Trần Thị Bích Ngọc: Sâu đậm tình yêu văn hóa Bahnar

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Chiều muộn, lại bận một số việc nhà nhưng thấy chị Trần Thị Bích Ngọc-công chức Văn hóa-Xã hội xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang) ghé thăm, già Đinh Bi vui lắm. Già đã quá quen với cái dáng bé nhỏ thân thuộc của chị, với những lần đến nhà hỏi han, động viên. Vừa chăm chú đan gùi, già vừa gật đầu khi nghe lời nhắn nhủ: “Chú nhớ trong năm nay ráng truyền dạy thành công nghề đan lát cho 1 người trẻ trong làng chú nhé!”.

“Cán bộ nào, phong trào đó”

Già Đinh Bi là 1 trong 5 nghệ nhân của xã vừa vinh dự được nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT). Ông bảo: “Ngọc xuống chơi miết miết, quý lắm. Chân mình bị tật, không bằng người ta nên chỉ giỏi đan gùi. Nhờ Ngọc giúp mới được công nhận là NNƯT đấy”. Hiện nay, sau khi 1 NNƯT ở xã Nghĩa An vừa qua đời, toàn huyện chỉ còn 5 NNƯT, tất cả đều ở xã Kông Lơng Khơng.

Càng tìm hiểu càng thấy Kông Lơng Khơng là một trong những xã dẫn đầu huyện Kbang về công tác bảo tồn, phát huy nghề truyền thống cùng các giá trị văn hóa. Huyện có 15 đội cồng chiêng thanh-thiếu niên thì riêng xã Kông Lơng Khơng có đến 6 đội. Chưa kể, xã còn duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả 10 đội cồng chiêng người lớn tuổi, cồng chiêng nữ. Cho đến khi gặp chị Ngọc, chúng tôi càng vỡ ra câu: “Cán bộ nào, phong trào đó”. Nội lực văn hóa của xã được phát huy mạnh mẽ chính nhờ một phần ở sự góp sức của chị.

Chị Trần Thị Bích Ngọc trò chuyện, động viên nghệ nhân Đinh Bi gìn giữ, bảo tồn nghề đan lát. Ảnh: Phương Duyên

Chị Trần Thị Bích Ngọc trò chuyện, động viên nghệ nhân Đinh Bi gìn giữ, bảo tồn nghề đan lát. Ảnh: Phương Duyên

Tình yêu nào cũng được nuôi lớn từ những điều bé nhỏ. Với chị Ngọc, tình yêu với văn hóa Bahnar cũng thế. Năm 2 tuổi, cô bé Trần Thị Bích Ngọc đã theo gia đình từ một vùng quê ở tỉnh Quảng Ngãi lên xã Kông Pla (huyện Kbang) sinh sống. Sinh hoạt, học tập cùng các bạn nhỏ là con em đồng bào bản địa nơi đây nên Ngọc hiểu khá rõ đời sống, phong tục, văn hóa rồi dần yêu lúc nào không hay những chiếc gùi xinh, tiếng cồng chiêng bổng trầm, bộ váy áo thổ cẩm tinh tế…

Tốt nghiệp THPT, chị Ngọc chọn học ngành Quản lý văn hóa-Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum. Năm 2011, chị ra trường rồi về làm công chức Văn hóa-Xã hội xã Kông Lơng Khơng từ đó đến nay. Trong các năm 2020-2022, chị tiếp tục học chương trình liên thông đại học do Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương phối hợp với Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai tổ chức. Vốn liếng văn hóa tích lũy từ thực tế cùng với kiến thức chuyên môn được đào tạo bài bản là “điểm tựa” vững chắc để chị phát huy năng lực bản thân.

Các thành viên lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm tại xã Kông Lơng Khơng trong ngày khai giảng. Ảnh: Phương Duyên

Các thành viên lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm tại xã Kông Lơng Khơng trong ngày khai giảng. Ảnh: Phương Duyên

Trăn trở vì trên địa bàn xã có khá nhiều “báu vật nhân văn sống” chưa được công nhận bất kỳ danh hiệu nào, chị Ngọc dành tâm sức nghiên cứu kỹ lưỡng Nghị định số 62/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Tiếp đó, chị tìm kiếm và thu thập thông tin, hình ảnh liên quan về nghệ nhân trên báo, đài; đến nhà từng người chụp ảnh, quay clip thực tế quá trình truyền dạy rồi in sang ra đĩa để nộp kèm bản hồ sơ. Suốt 2 tháng trời, chị cặm cụi với từng việc một để ghi nhận cống hiến âm thầm của các nghệ nhân. “Nhiều việc lắm, phải bỏ không ít công sức mới hoàn thiện được bộ hồ sơ. Cũng có lúc tôi thấy nản, nhưng nghĩ đến các nghệ nhân đã nỗ lực hàng chục năm trời để gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống, tôi lại thấy có động lực thực hiện”-chị Ngọc kể.

