Hơn 10 ngày mưa lũ, các tỉnh Miền Trung đã có gần 20 người dân mất mạng do chết đuối, điện giật... bên cạnh hàng vạn héc-ta rau màu, tài sản là của nả tích trữ phòng cơ của người dân bị dòng nước hung hãn cuốn trôi. Đại dịch COVID-19 chưa qua, bão lũ ầm ầm kéo đến, gây bao tang thương cho dải đất Miền Trung bao đời nghèo khó.
Bão lũ mỗi năm đều gây bao đau thương, tang tóc cho người dân Miền Trung. Ảnh: Thanh Hải |
Bão, lũ với người miền Trung thì không lạ, thậm chí quen đến độ hình thành ngay cả trong tính cách tiện tặn, chắt bóp của con người ở bất kỳ môi trường sống nào. Thế nhưng điều khó chấp nhận là con số thiệt hại về người và của mỗi năm vẫn diễn ra và những cái chết oan uổng làm đau xót bao người.
Ở Quảng Nam, đôi vợ chồng trẻ vì nôn nóng về với đứa con thơ 24 tháng tuổi, mà bỏ mạng giữa dòng nước dữ; đau xót hơn, ở Huế một sản phụ đến giờ khắc lâm bồn, trên đường đi sinh, bị lũ cuốn trôi ngay trước mắt người chồng; rồi hoàn cảnh đau thương hai mẹ con bị điện giật chết ngay trong ngôi nhà của mình…
Những cái chết oan uổng đó đánh động đến tận tâm can của con người, và chắc rằng nhiều người tặc lưỡi, buột miệng: "giá như…".
Năm nào lực lượng cứu hộ các tỉnh miền Trung vẫn phải trầm mình dưới làn nước dữ để cứu nạn người già và trẻ em. Ảnh: Trung Hiếu |
Giá như ngầm tràn ở Đại Lộc, Quảng Nam sáng hôm đó có một, hai công an hay dân quân tự vệ kiên quyết ngăn chặn đôi vợ chồng trẻ, không cho lội qua dòng nước dữ, thì cháu bé kia đâu phải đối diện với tương lai “lót lá mà nằm”. Giá như ngành điện lực Quảng Nam nhanh chóng ngắt nguồn điện, khi nước lụt vừa lên thì hai bà cháu kia đâu chết thảm. Và giá như mỗi thôn, làng vùng sâu vùng xa đều có một vài chiếc ca nô chuyên dụng cấp cứu thì mẹ con sản phụ đâu phải trôi dạt trong tiếng gào khóc thảm của người chồng…
Và bao năm qua cũng đã có quá nhiều cái tặc lưỡi "giá như", cảnh báo sự tương quan sống - còn giữa lũ lụt Miền Trung với những cánh rừng bị cạo trọc đầu nguồn. Chính phủ, chính quyền địa phương đều thấu tỏ và lệnh đóng cửa rừng nghiêm ngặt được ban hành, thực hiện từ nhiều năm qua.
Thế nhưng vì sao những rừng cây, khắp các địa phương vẫn tiếp tục gục ngã dưới lưỡi cưa lâm tặc; lũ lụt ngày càng khốc liệt đến mức dù sinh ra, lớn lên sống dầm chân trong bão lũ mà người miền Trung mỗi năm vẫn không tài nào ứng phó nổi.
Hình ảnh người chồng gào thảm tên vợ - người sản phụ bị dòng nước dữ cuốn trôi hôm 11.10 tại Thừa Thiên- Huế đánh động tận tâm can mỗi người . Ảnh chụp từ clip |
Câu trả lời không khó giải, và khẳng định phải có sự tiếp tay nào đó, thì ngày ngày, trên quốc lộ, hình ảnh những đoàn xe mới công nhiên đưa hàng ngàn mét khối gỗ trót lọt về xuôi. Và bức tường giữ nước tự nhiên lần lượt biến thành những bàn ghế, tủ giường trang trí trong những ngôi nhà, biệt thự lộng lẫy xa hoa của không ít quan chức, đại gia…
Đại dịch COVID-19 chưa qua, người dân Miền Trung tiếp tục oằn mình dưới cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Nền kinh tế du lịch kiệt quệ, kéo theo hậu họa lâu dài cho nhiều gia đình. Đến thời điểm này, các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng đã có hàng trăm ngàn người lao động mất việc làm, suốt năm qua và dự báo tiếp tục trong nhiều tháng tới.
Bão lũ sẽ là đòn knock out (cú đánh triệt hạ) cuối cùng, nếu không có một sự thức tỉnh lương tâm của từng con người, trong đó có cả chúng ta đối với tự nhiên. Và hơn hết là sự điều hành linh hoạt, thực tâm của chính quyền từng cấp cơ sở, đến trung ương, thấu đáo đối với số phận từng con người đang sống trên dải đất khắc nghiệt này.
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/covid-19-bao-lu-va-gia-nhu-844510.ldo
Theo Trung Hiếu (LĐO)