Ngô Hồng Phong: Hạnh phúc khi làm được việc tốt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Thương trẻ em vùng quê nghèo chịu nhiều thiệt thòi, anh Ngô Hồng Phong-giáo viên môn Sinh học Trường THPT Phạm Văn Đồng (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã mở lớp dạy võ, xây thư viện miễn phí. Những việc làm của thầy Phong đã giúp các em thiếu nhi có thêm bài học bổ ích, kỹ năng sống và lan tỏa giá trị tích cực đến mọi người.

Lan tỏa văn hóa đọc

Một ngày đầu tháng 4, tôi tìm về thôn Chư Hậu 5 (xã Ia Yok, huyện Ia Grai) để tham quan thư viện miễn phí của thầy Ngô Hồng Phong. Nghe tôi hỏi thăm đường đi, bà con trong thôn nhiệt tình dẫn đến tận nhà rồi nói với tôi bằng giọng yêu mến: “Ai chứ thầy giáo Phong thì chúng tôi đều biết”.

Biết mục đích tới thăm của tôi, anh Phong rất vui. Anh chia sẻ: Thư viện rộng khoảng 30 m2, anh là người thiết kế và xây dựng; kinh phí do các Mạnh Thường Quân hỗ trợ. Thư viện hiện có hơn 2.000 đầu sách với nhiều loại khác nhau như: văn học nước ngoài, văn học Việt Nam, sách nông nghiệp, truyện tranh, sách dạy con, sách tham khảo, khoa học-kỹ thuật, giáo dục kỹ năng sống… Những tủ sách được kê gọn gàng, khoa học; bàn ghế được sắp xếp ngăn nắp thuận tiện cho người đọc. Anh Phong còn treo trong thư viện nhiều câu danh ngôn, tục ngữ hay về việc đọc sách.

Các em học sinh Trường THCS Phan Bội Châu đọc sách tại thư viện do thầy giáo Ngô Hồng Phong xây dựng. Ảnh: P.L

Các em học sinh Trường THCS Phan Bội Châu đọc sách tại thư viện do thầy giáo Ngô Hồng Phong xây dựng. Ảnh: P.L

Anh Phong kể, ban đầu, anh tự bỏ tiền túi ra mua sách và một số vật dụng cần thiết phục vụ cho thư viện. Sau đó, anh nhận sự trợ giúp, góp sách từ người thân, bạn bè. Chỉ cần có người gọi tặng sách, trong khoảng cách dưới 50 km, anh sẽ chạy xe tới nhận để bổ sung đầu sách vào thư viện của mình.

Trước khi đem sách vào thư viện để phục vụ bạn đọc, anh còn dành thời gian đọc qua lời giới thiệu để nắm bắt được ý nghĩa, giá trị của từng cuốn sách. Mở cửa từ Tết Nguyên đán 2023 đến nay, thư viện đã trở thành điểm dừng chân của những người yêu sách. Với các em thiếu nhi, khi đến mượn sách, anh hướng dẫn cách chọn sách đọc sao cho phù hợp với lứa tuổi, nhu cầu.

”Tôi thích đọc sách từ nhỏ nhưng vì gia đình không có điều kiện nên thường phải mượn sách của bạn. Khi có điều kiện hơn, với mong muốn lan tỏa văn hóa đọc, tôi mở thư viện để mọi người dễ dàng tiếp cận với sách. Trước khi mở thư viện, tôi đã thông báo và xin phép chính quyền địa phương”-anh Phong tâm sự.

Thư viện mở cửa tất cả các ngày trong tuần. Những lúc anh Phong bận đến trường, người thân của anh lại đứng ra phục vụ, hướng dẫn bạn đọc lựa chọn và mượn sách. Mọi người đến đây ngoài việc đọc sách còn được phục vụ miễn phí nước uống. Vui vẻ khi tìm được một cuốn sách hay, em Trần Thị Lan Anh (lớp 9D1, Trường THCS Phan Bội Châu, xã Ia Yok) chia sẻ: “Hễ có thời gian rảnh là em lại đến nhà thầy Phong mượn sách về đọc. Từ ngày có thư viện này, em đọc sách thường xuyên hơn, có thêm nhiều kiến thức bổ ích. Em còn làm quen với nhiều bạn cùng sở thích, trao đổi về những nội dung, ý nghĩa của từng cuốn sách”.

