Tin tức

Chuyến đi vì Vành đai và Con đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 18-1, hãng AP đưa tin, sau cuộc gặp Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Myanmar của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai nước đã ký 33 thỏa thuận về cơ sở hạ tầng và thương mại quan trọng. Lãnh đạo hai nước cũng nhất trí hợp tác xây dựng một cộng đồng chung tương lai, mở ra thời kỳ mới cho quan hệ song phương.
 
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Myanmar U Win Myint trong lễ đón tại dinh Tổng thống ở Naypyidaw, Myanmar
Lợi ích kinh tế
Chuyến thăm Myanmar (trong 2 ngày 17 và 18-1) của ông Tập Cận Bình diễn ra đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Trước khi gặp bà Aung San Suu Kyi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà U Win Myint. Tạp chí The Diplomat nhận định chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc mang nhiều ý nghĩa đối với cả hai bên. 
Thứ nhất, bất chấp việc cộng đồng quốc tế tỏ ý không hài lòng với các cuộc xung đột sắc tộc ở Myanmar, Trung Quốc vẫn đứng về phía Myanmar. Nói cách khác, tầm quan trọng của Myanmar đối với Trung Quốc đang tăng lên.
Thứ hai, về phương diện kinh tế, hợp tác giữa Trung Quốc và Myanmar trong những năm gần đây đã đạt được một loạt lợi ích - là một dự án thí điểm và công trình mẫu của hợp tác xây dựng Vành đai và Con đường ở Myanmar, dự án đường ống dẫn dầu và khí đốt Trung Quốc - Myanmar đã giải quyết vấn đề thị trường cuối nguồn cho khí đốt Myanmar, tạo thu nhập ngoại hối từ xuất khẩu.
Một trong những định hướng quan trọng là thúc đẩy Hành lang kinh tế Trung Quốc - Myanmar chuyển từ quy hoạch, khái niệm sang xây dựng thực tế. Hành lang này không chỉ bao gồm sự kết nối về cơ sở hạ tầng, mà còn có các khu vực hợp tác kinh tế và hậu cần cảng, có thể nói là một sự hợp tác kinh tế thương mại tổng hợp và đa dạng. Ngoài ra, hành lang này cũng sẽ nối liền khu vực phía Tây Nam kém phát triển của Trung Quốc với Myanmar, phát huy đầy đủ vị trí địa lý thuận lợi “Ngã tư của Đông Nam Á” của Myanmar, kết nối khu vực Ấn Độ Dương với thị trường trong nước Trung Quốc và Myanmar.
Việc xây dựng hành lang kinh tế Trung Quốc - Myanmar cũng sẽ mang lại cho Myanmar cả vốn lẫn công nghệ cần thiết để giúp nước này nâng cấp cơ cấu công nghiệp, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa và đô thị hóa để có thể bắt kịp sự phát triển nhanh của nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc.
Khó khăn
Theo giới quan sát, ông Tập Cận Bình đặc biệt quan tâm đến việc đẩy mạnh hợp tác Sáng kiến Vành đai và Con đường trong chuyến thăm Myanmar lần này. Quốc gia Đông Nam Á có một vị trí chiến lược tối quan trọng trong kế hoạch của Trung Quốc bởi cùng với Pakistan, Myanmar là 1 trong 2 nước có thể mở cho Trung Quốc con đường trực tiếp ra Ấn Độ Dương.
Tuy nhiên, theo đài RFI, nỗ lực đầu tư của Trung Quốc vào các dự án hạ tầng cơ sở lớn tại Myanmar đang vấp phải những phản ứng nghi ngại, nhất là những dự án trong Sáng kiến Vành đại và Con đường. Lý do trước tiên luôn luôn được các chuyên gia nêu bật là hỗ trợ phát triển của Bắc Kinh lại đến từ các khoản vay thay vì viện trợ không hoàn lại và buộc phải dùng công ty Trung Quốc. Điều này dễ dẫn đến trường hợp được gọi là “bẫy” nợ, khi nước nhận tiền không trả được nợ, phải gán tài sản quốc gia cho Trung Quốc để trả nợ, gây nên tình trạng mất chủ quyền. Ví dụ về cảng Hambantota ở Sri Lanka là lời cảnh báo cho các nước về những gì có thể xảy ra khi không trả được các khoản vay của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, người dân Myanmar ngày càng không chào đón sự hiện diện của Trung Quốc với phong trào phản đối đã nổ ra ở nhiều nơi, như ở Shwe Kokko, một dự án phát triển đô thị lớn của Trung Quốc trên sông Moei ở biên giới với Thái Lan, hay ở một mỏ đồng do Trung Quốc điều hành tại Monywa gần Mandalay, miền Trung Myanmar. Đó là chưa kể đến đề án đập và nhà máy thủy điện khổng lồ tại Myitsone ở miền Bắc, đã bị dân cư địa phương phản đối dữ dội đến mức chính quyền phải hoãn, dù Trung Quốc tiếp tục vận động để khởi động lại.
Đỗ Cao (SGGPO/tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm