“Người cha” của những sinh linh bị chối bỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có lẽ vì chữ duyên, chữ nghiệp nên ông Nguyễn Phương Phụng đã gánh lấy công việc mà người bình thường chỉ nghĩ tới đã nổi gai ốc-chăm coi gần 40 ngàn mộ đồng nhi ở Nghĩa trang TP. Pleiku. Đó cũng là những sinh linh bị chối bỏ quyền sống từ khi trong bụng mẹ được ông và những người thiện tâm đưa về chôn cất, cho các cháu “một cõi đi về”.

Vẫn dáng vẻ phong trần với bộ quần áo xanh bộ đội cùng chiếc xe Win “tàu” như hình ảnh tôi đã thấy trong hàng chục bài báo, ông Nguyễn Phương Phụng đón chúng tôi ngay cổng Nghĩa trang TP. Pleiku. Gặp “người cha của những đồng nhi” như cách người ta vẫn gọi, tôi không mong khơi lại chuyện thắt lòng về những đứa trẻ bị chối bỏ quyền sống từ trong bụng mẹ. Tôi hy vọng sau rất nhiều bài viết về ông phần nào thức tỉnh lương tri con người, tình trạng nạo phá thai sẽ được ngăn chặn. Dẫn chúng tôi đi qua khu vực có hàng chục ngàn ngôi mộ cũ bé nhỏ để vào sâu bên trong nghĩa trang, một khu đất mới với hàng chục ngàn mộ đồng nhi mới lại vừa hình thành, ông Phụng trầm tư: “Đúng là trong 2 năm (2020-2021) dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tình trạng này giảm hẳn, mỗi năm tôi chỉ đón khoảng hơn 1 ngàn thai nhi. Nhưng trong năm 2022, tôi đã đưa hơn 2.200 thai nhi về đây chôn cất. Mới ra Tết đến giờ đã có gần 70 bào thai bị chối bỏ về dưới mái nhà chung này”.

Xung quanh ngôi nhà mới của đồng nhi, ông Phụng trồng hàng chục cây đỗ mai. Nâng niu một chùm hoa vừa hé nở những nụ hồng phớt, ông Phụng trải lòng: “Những cây hoa này do một người bạn mang tới tặng, tôi trồng xung quanh khu mới này lấy bóng mát cho các cháu. Mới đó mà cây đã đơm hoa. Trồng cây cũng như trồng người, giá như những sinh linh bé nhỏ này không bị chối bỏ…”. Ông bỏ lửng câu nói, quay về với công việc đang dang dở. Mới buổi sáng của ngày đầu tuần mà đã lại có những sinh linh bé bỏng bị vứt bỏ được ông đưa về chôn cất.

Ông Nguyễn Phương Phụng xây dựng một bục xi măng dưới gốc cây si trong khu vực nghĩa trang để mọi người đặt thai nhi, tránh vứt bỏ ở nơi không ai hay biết. Ảnh: Hoàng Ngọc

Ông Nguyễn Phương Phụng xây dựng một bục xi măng dưới gốc cây si trong khu vực nghĩa trang để mọi người đặt thai nhi, tránh vứt bỏ ở nơi không ai hay biết. Ảnh: Hoàng Ngọc

“Một cõi đi về”

Ông Phụng quê gốc Quảng Nam, sinh ra ở Phan Rang-Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) nhưng lại gắn bó với mảnh đất Gia Lai phần lớn đời mình. Ông Phụng kể: “Cơ duyên cho tôi gặp cha Đông (linh mục Nguyễn Văn Đông-nhà thờ Đức An) người đã lập nên nghĩa trang đồng nhi từ năm 1992. Đến năm 2002, cha Đông bàn giao lại cho tôi trông coi. Mới đó mà đã hơn 20 năm, tôi gắn bó với công việc ở nghĩa trang này”. Từ lần đầu tiên tay ông còn run lên khi chôn một bào thai chưa rõ hình hài, đến nay, ông đã tự tay chôn cất trên 25 ngàn đứa trẻ bị chối bỏ. Ông Phụng trải lòng: “Người ta nói làm công việc này lâu như vậy sẽ chai sạn cảm xúc. Nhưng đến tận bây giờ, mỗi lần tự tay chôn lấp các con, lòng tôi không khỏi xót thương. Bởi vì tôi đã làm cha của 4 đứa con, tôi cảm nhận sự thiêng liêng của máu mủ ruột thịt”.