Tháng 9-2022, ngành văn hóa Gia Lai đón nhận tin vui khi 9 cá nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NNƯT; trong đó cả 5 nghệ nhân được chị Ngọc hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ đều được công nhận. Đây là thành quả xứng đáng dành cho tâm huyết của các nghệ nhân cũng như sự công phu, kỹ lưỡng của chị Ngọc khi hoàn thành các phần việc một cách vô tư, hết lòng.

Nói về thành tích trên, ông Đinh Đình Chi-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kbang-nhận xét: “Chị Trần Thị Bích Ngọc luôn nhiệt tình với công việc được giao, làm gì cũng đến nơi đến chốn. Chị cũng chịu khó nghiên cứu, học hỏi, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Với những tố chất đó, chị Ngọc trở thành cá nhân nổi bật. Trong năm nay, từ kinh nghiệm đã có của chị Ngọc, chúng tôi sẽ triển khai các xã còn lại làm hồ sơ công nhận danh hiệu NNƯT cho các nghệ nhân khác trên địa bàn”.

Khơi lên mạch nguồn văn hóa

Theo chân chị Ngọc, chúng tôi vừa có dịp ghé thăm nhà một số nghệ nhân tiêu biểu ở xã Kông Lơng Khơng. Không ai chị không biết nhà, không có số điện thoại. Trong khi khách phương xa e ngại trước những con đường sống trâu lồi lõm thì chị vẫn tự tin chắc tay lái, thông thuộc từng đường ngang ngõ tắt. Gặp chị, nghệ nhân nào cũng vui như gặp người nhà.

Năm qua, ngoài công việc thường ngày của một công chức văn hóa-xã hội, chị Ngọc còn được biết đến với vai trò Chủ nhiệm dự án “Bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm Bahnar ở xã Kông Lơng Khơng”. Đây là 1 trong 4 đề tài của Gia Lai được Hội đồng Anh tài trợ năm 2022 với tổng kinh phí 144 triệu đồng. Với dự án này, chị đã huy động nghệ nhân Đinh Thị Hiền và Đinh Thị Lăm đứng lớp truyền dạy, thu hút 15 chị em trong xã hào hứng tham gia. Từ tháng 1 đến tháng 5-2022, 3 hoạt động chính của dự án đã được chị Ngọc và cộng sự triển khai thành công gồm: tư liệu hóa quy trình dệt thổ cẩm truyền thống để xây dựng giáo trình; tổ chức truyền dạy dệt thổ cẩm; phát triển sản phẩm mới dựa trên hoa văn thổ cẩm truyền thống. Hướng đi của nhóm thực hiện dự án là thiết kế những bộ trang phục có tính ứng dụng cao song vẫn giữ được nét đặc trưng của thổ cẩm truyền thống.

Nghệ nhân Đinh Thị Lăm (bìa trái) luôn xem chị Trần Thị Bích Ngọc như người thân trong gia đình. Ảnh: Phương Duyên

Nghệ nhân Đinh Thị Lăm (bìa trái) luôn xem chị Trần Thị Bích Ngọc như người thân trong gia đình. Ảnh: Phương Duyên

Sau khóa tham gia truyền dạy, cả 2 nữ nghệ nhân đứng lớp đều được công nhận NNƯT. Nghệ nhân Đinh Thị Lăm vui vẻ chuyện trò: Từ khi tham gia dự án, bà chăm chú hơn với nghề dệt và bán được nhiều sản phẩm hơn. Có tháng, bà thu nhập thêm 6-7 triệu đồng từ các sản phẩm thổ cẩm. “Cũng nhờ dự án của Ngọc đấy. Ngọc dễ thương, gần gũi với bà con lắm. Mình quý Ngọc vì tuy là người Kinh nhưng biết yêu quý văn hóa của đồng bào Bahnar. Mình cũng rất vui vì dạy cho các bạn trẻ trong làng biết cách trồng bông, dệt vải. Con gái Bahnar là phải vậy”-bà Lăm nói.

