“Mẹ hiền” của học trò vùng khó

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hồi trống tan trường vang lên, cô Nguyễn Thị Như Yến-giáo viên Trường Tiểu học và THCS Lê Quý Đôn (xã Yang Trung, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) lại đưa những học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc chưa thông thạo tiếng Việt về nhà dạy miễn phí. Công việc này đã được cô tự nguyện duy trì suốt 16 năm qua với ước mong thắp sáng tương lai cho học trò vùng khó.

Tâm huyết với nghề

Qua lời giới thiệu của ông Nguyễn Chí Thanh-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kông Chro, tôi tìm đến điểm Trường Tiểu học và THCS Lê Quý Đôn để gặp cô Nguyễn Thị Như Yến. Cô Yến đang say sưa bên những trò nhỏ với bài tập đọc “Mùa vàng” trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2. Thỉnh thoảng, cô dừng lại, nhỏ nhẹ hỏi học sinh xem chỗ nào đọc được hay từ nào chưa hiểu nghĩa.

Yêu nghề “gõ đầu trẻ” từ thuở bé nên sau khi hoàn thành chương trình bậc THCS, cô Yến quyết định theo học sư phạm tiểu học hệ 9+3 tại Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Năm 2000, cô Yến đạp xe hơn 30 km từ quê nhà Cư An (huyện An Khê cũ, nay thuộc huyện Đak Pơ) vào Kông Chro nộp hồ sơ xin việc. Trúng tuyển, cô được phân công về giảng dạy tại Trường Tiểu học xã Đak Tơ Pang (nay là Trường Tiểu học và THCS Lê Lợi). Tâm nguyện mang con chữ đến với học trò vùng khó của cô giáo trẻ đã trở thành hiện thực.

Với em Đinh Thị Tâm, cô Nguyễn Thị Như Yến như người mẹ hiền thứ hai. Ảnh: Mộc Trà

Với em Đinh Thị Tâm, cô Nguyễn Thị Như Yến như người mẹ hiền thứ hai. Ảnh: Mộc Trà

Cô Yến hồi tưởng: “Tôi vẫn nhớ như in ngày đầu vào trường nhận công tác. Chiếc xe máy cà tàng của anh trai tôi thỉnh thoảng phải rồ ga khổ sở mới vượt qua được đoạn đường đồi dốc. Còn tôi, mỗi khi xe len lỏi trên cung đường với một bên là núi cao, một bên là vực thẳm thì tim lại đập liên hồi, 2 tay cứ víu chặt vào anh mình. Thế mà đi riết rồi thành quen, chẳng biết sợ là gì nữa. Ngôi trường nơi tôi dạy khi đó chỉ là căn nhà với những phòng học được dựng lên tạm bợ bằng tranh tre, nứa lá. Trời nắng thì nóng bức mà mưa xuống thì dột tứ bề. Học sinh chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn vô vàn thiếu thốn. Khác xa với trí tưởng tượng của tôi, các em ngày ngày đến lớp với đầu trần, chân đất, quần áo lếch thếch, gương mặt nhem nhuốc... Chưa kể, ngôn ngữ giao tiếp trở thành rào cản lớn giữa cô và trò”.

Trước những thách thức ấy, cô Yến không nản chí mà còn lấy đó làm động lực để bản thân cố gắng nhiều hơn vì trò nghèo. 3 năm đầu với vai trò giáo viên Tổng phụ trách Đội, cô đã tự học tiếng Bahnar, dành thời gian đến các gia đình chuyện trò, tạo sự gần gũi, gắn kết giữa giáo viên với học sinh và phụ huynh; từ đó, cùng nhà trường làm tốt công tác huy động học sinh ra lớp. Chưa dừng lại ở đó, nhờ hiểu rõ hoàn cảnh từng học trò, cô Yến còn tích cực vận động người thân, bạn bè, các nhà hảo tâm hỗ trợ nhu yếu phẩm, sách vở, quần áo cũ… cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Khi chuyển sang đảm nhận nhiệm vụ chủ nhiệm lớp ở điểm trường làng, cô Yến lại trở thành người mẹ hiền của học trò nơi đây khi sẵn sàng đồng hành với các em từ việc ăn uống, vệ sinh, tắm rửa, cắt tóc đến học tập và rèn luyện kỹ năng sống mỗi ngày. Đáng chú ý, lớp dạy chữ miễn phí của cô giáo Yến tại trường đã giúp nhiều học trò Bahnar dần thông thạo tiếng Việt.

“Nhà ở cách xa trường, điều kiện đi lại khó khăn nên tôi xin Ban Giám hiệu được ở lại khu tập thể. Thương tụi nhỏ nên tôi luôn mong muốn làm điều gì đó để giúp các em có cơ hội đổi đời. Do đó, thời gian rảnh, tôi vận động học sinh đến lớp tập đọc, rèn chữ với cô. Dân làng thấy thế cũng rất ủng hộ, cho con em đi học ngoài giờ. Lớp học từ chỗ chỉ có lác đác vài em rồi dần đông, không chỉ diễn ra ban ngày mà còn vào cả buổi tối. Quý nhất là em nào cũng học ngoan, còn bà con thì vô cùng tình cảm. Mỗi khi nhà có mớ rau, con cá, họ lại mang sang gửi tặng cô giáo”-cô Yến nhắc nhớ.