Chừng đó năm, ông cũng xây dựng được mạng lưới “cộng tác viên” là những người lái xe ôm, bán vé số, nhân viên cơ sở y tế… Hễ ở đâu có những đứa trẻ bị chối bỏ, ông đều tìm đến mang về cho các bé một chỗ yên nghỉ ấm cúng. Mỗi thai nhi đón về được ông cẩn thận bỏ vào những cái om, đặt tên là Giáng Sinh, Hồng Ân, Hữu Duyên… và đánh số thứ tự để ghi nhớ các sinh linh bé bỏng ấy được đưa về nghĩa trang mùa nào, dịp nào. Mỗi năm, ông còn chi hàng trăm triệu đồng để thuê người cắt cỏ, vệ sinh, sơn quét vôi cho gần 40 ngàn mộ hài nhi để cho các bé có một tấm áo mới. Những chiếc om để chôn cất thai nhi cũng ngày càng được làm đẹp hơn, vì theo ông, trẻ con thường thích áo mới, thích những thứ xinh xắn, đẹp đẽ. Các con là những linh hồn thiệt thòi, vậy nên, ông ráng bù đắp trong khả năng của mình. Nhiều người thấy việc ông làm cũng ngỏ ý chung tay góp sức. Tuy vậy, suốt hơn 20 năm qua, ông không mở tài khoản ngân hàng, không dùng mạng xã hội và cũng không đặt hòm công đức ở nghĩa trang. “Vì tôi sợ trước đồng tiền, tôi sẽ không còn giữ được sự lương thiện nữa, không còn giữ được cái tâm trong sáng khi làm công việc được cha Đông tin tưởng giao cho”-ông Phụng bày tỏ.

Chị Trần Ngọc Bảo (đường Âu Cơ, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku): “Việc ông Nguyễn Phương Phụng làm là một hành động cao cả. Bởi đó là công việc rất hiếm người có thể làm, cần nhiều sự hy sinh về thời gian, công sức và cả tiền bạc mà không đòi hỏi sự đáp trả, đền đáp của bất kỳ ai”.

Cũng theo ông Phụng, nhiều người xin số tài khoản để gửi chút tấm lòng. Nhưng ông thường nói lại rằng, những gì ông và những người thiện tâm từng làm trước đó ở nghĩa trang đồng nhi này thì chỉ có trời đất mới trả lương nổi. Để có tiền duy trì cho “việc bao đồng” như mọi người thường nói, suốt 20 năm qua, ông được biết đến là người “thầu mộ” ở nghĩa trang thành phố. Từ nguồn thu nhập này, ông duy trì việc chăm sóc hàng chục ngàn mộ đồng nhi như hiện tại. Ông Phụng quan niệm: “Đã là một người đàn ông, dù có làm việc bao đồng gì thì làm, nhưng trước tiên phải lo được cho gia đình riêng của mình, rồi mới tới việc bên ngoài, nếu không làm được điều đó, việc anh làm sẽ ít có người tin. Tôi vui vì tuy hai vợ chồng không được học hành nhiều, nhưng 4 đứa con đều học giỏi, trong đó có 2 cháu tốt nghiệp đại học kinh tế, 1 là kỹ sư điện, còn 1 cháu hiện đang học lớp 10. Trời cũng cho tôi một người vợ tuyệt vời, luôn ủng hộ việc tôi làm. Đó cũng là phước báu của gia đình mà tôi nhận được”.

