Tin tức

"Cơn khát" gỗ của Trung Quốc càn quét những cánh rừng ở Nga

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Làn sóng đổ bộ của người Trung Quốc vào khu vực Siberia để khai thác gỗ đã dẫn đến những tác động tiêu cực và phản ứng bất mãn của người dân Nga. 
 
Những cánh rừng ở Siberia là nơi thỏa mãn “cơn khát” gỗ của Trung Quốc. (Ảnh: New York Times)
Trong suốt những ngày hè dài tại Siberia, những xe tải chở gỗ ầm ầm di chuyển ra khỏi khu rừng bạt ngàn cây thông, cây bạch dương, bao quanh những nhà máy gỗ do người Trung Quốc vận hành. Họ gần như không thể tin vào vận may của mình.
“Mọi thứ ở đây đều của người Trung Quốc”, Wang Yiren, một quản lý kho gỗ, cho biết khi chỉ vào một vài trong số hàng trăm nhà máy gỗ mọc lên dọc tuyến đường cao tốc xuyên Siberia trong những năm qua.
“Cơn khát” gỗ của người Trung Quốc đã mang lại việc làm và tiền bạc cho khu vực này, song cũng góp phần biến Nga trở thành nước dẫn đầu thế giới về tình trạng phá rừng, từ đó làm dấy lên lo ngại rằng những khu vực khai thác gỗ Siberia rốt cuộc sẽ không còn kế sinh nhai.
Mặc dù khai thác ồ ạt tại Nga, song tất cả dây chuyền sản xuất các sản phẩm gỗ tiêu dùng đều được thực hiện tại Trung Quốc, nơi hạn chế chặt chẽ việc khai thác gỗ để bảo tồn các khu rừng còn lại của nước này. Điều này có vẻ bất lợi cho Nga, tuy nhiên chính quyền Nga dường như vẫn chấp nhận. Trong bối cảnh phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây, Moscow buộc phải tìm cách thắt chặt hơn nữa quan hệ kinh tế với Bắc Kinh.
Theo số liệu thống kê thương mại của Nga, xuất khẩu gỗ từ Nga sang Trung Quốc tăng lên 3,5 tỷ USD vào năm 2018,  so với mức 2,2 tỷ USD hồi năm 2013. Sau quá trình chế tác, Trung Quốc lại xuất khẩu các các sản phẩm làm từ gỗ của Nga như đồ nội thất, cánh cửa, sàn nhà, ốp và các hàng hóa thành phẩm khác trên khắp thế giới.
 
Công nhân từ khu vực Trung Á làm việc bên trong một nhà máy gỗ của người Trung Quốc tại Kansk, Nga. (Ảnh: New York Times)
Mặc dù cơn sốt gỗ của người Trung Quốc đã thúc đẩy nền kinh tế địa phương tại Siberia, song nó cũng gây ra tâm lý phẫn nộ, cho thấy cả triển vọng cũng như những cạm bẫy của một mô hình kinh tế với tác động vượt ra ngoài phạm vi của một khu vực xa xôi như Siberia. Trong bối cảnh cả hai đều có tranh chấp với Mỹ, chính quyền Nga và Trung Quốc đã hợp tác với nhau trong mặt trận chung chống lại Washington.
Đã có những lo ngại về nguy cơ hủy hoại môi trường do hoạt động khai thác gỗ ở Siberia gây ra. Tuy nhiên, tác động về khí hậu thậm chí còn khó đo lường hơn. Nga thường xuyên dẫn đầu thế giới về tình trạng cạn kiệt tài nguyên rừng. Năm ngoái, Nga mất 6,5 triệu hecta rừng, so với 3,6 triệu hecta rừng bị mất tại Amazon.
Theo Irina Avdoshkevich, một thành viên hội đồng thành phố Kansk và là người phản đối sự đầu tư từ Trung Quốc, chỉ tính riêng tại Kansk, một trung tâm khai thác gỗ với khoảng 100.000 dân, khoảng 100 nhà máy gỗ do Trung Quốc vận hành đã mọc lên trong vòng 5 năm qua.
Dường như mọi con đường tại thành phố này đều dẫn tới những xưởng gỗ, những đống mùn cưa và gỗ khổng lồ.
Trung Quốc đầu tư vào các nhà máy gỗ để cưa các cây gỗ thô thành các tấm gỗ xẻ. Tuy nhiên, đó chỉ là một mặt của ngành công nghiệp gỗ vốn được xem là trụ cột của nền kinh tế địa phương. Các nhà máy Trung Quốc còn xử lý gỗ vụn và mùn cưa thành các ván ép, vật liệu cách nhiệt và các sản phẩm khác.
Wang, một người có khả năng nói tiếng Nga trôi chảy và đang giám sát một xưởng gỗ, cho biết ông đã thuê khoảng 50 người Nga để làm việc.
“Việc này có thể sẽ kéo dài thêm 5 năm nữa”, Wang nói về cơn sốt khai thác gỗ của Trung Quốc tại Nga. “Sau đó, người Nga sẽ bắt đầu suy tính, và họ sẽ cấm khai thác gỗ”, Wang nhận định.
 