Cô Yến trong một giờ lên lớp. Ảnh: Mộc Trà

Cô Yến trong một giờ lên lớp. Ảnh: Mộc Trà

“Cô giáo như mẹ hiền”

Tháng 9-2004, cô Yến luân chuyển công tác về Trường Tiểu học xã Yang Trung (hiện là Trường Tiểu học và THCS Lê Quý Đôn). Môi trường giáo dục có phần thuận lợi hơn, song biến cố xảy ra với gia đình khi cô phát hiện đứa con trai đầu lòng mới ra đời đã mắc bệnh tim bẩm sinh. Vài tháng sau, chồng cô lại không may gặp tai nạn, bị liệt tay bên trái. Bỗng chốc, cô Yến trở thành trụ cột của gia đình, mọi thứ đều đổ dồn lên đôi vai người phụ nữ. Đáng quý là, giữa lúc băn khoăn nhất, chính chồng cô đã thấu hiểu, động viên, khích lệ và đồng hành cùng vợ viết nên những câu chuyện đẹp về tình cô trò.

“Được sự đồng thuận của ông xã, kể từ năm 2007, tôi bắt đầu đón một vài học sinh lớp 1, 2 trong lớp mình chủ nhiệm về nhà kèm cặp. Thông thường, sau giờ tan trường của ngày thứ sáu, các em sẽ tới nhà tôi ăn ở và học tập; đến chiều chủ nhật, phụ huynh sẽ qua đón. Cứ xoay vòng, nhóm này tiến bộ rồi sẽ đến nhóm khác. Vì còn nhỏ tuổi, lại chưa xa bố mẹ bao giờ nên lúc đầu các bé khá nhút nhát. Tuy nhiên, sau một vài buổi, có em đã tự giác xin sang nhà cô ở và học hành rất chăm ngoan”-cô Yến tâm sự.

Em Đinh Thị Tâm (lớp 2A) được cô Yến đưa về nhà dạy học đã 2 năm nay. Nhà Tâm thuộc diện hộ nghèo, đông anh em; mẹ hay đau ốm, bố lại đi làm xa nên hầu như chẳng ai mảy may để ý đến việc học hành của em. Nhà cách trường 4 km, chẳng có phương tiện đi lại nên Tâm thường xuyên nghỉ học. Vì thế, khả năng tiếp thu của em cũng chậm hơn các bạn, lực học ngày càng yếu dần. Thương trò, cô Yến quyết định tìm gặp, trao đổi với phụ huynh để đưa Tâm về nhà chăm sóc, kèm cặp thêm vào mỗi dịp cuối tuần và cả kỳ nghỉ hè năm lớp 1. Nhờ sự tận tâm của cô, đến nay, em đã tiến bộ rõ rệt. “Cô giáo Yến thương em lắm. Cô chở em về nhà, nấu cho em nhiều món ăn ngon và giúp em tập đọc, viết chữ. Khi em bị ốm, cô còn đưa em tới bệnh viện và chăm sóc tận tình. Em sẽ cố gắng học thật tốt để không phụ lòng cô”-Tâm thủ thỉ.

Ngoài Tâm, cô Yến cũng đồng thời rèn kỹ năng đọc, viết cho 2 học sinh khác cùng lớp là Nguyễn Ngọc Hoài An và Trần Thị Phương Thảo. “An nói ngọng, trong khi Thảo thì bị cứng lưỡi, phát âm khó. Để 2 bé phát âm chuẩn tiếng Việt, đọc thông viết thạo như bây giờ là cả một quá trình gian nan. Nhìn học sinh tiến bộ từng ngày, với một giáo viên như tôi, đó là niềm hạnh phúc khôn tả”-cô Yến bộc bạch.

Cô Yến giúp học trò viết chữ trên bảng con. Ảnh: Mộc Trà

Cô Yến giúp học trò viết chữ trên bảng con. Ảnh: Mộc Trà

Thầy Lê Hoàng Tiến-Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Lê Quý Đôn: Cô Nguyễn Thị Như Yến là giáo viên có năng lực chuyên môn tốt, tinh thần trách nhiệm cao và đầy tận tâm với học trò. Tỷ lệ học sinh lên lớp ở lớp cô Yến chủ nhiệm hàng năm đạt 100%; tỷ lệ học sinh nhận khen thưởng cũng cao hơn các lớp cùng khối. Nhiều năm liền, cô Yến được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua, Lao động tiên tiến cấp cơ sở, giáo viên dạy giỏi các cấp.

Phấn khởi trước sự tiến bộ của con gái Nguyễn Ngọc Hoài An trong học tập, anh Nguyễn Văn Hoán (thôn 2, xã Đak Pơ Pho, huyện Kông Chro) chia sẻ: “Gần 3 tuổi, bé An mới bập bẹ nói và cứ ngọng nghịu mãi cho tới năm vào lớp 1. Vợ chồng tôi lo lắng không biết phải làm sao. Đến khi cô Yến ngỏ lời đưa An về nhà để giúp con rèn lại phát âm và viết chữ, chúng tôi mừng lắm. Nhờ sự tận tình chỉ dạy, giúp đỡ của cô giáo, con gái tôi hiện nay đã đọc tương đối chuẩn và nhanh; thậm chí còn mạnh dạn xung phong đọc bài chứ không tự ti như trước nữa. Gia đình biết ơn cô Yến rất nhiều”.

Khi được hỏi, cô Yến chia sẻ, cô cũng không nhớ rõ mình đã đưa bao nhiêu học trò về nhà dạy chữ mà chỉ mong bản thân luôn có thật nhiều sức khỏe để đồng hành cùng các em trên hành trình chinh phục giấc mơ con chữ và hướng đến một tương lai tươi sáng hơn.

Có thể bạn quan tâm