Sống phải biết sợ

Từ nguồn thông tin của những người chạy xe ôm, bán vé số, ông Phụng đã cứu sống được 25 đứa trẻ khi người mẹ lầm lỡ có ý định vứt bỏ. “Hơn 20 năm qua, tôi đã thuyết phục thành công 25 người mẹ trẻ, tuổi từ 16 đến 41 giữ lại con mình. Tôi trực tiếp cưu mang, giúp đỡ từ khi họ còn mang bầu cho đến khi mẹ tròn con vuông. Có người mẹ khi cho con bú mớm, cảm nhận sâu sắc tình mẫu tử thiêng liêng đã quyết định tiếp tục nuôi con. Còn các cháu bé không được may mắn như vậy, tôi gửi các cháu nương tựa dưới bóng từ bi của đức Phật trong các ngôi chùa. Có người sau nhiều năm dẫn con quay lại cảm ơn tôi. Nghe các cháu gọi mình là “ông ngoại”, tôi vô cùng xúc động. Nhưng sau một sự cố đáng tiếc cuối năm 2020, tôi quyết định dừng việc cưu mang, giúp đỡ này lại. Dù mình làm việc tốt nhưng trên hết phải thượng tôn pháp luật”-ông Phụng trải lòng.

Ông Phụng cho hay, trong thời gian dịch bệnh đã giảm hẳn tình trạng nạo phá thai. Suy ra, con người phải có cái gì đó để sợ. Nếu không sợ pháp luật thì phải sợ đạo đức, phải biết cúi đầu trước sự tử tế, thiện lương. Ông chia sẻ: “Năm ngoái, tôi bị nhồi máu cơ tim và tưởng chừng đã bước vào cửa tử. Nhưng tôi may mắn gặp được những người thầy thuốc giỏi, họ đã cứu sống tôi. Trước đây, tôi sợ mình gục ngã trước đồng tiền. Bây giờ, nỗi sợ lớn nhất của tôi là sức khỏe. Không có sức khỏe, mọi thứ sẽ trở nên vô nghĩa”.

Những nấm mộ mới vẫn không ngừng tăng lên ở nghĩa trang đồng nhi. Ảnh: Hoàng Ngọc

Những nấm mộ mới vẫn không ngừng tăng lên ở nghĩa trang đồng nhi. Ảnh: Hoàng Ngọc

Ông Phụng cho biết thêm, hàng năm, vẫn có những nhóm bạn trẻ từ các trường học, đoàn thể lên đây phụ giúp dọn dẹp nghĩa trang, nhất là khu vực phần mộ đồng nhi. Ông chia sẻ nhiều điều với các bạn trẻ về chuyện phải tự bảo vệ mình, về vấn đề đạo đức của tình trạng nạo phá thai. “Có những người mẹ đúng là vì bất đắc dĩ, vì vỡ kế hoạch nên mới buộc phải chối bỏ con mình. Còn phần lớn thai nhi bị vứt bỏ là từ lối sống không lành mạnh của thanh niên, từ sự thiếu hiểu biết về giới tính. Do đó, giáo dục giới tính, nâng cao hiểu biết, nhận thức cho thế hệ trẻ vẫn phải là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Giáo dục về vấn đề này đừng nên quanh co, lảng tránh, mà hãy đi thẳng vào vấn đề, nhìn thẳng vào sự thật tàn khốc mà hàng ngày chúng tôi đối mặt ở nghĩa trang đồng nhi này”-ông nói.

Day dứt trước vấn nạn nhức nhối của xã hội, ông cho rằng, việc mình đang làm chỉ là hạt cát nhỏ bé, có thể nói giúp ích cho đời nhưng cũng không giúp được gì cho ai. Bởi đây chỉ là phần ngọn, là hậu quả sau cùng của một vấn nạn nhức nhối của xã hội. “Gốc rễ của vấn đề chính là ý thức, trách nhiệm của mỗi người, toàn xã hội trong việc chung tay đẩy lùi nạo phá thai, nhất là ở lứa tuổi thanh-thiếu niên. Tôi rất mong đến ngày nào đó, tôi bỗng trở nên thất nghiệp, bởi đó là dấu hiệu đáng mừng, cho thấy tình trạng nạo phá thai đã thuyên giảm. Hết duyên với cái gì đó cũng đáng buồn nhưng hết duyên với công việc này đúng là đáng mừng”-ông Phụng bày tỏ.

Có thể bạn quan tâm