Những ngày đầu hạ cuối xuân, bình thường chứng kiến những nụ cười tỏa nắng nơi các công viên, bảo tàng và sân chơi cho trẻ em trên khắp nước Mỹ, nhưng nay đang chiếm sóng truyền thông và trong xã hội là những cảnh tượng của sự chia rẽ.
Người biểu tình tại thủ đô Washington, Mỹ, ngày 6-6 - Ảnh: AP |
Biểu tình liên quan vụ George Floyd, một công dân người Mỹ gốc Phi bỏ mạng vì bị cảnh sát da trắng đè đầu gối lên cổ suốt hơn 8 phút.
Mâu thuẫn giữa người với người thì ở đâu trên khắp thế gian cũng có. Tuy nhiên nước Mỹ với những đặc trưng đa chủng tộc, cộng thêm bối cảnh hiện tại từ khi hứng chịu dịch bệnh COVID-19, đang trở thành một trong những ví dụ điển hình nhất cho sự chia rẽ trong xã hội.
Sự chia rẽ đã và vẫn đang tiếp tục tấn công vào sự đoàn kết giữa các cộng đồng và xã hội, chẳng kém khi loại virus này đánh phá hệ hô hấp của con người.
Những tin tốt liên quan đại dịch hoặc những thành công của giới y khoa từ nhiều nước khi đoàn kết giúp nhau chống dịch chỉ xuất hiện lẻ tẻ, tản mác trên các báo, đặc biệt tại Mỹ lại càng ít thấy. Và trong số tin tạm gọi là tốt về hợp tác trong hoạn nạn đó, người ta vẫn thấy bi quan, ngờ vực bởi các bình luận kiểu "trong sáng hay đen tối".
Dân châu Âu nghi ngại sự hỗ trợ từ Trung Quốc. Dân Trung Quốc chẳng tin đề nghị hợp tác từ Mỹ. Dân Mỹ nhiều người lại không tin con số tử vong vì virus corona ở nước mình sao cao đến vậy: hơn 100.000 người!
Và nước Mỹ tiếp tục gặp cảnh họa vô đơn chí. Trong bối cảnh vừa chia rẽ và bức xúc do đại dịch với hơn 40 triệu người thất nghiệp, người Mỹ vừa bị giam hãm trong những bức tường, mấy tháng qua lại liên tiếp xảy ra những vụ người da màu bị sát hại, đều liên quan đến cảnh sát da trắng, mới nhất là vụ George Floyd gây ra biểu tình và chia rẽ màu da khắp nước Mỹ. Người ta đổ ra đường biểu tình, bất chấp virus.
Trong một bài phỏng vấn với tạp chí UNESCO Courier vào cuối tháng 4 vừa qua, giáo sư Noah Yuval Harari - tác giả ba quyển sách gây tiếng vang gồm Lược sử loài người, Lược sử tương lai và 21 bài học cho thế kỷ 21 - chia sẻ nỗi lo ngại của ông như sau: "Tôi không sợ loại virus này bằng sợ những thứ ma quỷ bên trong con người - như thù hận, tham lam và ngu dốt.
Nếu người đổ lỗi cho người nước ngoài và cộng đồng thiểu số vì trận dịch này, nếu những doanh nghiệp tham lam chỉ biết nghĩ đến món lợi của riêng họ, và nếu chúng ta cứ tin đủ loại thuyết âm mưu ngoài kia, việc chống chọi với thảm họa này sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Và rồi chúng ta sẽ tiếp tục sống trong thế giới bị hận thù, tham lam và ngu dốt đầu độc".
Gần đây, những minh chứng cho nỗi lo của giáo sư Harari xuất hiện nhan nhản. Ngoài những ví dụ nêu trên còn có nhiều tai nạn do mù quáng uống thuốc chống sốt rét quá liều, sự kiện đập phá các trụ 5G ở Anh vì nghi chúng phát tán virus, hoặc rất đông người chửi bới Bill Gates trên mạng xã hội, cũng như nhiều thuyết âm mưu khác. Trong khi chúng ta của thời hiện đại hôm nay lẽ ra sáng suốt hơn rất nhiều.
Thay vì hành động dựa trên những suy đoán và giả thuyết thiếu căn cứ, trong số đó có không ít tuyên bố từ các chính trị gia vốn cư xử theo nhiệm kỳ, cách khôn ngoan hơn chính là thống nhất ủng hộ giới khoa học gia và bác sĩ. Nếu có một điều chắc chắn loài virus thua kém con người, đó trước tiên là khả năng hợp tác xuyên biên giới và đoàn kết.
Virus đã chiếm thế thượng phong trong những tháng vừa qua do sự chia cắt, ngờ vực của con người. Nhưng đó là vì chúng ta chưa khai thác lợi thế của mình: con người có thể trao đổi thông tin để hợp tác với nhau cực kỳ hiệu quả, còn virus thì không.
Thay vì hành động đơn phương trong khuôn khổ từng nước, từng bang và đối diện nguy cơ lặp lại sai lầm của người khác, các chính phủ hoàn toàn có thể kiểm chứng hiệu quả của các chính sách mà mỗi nước đang áp dụng để đưa ra những quyết định hiệu quả hơn. Muốn chiến thắng và vượt qua khỏi cuộc khủng hoảng, có lẽ cách duy nhất là con người phải làm là đoàn kết và hợp tác vô tư, nếu không, virus có thể "trở lại và lợi hại hơn xưa" là điều chắc chắn.
Đại dịch rồi sẽ qua. Sự chia cắt, cả về biên giới địa lý lẫn tình cảm giữa người với người, có lẽ rồi đây sẽ được bù đắp và thậm chí chữa lành, một khi giới khoa học tìm ra thuốc chữa bệnh và vắcxin. Con người sẽ lại được tự do để trở về với những thói quen cũ, lối sống cũ, sự bình thường xưa cũ. Tuy nhiên, dù màu da nào, sống ở đâu, cách chúng ta hợp tác với nhau ngày hôm nay sẽ định hình nên chúng ta trong tương lai.
Theo VĨNH THẮNG (TTO, New York, Mỹ)