Kết thúc dự án, bộ giáo trình dày 126 trang ghi lại chi tiết quy trình dệt thổ cẩm đã được phát hành rộng rãi cho chị em trong làng, xã, góp phần bảo tồn nghề truyền thống trước nguy cơ mai một. Chị Ngọc hồ hởi cho biết thêm, ngoài các đơn hàng nhỏ lẻ, gần đây, các thành viên của dự án nhận được đơn đặt hàng dệt hơn 2.000 dây đeo tay từ Tập đoàn Trung Nguyên Legend (tỉnh Đak Lak). Tuy mệt nhưng ai cũng phấn chấn. Chị Ngọc chia sẻ dự định: “Chúng tôi dự kiến thành lập tổ hợp tác để mở rộng quy mô hoạt động, phát triển sản phẩm. Hiện tại, tôi đang làm hồ sơ xây dựng thổ cẩm thành sản phẩm OCOP của xã Kông Lơng Khơng”.

Chị Trần Thị Bích Ngọc (bìa phải) và các thành viên trong nhóm thực hiện Dự án “Bảo tồn và phát triển dệt thổ cẩm Bahnar ở xã Kông Lơng Khơng”. Ảnh: Hà Duyệt

Chị Trần Thị Bích Ngọc (bìa phải) và các thành viên trong nhóm thực hiện Dự án “Bảo tồn và phát triển dệt thổ cẩm Bahnar ở xã Kông Lơng Khơng”. Ảnh: Hà Duyệt

Trước đó, khi dự án “Di sản kết nối” do Hội đồng Anh tài trợ triển khai tại làng Mơ Hra (sau sáp nhập thành làng Mơ Hra-Đáp) nhằm xây dựng, phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại địa phương, chị Ngọc cũng được đánh giá cao trong vai trò phối hợp và truyền cảm hứng mạnh mẽ. Bài viết “Dân làng Mơ Hra (tỉnh Gia Lai) tạc tượng và dệt vải” đăng trên trang web của tổ chức quốc tế này nêu nhận xét: “Chị Ngọc là người quản lý và tổ chức hoạt động rất có năng lực. Trước đại dịch, chị đã tổ chức các buổi họp với cộng đồng để thảo luận về các khía cạnh của dự án và đạt được sự đồng thuận với dân làng, đồng thời tổ chức các hoạt động như các khóa đào tạo về quản lý di sản, phát triển du lịch và các lễ hội địa phương. Trong bối cảnh việc đi lại bị hạn chế do Covid-19, chị Ngọc đã nhanh chóng thiết lập và hướng dẫn dân làng Mơ Hra cách sử dụng các công cụ trực tuyến để liên lạc với các thành viên và cộng tác viên của dự án. Từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021, chị đã sắp xếp và trợ giúp dân làng Mơ Hra tham gia hội thảo trực tuyến với Ban điều phối dự án “Di sản kết nối” để cùng nhau phát triển bộ công cụ kể chuyện di sản, trong đó những câu chuyện di sản của họ sẽ được ghi lại và chia sẻ thông qua hình thức vẽ, chụp ảnh và video…”.

Nói về cái duyên gắn bó với văn hóa Bahnar, chị Ngọc lý giải thật giản dị: “Như là đam mê. Không làm không chịu được”. Với chị, việc chiều nào cũng vượt đoạn đường dài vắng vẻ qua các rẫy mía để từ trụ sở UBND xã trở về với gia đình nhỏ ở xã Đak Hlơ (cách đó chừng 12 km) không còn là trở ngại. Những khi làng Mơ Hra-Đáp đón khách du lịch, chị ở lại hỗ trợ đến khuya rồi một mình chạy xe máy về. Tình cảm ấy khiến bà con trong làng, trong xã không khỏi xúc động. Khi một số nơi vẫn áp đặt tư duy “làm cán bộ văn hóa thì… ai cũng làm được” khiến văn hóa cơ sở ít nhiều bị bỏ quên, hẫng hụt thì sự có mặt của những người như chị Ngọc mang đến một nguồn sinh khí mới mẻ, đầy cảm hứng và năng lượng sáng tạo.


Ông Đinh Văn Lum-Phó Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng: “Chị Trần Thị Bích Ngọc là công chức rất tâm huyết với công việc, đặc biệt là các dự án liên quan đến văn hóa Bahnar. Hàng năm, chị Ngọc đều chủ động tham mưu giúp xã tổ chức hội diễn cồng chiêng, gần đây mở lớp truyền dạy nghề thổ cẩm, từ đó chị em hiểu hơn về nghề dệt truyền thống, có thêm thu nhập. Nghề đan lát trước kia cũng mai một dần nhưng từ khi chị Ngọc kết hợp với các dự án đã tạo động lực duy trì, bảo tồn. Chúng tôi tự hào vì có một công chức tích cực giúp địa phương gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình”.

Có thể bạn quan tâm