Những cô đỡ tận tụy vì cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Hiện nay, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn thói quen sinh đẻ tại nhà. Chính vì vậy, đội ngũ cô đỡ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho thai phụ, giúp nhiều bà mẹ có thai kỳ an toàn và góp phần giảm thiểu tai biến sản khoa.

Hết lòng chăm sóc sức khỏe cho mẹ và bé

Đến nay, chị Hyen (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang) đã có 10 năm trong nghề cô đỡ. Chị Hyen thông tin: Xã Kon Chiêng hiện vẫn còn nhiều chị em phụ nữ sinh con tại nhà. Với mong muốn góp phần giúp người dân được chăm sóc sức khỏe và giảm thiểu tai biến sản khoa cho mẹ và bé, chị đã theo học khóa đào tạo cô đỡ thôn bản. Từ năm 2013 đến nay, chị đã chăm sóc sức khỏe thai kỳ cho hàng trăm phụ nữ và đỡ đẻ tại nhà cho hơn 100 ca, tất cả đều an toàn. “Đa số thai phụ chọn sinh tại nhà là vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, xa cơ sở y tế và một phần vì thói quen chưa thay đổi được. Tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động phụ nữ mang thai nên đến cơ sở y tế sinh con để được chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất. Tuy nhiên, nếu họ vẫn muốn sinh con tại nhà thì tôi sẽ hỗ trợ khám thai, chăm sóc sức khỏe và đỡ đẻ nếu thai thuận. Đối với các ca khó thì tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ chuyển lên tuyến trên để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé”-chị Hyen cho hay.

Cũng vì mục đích giúp chị em phụ nữ sinh con an toàn, đến nay, bà Siu Khang (làng Plei Bông, xã Ayun, huyện Mang Yang) đã có thâm niên 30 năm làm cô đỡ. Bà Khang từng chứng kiến nhiều thai phụ sinh đẻ tại nhà gặp tai biến, có ca tử vong cả mẹ và con. Vì vậy, năm 1993, sau khi hoàn thành khóa đào tạo, bà trở thành cô đỡ thôn bản và theo nghề cho đến nay. “30 năm qua, tôi không nhớ đã đỡ cho bao nhiêu ca. Trước thì rất nhiều người sinh con tại nhà nhưng nay thì ít hơn. Những năm gần đây, mỗi năm, tôi đỡ cho khoảng 20 ca, tất cả đều an toàn. Công việc không có thu nhập gì, nhiều thai phụ gia đình khó khăn, tôi còn tự bỏ tiền túi ra mua dụng cụ để đỡ đẻ cho họ. Việc làm không lương, vất vả, thời gian bất chợt… nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc vì mình giúp được mọi người và tự nhủ lòng còn sức khỏe là còn gắn bó với nghề”-bà Khang thổ lộ.

Bà Siu Khang (ngoài cùng bên phải) đã có 30 năm gắn bó với nghề cô đỡ thôn bản. Ảnh: Như Nguyện

Bà Siu Khang (ngoài cùng bên phải) đã có 30 năm gắn bó với nghề cô đỡ thôn bản. Ảnh: Như Nguyện

Một tấm gương sáng khác là chị Rmah Hbem (buôn Plei Kte Lớn A, xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện). Chị cũng đã có 18 năm gắn bó với nghề cô đỡ và đã chăm sóc sức khỏe ban đầu, đỡ đẻ thành công cho hàng trăm thai phụ. Riêng năm 2022, chị Hbem đã đỡ đẻ tại nhà 17 ca, vận động 19 ca đi bệnh viện. Vốn mát tay lại thạo nghề nên chị Hbem được mọi người tin tưởng. “18 năm gắn bó với nghề, mình đã đỡ thành công cho nhiều ca, trong đó có nhiều ca khó không kịp đến bệnh viện. Công việc này là tự nguyện, nhiều lúc 2-3 giờ sáng có người nhờ là mình đến ngay. Nhiều khi đêm hôm mưa gió, đi một mình sợ thì nhờ chồng chở. Dù vất vả nhưng gia đình luôn ủng hộ, động viên giúp mình an tâm, gắn bó với nghề”-chị Hbem bày tỏ.

