Ông Phạm Đình Luyến: Từ lính đặc công đến giải thưởng “Phú Riềng Đỏ”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuối năm 2022, tại lễ kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng và Ngày truyền thống ngành Cao su Việt Nam (28/10/1929-28/10/2022), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam trao giải thưởng “Phú Riềng Đỏ” cho 13 cá nhân, trong đó có ông Phạm Đình Luyến-Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh. Đây là giải thưởng tôn vinh những cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc và cống hiến cho công cuộc xây dựng và phát triển Tập đoàn.

Ông Phạm Đình Luyến sinh ra và lớn lên ở Bắc Ninh. Năm 1981, ông lên đường nhập ngũ, được biên chế về Trung đoàn 820 đặc công. Nhập ngũ chưa đầy 1 tháng thì ông biết tin mình trúng tuyển Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Lúc đó, gia đình đã đến đơn vị xin cho ông về đi học. Trước nguyện vọng của gia đình, chỉ huy đơn vị cũng đã đồng ý. Thế nhưng, ông quyết tâm gắn bó với đơn vị, hoàn thành nghĩa vụ công dân.

Sau khi xuất ngũ trở về, ông mới tiếp tục con đường học vấn, trở thành một trong những sinh viên xuất sắc của Khoa Trồng trọt, Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội. Năm 1990, sau khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi, ông Luyến quyết định vào Tây Nguyên lập nghiệp.

Ông Phạm Đình Luyến Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh. Ảnh: Hà Đức Thành

Ông Phạm Đình Luyến Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh. Ảnh: Hà Đức Thành

“Năm 1991, tôi làm trợ lý kỹ thuật Nông trường Đoàn Kết thuộc Công ty Cao su Mang Yang. Những ngày đầu, công việc cũng như cuộc sống khó khăn vô cùng. Thế nhưng, với tinh thần, ý chí của người lính Cụ Hồ, tôi từng bước vượt qua mọi trở ngại, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao”-ông Luyến chia sẻ.

Bằng uy tín, năng lực của mình, ông Luyến được đồng nghiệp quý mến, cấp trên tin tưởng. Tháng 3-1995, ông được bổ nhiệm Giám đốc Nông trường Cao su Đoàn Kết, thời điểm bổ nhiệm ông là người trẻ nhất của Công ty đảm nhiệm vị trí này. Sau đó, ông đã kinh qua nhiều chức vụ như: Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Cao su Mang Yang, Chủ tịch Hội đồng thành viên và nay là Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh.

Dù ở cương vị nào, ông Luyến cũng nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, ông đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong việc xây dựng Công ty Cao su Chư Păh trở thành một tập thể đoàn kết, vững mạnh; sản xuất kinh doanh hiệu quả, đảm bảo đời sống cho người lao động.

Là đơn vị có đến hơn 70% công nhân là người dân tộc thiểu số, nhiều chương trình, dự án phù hợp với thực tiễn đã được Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh triển khai có hiệu quả như: Dự án trồng cao su, đưa các giống mới vào sản xuất nông nghiệp; chương trình giảm nghèo, ngói hóa nhà ở công nhân người dân tộc thiểu số và cộng đồng dân cư...

Cùng với đó, công nhân người dân tộc thiểu số còn được nhận khoán vườn cây lâu dài, hiện có trên 50% số hộ biết làm giàu từ kinh tế gia đình. Nếu như năm 2017 thu nhập bình quân của công nhân là 6 triệu đồng/người/tháng, tiền thưởng bình quân 8 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2022 đã tăng lên 7,8 triệu đồng/người/tháng và tiền thưởng là gần 10 triệu đồng/người/năm.

Ông Phạm Đình Luyến-Tổng Giám đốc Công ty trao thưởng cho các cháu học sinh học giỏi. Ảnh: Hà Đức Thành

Ông Phạm Đình Luyến-Tổng Giám đốc Công ty trao thưởng cho các cháu học sinh học giỏi. Ảnh: Hà Đức Thành

Công tác từ thiện cũng là một trong những dấu ấn đậm nét của cá nhân ông Luyến và Công ty Cao su Chư Păh. Thời gian qua, Công ty đã giúp đỡ 10 xã trên địa bàn đứng chân trong công tác giảm nghèo, bằng nhiều việc làm thiết thực như: mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chia sẻ kinh nghiệm cạo mủ cao su, triển khai chương trình “Kết nghĩa giữa tổ, đội với buôn làng”, “Nông trường với các xã”, “Công ty với huyện”...

Cùng với đó, hàng năm, Công ty còn trích kinh phí hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà “Mái ấm Công đoàn”, nhà “Đại đoàn kết” và nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện khác. Với những đóng góp của mình, Công ty Cao su Chư Păh vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; cá nhân ông Luyến được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì, hạng ba.

Ông Luyến trải lòng: Trải qua bao khó khăn, vất vả nhưng tôi vẫn luôn rất tự hào khi tuổi trẻ của mình được gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên, đóng góp một phần nhỏ cho sự phát triển của cây cao su ở Gia Lai.

Thấm thoắt đã 33 năm gắn bó với ngành cao su, tôi cũng đã được lãnh đạo các cấp ghi nhận, được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động hạng nhì, hạng ba. Nhưng với tôi, giải thưởng “Phú Riềng Đỏ” là danh hiệu mà tôi thấy hạnh phúc nhất vì gắn liền với sự nghiệp và tình yêu của tôi đối với cây cao su.

Có thể bạn quan tâm