Cô giáo Võ Thị Xuân Đỉnh 30 năm mở lớp dạy học miễn phí

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ lớp học tình thương của cô giáo Võ Thị Xuân Đỉnh (911 Quang Trung, phường An Bình, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai), nhiều thế hệ trò nghèo vùng đất thượng võ đã được chắp cánh ước mơ.

Những học trò đặc biệt

Bức tường ngả màu vàng nhạt, đôi chỗ loang màu rêu xanh thẫm. Những dãy bàn ghế đơn sơ cũng đã lên màu thời gian sau bao thế hệ học trò nối tiếp. Giọng đọc ngập ngừng nhưng rõ ràng của cậu học trò N.T.B. (lớp 4, nhà ở huyện Đak Pơ) vang lên giữa buổi chiều mùa hạ: “Con chăm sóc chú gà trống nay đã nặng 3 kg, dáng chú mập mạp, săn chắc… săn chắc… hay lăm le dọa mấy cô gà mái”. Cô giáo Đỉnh chăm chú nhìn vào tập vở để giúp cậu học trò tự kỷ được tự nhiên thể hiện mình. B. bị rối loạn ngôn ngữ-một dạng rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ, đã theo lớp học của cô Đỉnh 2 năm nay. Cô dịu dàng kể về cậu học trò đặc biệt: “Những ngày đầu đến lớp, em nói đớt, diễn đạt mọi thứ rất khó khăn, lộn xộn; viết 1 bài văn câu cú đảo lộn, mắc nhiều lỗi chính tả. Trí nhớ của B. rất kém, nói trước quên sau. Vậy mà sau 2 năm, em tiến bộ nhiều, lỗi chính tả giảm 80-90%, đọc tròn vành rõ chữ. Mỗi ngày, nhận thấy em thay đổi từng chút một là tôi vui lắm rồi”.

Đa số học trò đến lớp học của cô Võ Thị Xuân Đỉnh đều có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Hoàng Ngọc

Cô Đỉnh tiếp tục di chuyển đến các dãy bàn để kiểm tra các em khác ôn luyện các dạng đề chuẩn bị thi cuối học kỳ. Dừng lại ở cậu học trò có đôi mắt biết cười Lê Bảo Lộc (lớp 3, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, phường An Bình), vừa kiểm tra đề Toán em đang làm, cô Đỉnh vừa ân cần hỏi: “Lộc, lâu nay con có bị bạn trêu chọc nữa không?”. “Dạ có! Khi bị bạn trêu con rất buồn”-Lộc nói. Trìu mến nhìn cậu học trò bị sứt môi hở hàm ếch, phát âm còn nhiều khó khăn dù đã qua 3 lần phẫu thuật, cô thủ thỉ: “Lộc, con có biết con là cậu bé dũng cảm không. Con có tình thương của tất cả mọi người, nhất là cha mẹ, như vậy là vui, là hạnh phúc nhất rồi chứ mắc mớ gì buồn nữa…”. Chỉ vài lời tâm sự, hỏi han, Lộc nhìn cô giáo cười rạng rỡ. Nụ cười đánh đổi bằng nhiều cuộc phẫu thuật đau đớn em mới có được.

Hai hoàn cảnh kể trên chỉ là số ít trong nhiều số phận đặc biệt ở lớp học tình thương của cô giáo Võ Thị Xuân Đỉnh. Học sinh đủ mọi lứa tuổi, từ lớp 1 đến lớp 9, có cả học sinh nghèo ở huyện Đak Pơ. Tầm khoảng 17-18 giờ mỗi ngày, khi các em lớp cũ rời khỏi lớp, cô Đỉnh ăn vội miếng cơm để tiếp tục đón học sinh đến học ca tối. Nhiều em nhỏ bố mẹ làm nông tối muộn mới đón con, có em ở lại ăn cơm cùng cô. “Đa số các em đều có hoàn cảnh rất đặc biệt, khó khăn. Nhiều em cha mẹ ly hôn nên ở với ông bà, có em khuyết tật, tự kỷ, có em bị cha bỏ rơi khi còn trong bụng mẹ… Vì vậy mà trong tính cách, các em thường nhút nhát, không mở lòng. Đó là những điều thiệt thòi và tôi muốn giúp để các em tự tin hơn”-cô Đỉnh chia sẻ.

Gần 1/3 thế kỷ mở lớp học miễn phí cho học trò nghèo, cô Đỉnh không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn chú trọng việc giáo dục, xây dựng nhân cách cho các em. Em Huỳnh Thị Kim Ngân (lớp 9, Trường THCS Nguyễn Viết Xuân, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) chia sẻ: “Con theo học lớp của cô từ năm lớp 1 tới nay, năm nào con cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Cô dò bài cũ, dạy kiến thức mới, thưởng quà khi tụi con đạt thành tích tốt trong học tập. Cô lúc nghiêm thì rất nghiêm, nhưng thường rất vui, rất gần gũi. Quan sát là cô biết tụi con vui hay buồn”.