Tăng cường mạng lưới cô đỡ thôn bản

Từ sáng kiến của Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng-nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) về hỗ trợ thực hiện chương trình đào tạo 500 cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số, đến nay, tỉnh Gia Lai đã xây dựng được đội ngũ cô đỡ lành nghề, góp phần chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bà mẹ, trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với phương pháp “cầm tay chỉ việc”, tập trung đào tạo kỹ năng thực hành, thời gian đào tạo từ 3 đến 6 tháng, từ năm 1998 đến nay, toàn tỉnh đã đào tạo được trên 200 cô đỡ; trong đó hơn 100 người được đào tạo tại Bệnh viện Từ Dũ. Đội ngũ cô đỡ đã góp phần chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho các thai phụ tại cộng đồng và góp phần giảm thiểu tai biến sản khoa trong thời gian qua.

Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng-nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) hàng năm đều có chuyến thăm, tặng quà, động viên các cô đỡ thôn bản tại Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện

Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng-nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) hàng năm đều có chuyến thăm, tặng quà, động viên các cô đỡ thôn bản tại Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong năm 2022, toàn tỉnh có 2.216 phụ nữ có thai được cô đỡ thôn bản thăm khám, 226 phụ nữ mang thai có nguy cơ cao được cô đỡ thôn bản phát hiện; 860 phụ nữ có thai được cô đỡ giới thiệu đến cơ sở y tế; 129 trường hợp phụ nữ sinh đẻ tại cơ sở y tế, 16 trường hợp đẻ rơi được cô đỡ hỗ trợ và nhiều trường hợp bà mẹ sau sinh, trẻ sơ sinh có dấu hiệu nguy hiểm được cô đỡ thôn bản chuyển tuyến trên cấp cứu kịp thời.

Là một trong những thai phụ được cô đỡ chăm sóc sức khỏe ngay từ những ngày đầu mang thai, chị Hthá (làng Mrông Yố 2, xã Ia Ka, huyện Chư Păh) đã có thai kỳ an toàn và sinh con khỏe mạnh. Chị Hthá chia sẻ: “May mắn là làng mình có cô đỡ Rơ Châm Alui rất nhiệt tình, quan tâm và luôn thăm hỏi tình hình thường xuyên. Trong thời gian mang thai, mình có gì không hiểu đều được cô đỡ Alui tận tình hướng dẫn, hỗ trợ nên mình rất cảm kích”. Còn chị Xáp (làng Kon Cha Ră, xã Hà Ra, huyện Mang Yang) thì cho biết: Vì điều kiện khó khăn nên nhiều thai phụ vẫn chọn sinh con tại nhà. Nhờ có đội ngũ cô đỡ chăm sóc, hỗ trợ nên các ca đều “mẹ tròn con vuông”, ca nào khó thì mới chuyển đến cơ sở y tế. “Trong thời gian thai kỳ, tôi được cô đỡ tư vấn kỹ càng, khám thai chu đáo. Do tôi sinh non nên bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi tỉnh để chăm sóc”-chị Xáp chia sẻ.

Ông Đinh Hà Nam-Phó Giám đốc Sở Y tế-nhận xét: Các cô đỡ thôn bản đều là người địa phương nên hiểu được phong tục tập quán của người dân, thông thạo địa bàn nên thuận lợi trong việc tư vấn chăm sóc thai kỳ, tuyên truyền, vận động các bà mẹ đến khám thai, hướng dẫn giúp họ phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm của mẹ và con trong quá trình mang thai, chuyển dạ… Đa số cô đỡ còn trẻ nên năng nổ, nhiệt tình trong công tác. Nhờ có họ mà các ca tai biến sản khoa do sinh đẻ tại nhà được kéo giảm rất nhiều. Sự đóng góp của các cô đỡ thôn bản rất đáng biểu dương và ghi nhận.

Có thể bạn quan tâm