Gia Lai có tiềm năng, lợi thế lớn về sản xuất nông nghiệp, nhất là ngành trồng trọt với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất thực tế chưa tương xứng do phương thức canh tác còn dựa vào sức người. Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, những năm qua, các địa phương đã đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu làm đất, chế biến, bảo quản sau thu hoạch… nhằm từng bước giải phóng sức lao động con người, giảm chi phí, tổn thất sau thu hoạch, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và PTNT, đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có khoảng 273.770 máy móc, thiết bị và động cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong đó, máy dùng trong sản xuất nông nghiệp là 265.255 chiếc, lâm nghiệp 8.123 chiếc, thủy sản 392 chiếc, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2016.
Từ khi đưa máy móc vào sản xuất, ông Trần Nhật Lâm (thôn 4, xã An Phú, TP. Pleiku) nhận thấy hiệu quả nâng lên rõ rệt. “Tôi gieo trồng 6 sào lúa nước và gần 5 sào hoa màu. Những năm gần đây, nhờ áp dụng cơ giới trong các khâu từ làm đất đến thu hoạch nên chi phí sản xuất, sức lao động giảm đáng kể, trong khi năng suất, lợi nhuận tăng lên. Vụ Đông Xuân vừa rồi, mỗi sào lúa tôi thuê máy gặt chỉ tốn có 300 ngàn đồng, giảm gần 1 triệu đồng/sào so với thuê công gặt trước đây, chưa kể còn tiết kiệm thời gian nữa”-ông Lâm phấn khởi cho hay.
Không chỉ cơ giới hóa sản xuất cho gia đình, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn đầu tư máy móc làm dịch vụ đem lại nguồn thu nhập ổn định.
Tương tự, ông Hoàng Duy Hoàn (thôn Yên Phú, xã Chrôh Pơnan, huyện Phú Thiện) cũng khẳng định: “Hầu hết người dân trên địa bàn đều sử dụng máy móc để gieo trồng mía, mì, vừa đảm bảo mật độ, vừa giảm chi phí sản xuất. Việc sử dụng máy cày giúp đất tơi xốp hơn, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Tôi đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư mua máy móc, thiết bị vừa phục vụ sản xuất 7 ha mía của gia đình, vừa làm dịch vụ”.
Bên cạnh đó, tỉnh đã khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo hướng hiện đại, khép kín và bền vững tại vùng nguyên liệu. Cụ thể như: chuỗi liên kết sản xuất mía đường khép kín của Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai; sản xuất gỗ rừng trồng của Công ty MDF; sản xuất, chế biến rau, quả xuất khẩu của Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả Doveco Gia Lai… và sự liên kết sản xuất của nông dân với một số doanh nghiệp vừa và nhỏ khác đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Ông Y Nguyên Ênuôl-Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Chính sách cơ giới hóa đã thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân trong tỉnh. Song nhìn chung, các khâu trong cơ giới hóa chưa đủ mạnh, chưa đáp ứng nhu cầu về sản xuất, chế biến nông-lâm sản; tỷ lệ cơ giới hóa ở một số khâu còn thấp như gieo cấy, chăm sóc, chế biến tinh. Thiết bị cơ giới chủ yếu do hộ gia đình và doanh nghiệp đầu tư hoặc Nhà nước hỗ trợ thông qua hoạt động khuyến công, hỗ trợ lãi suất.
Ông Phạm Ngọc Nghĩa-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai (huyện Phú Thiện) chia sẻ: “Hiện nay, Hợp tác xã đã thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất lúa nước ở nhiều khâu từ làm đất, thu hoạch, sơ chế và bảo quản. Thời gian tới, Hợp tác xã tiếp tục đầu tư thêm thiết bị máy bay không người lái để tăng hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của Hợp tác xã là thiếu vốn đầu tư, nhất là khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi”.
Theo ông Nguyễn Văn Tâm-chủ Siêu thị máy cày Chí Tâm (số 719 Lê Duẩn, xã Chư Á, TP. Pleiku) thì: Những năm 90 của thế kỷ trước, trên địa bàn tỉnh có rất ít máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, các thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp rất đa dạng, phong phú, góp phần giải phóng sức lao động con người. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, cơ sở bán được 2-3 thiết bị. “Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp hiện đã tăng cao hơn trước đây rất nhiều, song nguồn cung cấp vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Vì vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục cập nhật, hoàn thiện, đa dạng các sản phẩm máy móc phục vụ các khâu trong sản xuất nông nghiệp để cung cấp cho người dân”-ông Tâm nói.
Trao đổi với P.V, ông Vũ Ngọc An-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Những năm qua, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về chủng loại, góp phần giải quyết các khâu lao động nặng nhọc, bảo đảm tính thời vụ, tăng năng suất lao động, giảm tổn thất sau thu hoạch. Việc áp dụng cơ giới hóa xuất hiện ở hầu hết các khâu và không ngừng tăng qua các năm. Bên cạnh các doanh nghiệp quan tâm đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn thì nhiều hộ dân cũng đã đầu tư cơ giới hóa sản xuất của gia đình. Dù vậy, quá trình thực hiện cũng gặp khó khăn như: diện tích sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; thiếu vốn đầu tư. Bên cạnh đó, mức độ cơ giới hóa ở một số khâu vẫn còn thấp như gieo trồng, sơ chế; hầu hết máy làm đất có công suất nhỏ, chủ yếu phục vụ quy mô hộ gia đình.
“Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất. Đồng thời, phổ biến cơ chế chính sách hỗ trợ để các tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư cơ giới hóa sản xuất nông-lâm nghiệp. Đặc biệt, tập trung kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng của tỉnh… để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin thêm.