Để góp phần lan tỏa văn hóa đọc, đối với những độc giả mượn sách về nhà, anh Phong kèm theo điều kiện phải giữ gìn cẩn thận, khi trả sách thì chia sẻ cảm nghĩ của mình về tác phẩm vừa đọc và giới thiệu cho nhiều người đến thư viện đọc sách. “Tôi vẫn đang kết nối với các Mạnh Thường Quân để bổ sung sách mới cho thư viện. Thời gian tới, tôi dự định đặt thêm tủ sách ở nhà văn hóa cộng đồng các thôn, làng để phục vụ được nhiều người”-anh Phong bày tỏ.

Dạy võ miễn phí

Ngoài việc mở thư viện miễn phí để truyền cảm hứng đọc sách, anh Phong còn dạy võ miễn phí cho nhiều võ sinh. Lớp dạy võ miễn phí do anh Phong mở từ năm 2017 thu hút hàng trăm thiếu nhi theo học. Dịch Covid-19 ảnh hưởng nhưng bằng nỗ lực của mình, anh Phong vẫn duy trì cho đến nay.

Lớp dạy võ miễn phí ở làng Bồ sử dụng sân nhà sinh hoạt cộng đồng của làng. 40 võ sinh sôi nổi trò chuyện. Sau khi hiệu lệnh còi cất lên, võ sinh xếp thành nhiều hàng rồi bắt đầu các động tác khởi động. Anh Phong giới thiệu bài học mới rồi cẩn thận uốn nắn, chỉ bảo từng động tác cho các võ sinh. Tiếp đó, cả lớp chia ra từng nhóm nhỏ tập luyện với nhau.

Em Ksor Tết (làng Bồ) chia sẻ: “Thầy Phong dạy võ miễn phí cho chúng em nhiều năm nay. Chúng em được thầy hướng dẫn tập luyện giúp nâng cao sức khỏe, tiếp thu các kỹ thuật, động tác để bảo vệ bản thân”.

Anh Ngô Hồng Phong dạy võ cho thiếu nhi làng Bồ, xã Ia Yok, huyện Ia Grai. Ảnh: P.L

Anh Ngô Hồng Phong dạy võ cho thiếu nhi làng Bồ, xã Ia Yok, huyện Ia Grai. Ảnh: P.L

Lớp học võ miễn phí tổ chức vào chiều thứ tư và chủ nhật hàng tuần, bắt đầu từ 17 giờ 45 phút đến 19 giờ. Võ sinh là các em thiếu nhi với nhiều độ tuổi khác nhau. “Tôi biết môn võ Karatedo từ khi mới 12 tuổi. Mục đích tập võ ban đầu là để rèn luyện sức khỏe, dần dần kỹ năng được nâng cao. Năm 2003, võ đường Dã Quỳ được thành lập, hàng trăm võ sinh đăng ký theo học. Thương các em người dân tộc thiểu số mê võ thuật nhưng nhà nghèo, tôi đã mở lớp dạy võ miễn phí để các em được thỏa niềm đam mê của mình”-anh Phong kể.

Với phương châm học võ cũng là học làm người, thông qua bộ môn Karatedo, anh Phong hướng dẫn cho võ sinh cách ứng xử, tính trung thực, cao thượng. Anh còn mua đồng phục tặng các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. 6 năm dạy võ miễn phí, không ít lần anh Phong được hỏi: “Sao thầy không thu học phí, không nhiều thì ít?”. Và lần nào anh cũng trả lời: “Mở lớp là phải có học trò. Gia đình các em khó khăn mà thu học phí sẽ khó duy trì lớp học. Tôi thấy các em chăm chỉ tập luyện, đi học đầy đủ là vui lắm rồi”. Không chỉ miễn phí cho thiếu nhi ở làng Bồ, võ sinh người Kinh hộ cận nghèo cũng được miễn hoặc giảm 50% học phí. Vì vậy, anh luôn dặn dò các võ sinh: “Em nào không có tiền đóng học, thầy sẽ miễn cho. Các em phải đi học đầy đủ để nâng cao sức khỏe, tự bảo vệ bản thân”.