Chị Lê Thị Tuyết Mai (tổ 3, phường An Bình, thị xã An Khê) có 2 con song sinh là Nguyễn Thiên Phú, Nguyễn Thiên Lộc (lớp 4, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản) theo lớp học tình thương của cô Đỉnh nhiều năm nay. Chị Mai làm mẹ đơn thân nuôi 2 con nhỏ và mẹ già. Chị trải lòng: “Tôi đi làm ớt cho người ta thu nhập chỉ 4-5 triệu đồng/tháng. May có lớp học của cô Đỉnh dạy miễn phí cho trẻ em trong vùng nên con cái được học hành, đỡ phần nào gánh nặng. Các con tôi học ở đây từ lớp 1 đến giờ. Tôi và một số phụ huynh dù còn khó khăn nhưng hàng tháng ủng hộ lớp học của cô chút ít để cô mua bút vở cho các em khó khổ, mồ côi nữa. Các con tôi từ ngày học lớp cô Đỉnh rất ngoan, tự giác học tập nên tôi rất yên tâm”.

Hậu duệ dòng họ Võ

Cô giáo Võ Thị Xuân Đỉnh là hậu duệ của dòng họ Võ danh tiếng trên vùng đất An Khê xưa. Cơ duyên đưa cô đến với giáo dục cũng bắt nguồn từ sự học trong gia đình. Cô kể: “Gia đình đông con nhiều cháu. Tôi có tới 17 anh chị em và 30 đứa cháu. Đứa cháu đầu năm nay 30 tuổi cũng là chừng ấy thời gian tôi mở lớp dạy học. Ban đầu chỉ dạy dỗ con cháu trong nhà, nhưng thấy nhiều hoàn cảnh khó khổ, không có tiền cho con học thêm, tôi nhận dạy miễn phí luôn”. Là người duy nhất trong nhà không lập gia đình riêng, lại thường xuyên cưu mang học trò nghèo khắp nơi về dạy dỗ, nuôi ăn uống, anh chị em trong gia đình không ít lần nói cô Đỉnh “bị khùng”. Căn nhà được cơi nới để kê thêm bàn ghế, đón thêm nhiều học trò tới xin học. “Đầu năm nay, tôi vừa bị một cơn tai biến nhẹ, may được chữa trị kịp thời. Suốt mấy tuần nằm viện rồi sau đó về nhà, tôi bị mất tiếng, không nói được. Trong những ngày ấy, nhiều em vẫn đến lớp, ngoan ngoãn ngồi vào bàn học bài, làm bài tập. Tôi đã 57 tuổi và có 30 năm đồng hành cùng nhiều thế hệ học trò nghèo, nhiều em vào đại học hàng năm vẫn về thăm. Niềm vui ở đó chứ cần tìm đâu xa”-cô Đỉnh chiêm nghiệm.

Một buổi học ở lớp học tình thương của cô giáo Võ Thị Xuân Đỉnh. Ảnh: H.N

Chị Lê Thị Ngọc Dung-công chức Văn hóa-Xã hội phường An Bình-chia sẻ: “Mấy chục năm qua, sức tới đâu cô Đỉnh giúp học trò tới đó với quan điểm cho các em kiến thức và sự tự tin khi ra ngoài xã hội. Đó là một tấm lòng rất đáng quý trọng”.

Căn nhà nơi cô giáo Võ Thị Xuân Đỉnh mở lớp học tình thương chính là mảnh đất tổ tiên dòng họ Võ, phía sau vẫn còn ngôi đình cổ An Cư nằm trên phần đất đai của gia đình. Người An Khê truyền nhau rằng, đất đai của dòng họ Võ xưa kia “phía Nam cận quốc lộ 19, phía Bắc cận sơn (núi Hòn Cong), phía Đông cận làng Tân Lai, phía Tây cận làng Chí Thành”. Trăm năm dâu bể, đất đai ngày càng thu hẹp, nhưng tấm lòng nghĩa hiệp của hậu duệ của dòng họ danh tiếng như lớp học tình thương của cô giáo Đỉnh sẽ còn mãi trên vùng đất thượng võ này.

Cô Võ Thị Xuân Đỉnh: “Có lần, phụ huynh đến tặng hoa nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, trong đó kẹp một phong bì 500 ngàn đồng. Đối với những người đi làm rau, làm ớt mà nói, đây là số tiền của mấy ngày công lao động. Tất nhiên là tôi không thể nhận. Làm thầy nhận hoa ngày lễ rất vui nhưng tôi rất sợ trong hoa lại có tiền”.

Có thể bạn quan tâm