Wang Yiren, một quản lý xưởng gỗ người Trung Quốc, đứng trước đống gỗ được tập kết tại Kansk trước khi chuyển về Trung Quốc. (Ảnh: New York Times)
Người dân tại Kansk không hài lòng khi các nhà đầu tư mới từ Trung Quốc quyết định không hồi sinh nhà máy xử lý sinh hóa Kansk từ thời Liên Xô, nơi từng sản xuất ethanol từ vụn gỗ. Về mặt lý thuyết, Ethanol thường được sử dụng cho mục đích công nghiệp, tuy nhiên người dân địa phương vẫn ưa thích đồ uống này như một loại rượu, hay còn gọi là vodka gỗ.
“Cả thành phố này uống thứ rượu đó. Thật hổ thẹn khi loại rượu này không còn nữa”, Sergey Solovyov, một thợ đốn gỗ Nga, nói.
Dưới sự quản lý của Trung Quốc, nhà máy gỗ từ thời Liên Xô, nơi cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các lò chưng cất rượu, đã trở thành khu vực tập kết của các đống mùn cưa. Những đống mùn cưa này đã bốc cháy trong một vụ hỏa hoạn vào năm 2017. Đám cháy lan rộng khắp khu vực dân cư khiến hơn 50 ngôi nhà bị thiêu rụi và tàn phá thành phố được Trung Quốc đầu tư.
Là thành viên của hội đồng thành phố Kansk, bà Avdoshkevich đã yêu cầu cảnh sát và giới chức phụ trách cứu hỏa, những người có trách nhiệm báo cáo cho chính quyền trung ương Nga, can thiệp. Tuy nhiên, chính quyền cuối cùng không vẫn làm gì để điều chỉnh các nhà máy gỗ của Trung Quốc.
“Chúng tôi hiểu rằng chúng ta cần đầu tư. Nhưng nếu chúng ta đã quyết định trở thành bạn bè, thì nên ngang bằng nhau. Bạn được nhận thứ gì đó, và tôi cũng được nhận”, bà Avdoshkevich nói.
Tuy nhiên, theo bà Avdoshkevich, các ông chủ gỗ Trung Quốc chỉ tìm cách vận chuyển về Trung Quốc nhiều gỗ nhất có thể, trong thời gian nhanh nhất có thể, mà không đầu tư vào hoạt động sản xuất cũng như quan tâm tới thiệt hại về môi trường tại Nga.
“Tôi là một người dân của thành phố. Tại sao tôi phải chịu đựng những đống rác này, những đám cháy này?”, bà Avdoshkevich đặt câu hỏi.
 
Đống gỗ phế liệu bốc cháy tại ngoại ô Kansk (Ảnh: New York Times)
Tuy nhiên, khi không có sự hậu thuẫn từ chính quyền Nga, chiến dịch của bà Avdoshkevich nhằm phản đối các hoạt động khai thác gỗ của Trung Quốc vẫn đi vào ngõ cụt.
Eduard Maltsev, một người dân địa phương, từng làm công việc đưa gỗ vào máy cưa bên trong một nhà máy. Thời điểm đó anh kiếm được 230 USD/tháng, một khoản thu nhập tương đối ổn. Tuy nhiên, nhà của Maltsev bị cháy trong vụ hỏa hoạn năm 2017. Người quản lý Trung Quốc đã nhanh chóng rời khỏi thành phố và Maltsev không nhận được tiền bồi thường. Người đàn ông này bây giờ làm tài xế xe buýt.
“Một điểm tích cực là họ đã mang lại việc làm”, Maltsev nói về người Trung Quốc. Tuy nhiên cũng như nhiều người dân tại các thành phố khai thác gỗ ở Siberia, Maltsev bây giờ coi sự thống trị của Trung Quốc trong ngành công nghiệp khai thác gỗ tại Siberia là động thái đáng lo ngại.
“Đó là sự hủy hoại và nguy hiểm”, Maltsev nhận định.
Thành Đạt (Dân trí/Theo New York Times)

Có thể bạn quan tâm