Vui khi làm việc ý nghĩa

Anh Phong chia sẻ: Năm 2021, Đoàn trường ra mắt mô hình “Tủ áo ấm tình thương” đặt trước cổng trường để giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn. Bằng mối quen biết của mình, anh đã vận động người thân, bạn bè, Mạnh Thường Quân ủng hộ. Đến nay, anh đã hỗ trợ hơn 2.000 bộ quần áo để Đoàn trường trao tặng người dân khó khăn. Bên cạnh đó, Câu lạc bộ Lân-sư-rồng thuộc võ đường Dã Quỳ do anh Phong thành lập thường xuyên được mời biểu diễn ở các sự kiện khai trương cửa hàng, dịp Tết Trung thu. Từ số tiền thu được, sau khi hỗ trợ các thành viên của Câu lạc bộ, anh Phong trích một phần mua nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Hồ Việt Bắc-Chủ tịch UBND xã Ia Yok: Trước khi mở lớp dạy võ và thư viện miễn phí, thầy Ngô Hồng Phong đã xin ý kiến chính quyền địa phương. Chúng tôi cũng đã thông báo cho người dân, đặc biệt là các em học sinh biết để đến học võ và đọc sách miễn phí. Bên cạnh đó, thầy Phong còn chia sẻ những khó khăn của bà con thông qua việc trao tặng nhu yếu phẩm, tổ chức gian hàng “0 đồng”… Những việc làm tốt đẹp của thầy Phong đã góp phần lan tỏa tinh thần sẻ chia vì cộng đồng, được UBND xã biểu dương, khuyến khích nhân rộng.

Đối với Câu lạc bộ Dưỡng sinh thôn Chư Hậu 5, anh Phong cũng có nhiều sự hỗ trợ tích cực. Câu lạc bộ được thành lập vào năm 2017. Do không có điều kiện thuê thầy về dạy nên các thành viên thường tự nghĩ ra động tác rồi tập luyện. Thấy vậy, anh Phong đã chủ động đi học, tìm hiểu thêm trên mạng internet rồi hướng dẫn cho các thành viên. Bà Nguyễn Thị Liệu-Chủ nhiệm Câu lạc bộ-nhận xét: “Ít ai như chú Phong, vừa quan tâm đến sức khỏe người lớn tuổi, vừa chú trọng trang bị kỹ năng, kiến thức cho lớp trẻ. Việc chú Phong làm giúp cho xã hội này ngày càng tốt hơn”.

Điều kiện kinh tế chưa dư giả gì nhưng những việc thiện anh Phong đang thực hiện luôn nhận được sự ủng hộ của người thân, gia đình. “Bận rộn với việc giảng dạy ở trường, về nhà lại tất bật với những lớp học, thư viện miễn phí, người thân sợ tôi vất vả. Song khi biết đó là tâm huyết, tình thương với học trò khó khăn thì ai cũng đồng ý và ủng hộ”-anh Phong chia sẻ.

*

Chúng tôi rời làng Bồ khi trời nhá nhem tối, anh Phong lại tiếp tục chỉ dạy cho các võ sinh người dân tộc thiểu số. Những động tác dứt khoát cùng tiếng hô “hây, hây” lại vang lên dõng dạc. Rời đi đã lâu mà trong tôi vẫn còn văng vẳng lời của anh Phong: “Tôi chỉ mong có sức khỏe để tiếp tục làm nhiều việc có ý nghĩa. Hạnh phúc là khi làm được việc tốt, mang niềm vui đến cho mọi người”.

Có thể bạn quan tâm