng hương hoa. Thật đúng như câu cửa miệng dân chơi lan vẫn nói với nhau: “1 tháng chơi hoa, 11 tháng chơi lá”.

Ngày rong ruổi cùng tấp nập cộ xe, lâu lâu tôi lại bắt gặp hình ảnh những bà, những chị bày một đôi giò phong lan bên góc phố. Tôi vốn là người yêu hoa nên thi thoảng cũng dừng mua một đôi nhánh, đem về tập tành chăm dưỡng và ngóng chờ hoa của mùa sau.

Có thể bạn quan tâm