Công ty 75 giúp dân ổn định cuộc sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty 75 (Binh đoàn 15) đã có những cách làm hay, sáng tạo, phù hợp để giúp người dân trên địa bàn đứng chân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng vùng biên giới vững mạnh, bình yên.

Gặp chúng tôi trong chuyến công tác tại cơ sở, ông Vũ Mạnh Định-Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-chia sẻ: Mặc dù thời gian gần đây, giá mủ cao su xuống thấp, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn nhưng Công ty 75 vẫn luôn hướng về người dân địa phương và người lao động.

Ngoài hỗ trợ cây giống, phân bón, gạo, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và đào tạo tay nghề thợ cạo mủ, Công ty còn phân công cán bộ bám nắm buôn làng, tìm hiểu xem người dân đang thiếu gì, cần gì để lên kế hoạch giúp đỡ phù hợp. Mô hình “Cây lúa trên đất cao su tái canh” và gần đây nhất là phong trào “Tết quân dân”, “Chung tay vì trẻ em nghèo”, “Hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo” mang tính nhân văn sâu sắc.

Các mô hình, phong trào đã góp phần giúp người dân phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đồng thời, thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, gắn bó quân dân nơi phên giậu của Tổ quốc.

Cán bộ Công ty 75 hướng dẫn người lao động thu hoạch mủ cao su. Ảnh: Lê Quang Hồi

Cán bộ Công ty 75 hướng dẫn người lao động thu hoạch mủ cao su. Ảnh: Lê Quang Hồi

Những ngày này, trụ sở Công ty 75 chỉ có một số cán bộ trực giải quyết công việc, còn lại được tăng cường về các tổ đội sản xuất và buôn làng. Với đồng bào dân tộc thiểu số thì chỉ nói thôi là không đủ mà phải “cầm tay chỉ việc”. Vì thế, đội ngũ cán bộ Công ty đã xuống tận nơi hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc, thu hoạch cao su, hồ tiêu, cà phê, lúa nước.

Nhờ được Công ty 75 hướng dẫn, giúp đỡ, người dân các làng dân tộc thiểu số ở xã Ia Din (huyện Đức Cơ) đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Già làng Rơ Mah Pen (làng Nẻh) bộc bạch: “Cái mới nhất và thành công nhất của người Jrai mình là không những biết trồng, chăm sóc, thu hoạch cao su, cà phê, hồ tiêu… mà còn biết thay đổi phương thức sản xuất, thời gian lao động. Từ “phát, đốt, chọc, tỉa”, du canh du cư, họ đã chuyển sang nhận khoán vườn cây, làm vườn, chọn cây giống, bón phân để tăng năng suất. Ngày trước, bà con dân tộc mình sinh đẻ nhiều, nhưng nuôi con rất khó. Nay mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 2 đứa thôi, các cháu được chăm sóc, học hành chu đáo. Trước đây, bà con đi làm khi mặt trời đã lên cao, về khi mặt trời chưa trốn núi, không ai dám ra đường vào ban đêm, có bao nhiêu tiền tụ tập ăn uống hết, con cái thất học. Còn bây giờ, mọi người đi làm từ mờ sáng, có tiền đem gửi tiết kiệm, đầu tư sản xuất và cho con ăn học”.

Còn ông Kpuih Sinh (làng Ngol Rông, xã Ia Krêl) thì cho biết: “Làng mình đã có 120 người lao động được Công ty đào tạo nâng cao tay nghề cạo mủ cao su. Từ đói nghèo, lạc hậu, nay dân làng ai cũng có vườn cao su, cà phê, hồ tiêu… cho thu nhập cao”.

Cán bộ Công ty 75 hỗ trợ gạo cho người dân tộc thiểu số ở làng Lang, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ. Ảnh: Lê Quang Hồi

Cán bộ Công ty 75 hỗ trợ gạo cho người dân tộc thiểu số ở làng Lang, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ. Ảnh: Lê Quang Hồi

Vừa đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, Công ty 75 vừa thực hiện có hiệu quả công tác dân vận, an sinh xã hội, tham gia xây dựng hệ thống chính trị. Từ năm 2022 đến nay, Công ty 75 đã đào tạo cho gần 1.000 lượt thợ cạo là người dân tộc thiểu số tại chỗ; hỗ trợ 49 con bò giống trị giá gần 94 triệu đồng cho người dân; hỗ trợ 97 triệu đồng cho các em học sinh trong chương trình “Nâng bước em đến trường”; sửa chữa, nâng cấp đường giao thông, làm nhà tình nghĩa, nhà “Đại đoàn kết”, tổ chức ăn Tết với dân, tặng quà gia đình chính sách, người nghèo với tổng kinh phí trên 14,7 tỷ đồng.

Cùng với đó, Công ty còn tích cực hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số tổ chức một số lễ hội, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Năm 2022, Công ty 75 được Chính phủ tặng cờ thi đua vì đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện các mặt công tác, dẫn đầu phong trào “Thi đua quyết thắng” của toàn quân.

Đại tá Trịnh Hà Tâm-Giám đốc Công ty 75-cho biết: “Vượt lên trên khó khăn, chúng tôi đã tập trung chăm lo cuộc sống cho người lao động và đồng bào dân tộc thiểu số, giúp dân bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả nhất. Chúng tôi cũng luôn đặt lợi ích của người lao động lên trên hết, gần dân, trọng dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin nên nhiều việc tưởng khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với quốc phòng-an ninh đã sớm được tháo gỡ, giải quyết thành công. Tình cảm quân dân từ đó càng thêm gắn bó. Đến nay, 351 cặp hộ người Kinh và hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn đơn vị đứng chân đã tự nguyện gắn kết, giúp nhau phát triển kinh tế. Nhiều hộ dân tộc thiểu số nhận khoán vườn cây của Công ty, trồng thêm cao su, cà phê, hồ tiêu, chăn nuôi heo, bò nên có thu nhập 200-300 triệu đồng/năm. Kinh tế phát triển, bà con có điều kiện đầu tư cho sản xuất, chăm lo con em ăn học, mua sắm các phương tiện sinh hoạt bảo đảm cuộc sống. Bên cạnh đó, phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” được cán bộ, công nhân Công ty và người dân địa phương đồng tình hưởng ứng, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng vùng biên giới phát triển về kinh tế, mạnh về quốc phòng-an ninh”.

Có thể bạn quan tâm