Thời sự - Bình luận

Công bằng với người nộp thuế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại phiên họp Quốc hội vào tháng 5-2023, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đề nghị Chính phủ cần sớm sửa chính sách về thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Bà Thanh Mai cho rằng mức giảm trừ gia cảnh hiện tại là 15,4 triệu đồng (gồm giảm trừ cá nhân 11 triệu đồng và giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu đồng) duy trì từ tháng 7-2020 đến nay không còn phù hợp, tạo ra sự thiếu công bằng với các đối tượng nộp thuế. Với những người sống tại các khu đô thị, chi phí cuộc sống nhiều hơn khi giá thuê nhà, phòng trọ, tiền điện nước, hàng hóa dịch vụ đều tăng. Nhiều gia đình, nhất là tại các thành phố lớn, thì mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không đủ để đáp ứng chi tiêu cơ bản, vì vậy cần điều chỉnh về thuế TNCN cho phù hợp.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng bất cập dễ thấy là mức giảm trừ gia cảnh không dựa vào mức sống tối thiểu, thu nhập bình quân đầu người, cũng không căn cứ vào mức lương tối thiểu chung và mức lương tối thiểu theo vùng. Điều vô lý nữa là mức lương tối thiểu theo 4 vùng chênh nhau gần 1,5 lần nhưng mức thu nhập khởi điểm đóng thuế và giảm trừ gia cảnh lại bằng nhau.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, với mức giảm trừ hiện nay, người có thu nhập từ tiền lương, tiền công 17 triệu đồng/tháng (nếu có một người phụ thuộc) hay 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) cũng chưa phải nộp thuế TNCN. Trường hợp cá nhân có thu nhập lớn hơn các mức trên (17 triệu đồng và 22 triệu đồng/tháng), nếu có ít nhất một người phụ thuộc, số thuế phải nộp cũng rất nhỏ so với thu nhập. Người có thu nhập 40 triệu đồng/tháng thì số thuế TNCN phải nộp là 6,61%/thu nhập (2,44 triệu đồng); người có thu nhập 60 triệu đồng/tháng thì số thuế phải nộp là 11,86%/thu nhập (7,1 triệu đồng); thu nhập 80 triệu đồng/tháng thì nộp thuế 15,74%/thu nhập (12,6 triệu đồng).

Thực tế những năm qua, nhiều gia đình công nhân - lao động cuộc sống vẫn còn vất vả nhưng vẫn phải nộp thuế TNCN, nhiều gia đình chỉ có mức sống trung bình khá nhưng phải chịu thuế suất lũy tiến ở mức rất cao 20%-30%, trong khi mức này dành cho những người giàu có, khá giả mới là phù hợp. Hơn nữa, thuế TNCN là một trong 3 sắc thuế đóng góp lớn nhất vào thu ngân sách nhà nước hằng năm, với 110.000 tỉ đồng, chiếm 10% tổng thu cân đối ngân sách của năm 2021. Người làm công ăn lương là đối tượng đóng góp nhiều nhất về thuế TNCN, họ đóng góp đến 70% nguồn thu thuế TNCN.

Đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách nhưng chính sách thuế với họ như phân tích ở trên là còn nhiều bất cập, không hợp lý, không công bằng với nhóm đối tượng này.

Trong thời gian tới, Luật Thuế TNCN sẽ là một trong 6 luật sẽ được sửa đổi. Người dân luôn mong chờ các cơ quan hữu trách xem xét để điều chỉnh, xây dựng Luật Thuế TNCN với những quy định tiến bộ, công bằng; lấp được những kẽ hở như hiện nay, các quy định của luật phù hợp thực tiễn và tính khả thi cao, được người dân đồng thuận, tạo thêm động lực cho sự phát triển.

Có thể bạn quan tâm