(GLO)- Người Việt chúng ta có thói quen uống trà từ rất lâu, có lẽ phải đến hàng ngàn năm nay. Với rất nhiều người, trà trở thành loại thức uống không thể thiếu hàng ngày. Trà còn được sử dụng trong các dịp lễ, Tết, cúng bái.
Nếu thêm cú hích du lịch nữa sẽ không chỉ đưa vùng chè lịch sử này trở thành điểm đến hấp dẫn mà còn có thể giúp ngành Chè Gia Lai khởi sắc. (ảnh nguồn internet) |
Do nhu cầu sử dụng trà phổ biến như vậy, cây chè đã có mặt từ rất sớm ở nhiều vùng trên đất nước ta. Đó là những lão trà cổ thụ ngàn năm tuổi trên đỉnh Phàn Liên San cao gần 3.000 m ở Lai Châu hay những cây chè Shan Tuyết hơn 200 năm tuổi ở vùng Cao Bồ (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) và vùng Suối Giàng (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) cùng nhiều vùng đất nức tiếng trà ngon như Thái Nguyên, Lâm Đồng. Gia Lai cũng có những đồn điền chè nổi tiếng là Bàu Cạn và Biển Hồ hàng trăm năm tuổi do người Pháp trồng trước đây.
Thói quen uống trà góp phần lưu giữ và mở rộng diện tích cây chè ở Việt Nam trong nhiều năm qua. Ngay ở các huyện phía Tây của tỉnh ta, gần như gia đình nào cũng trồng ít nhất năm bảy cây chè trên đất vườn. Hàng ngày, chủ nhân ra hái lá mang vào pha uống theo kiểu chè xanh, hãm trong bình tích cả ngày ấm nóng. Đặc biệt, những năm gần đây, biết nước chè xanh có công dụng phòng ngừa bệnh ung thư, rất nhiều gia đình có đất vườn đã trồng loại cây này để uống hàng ngày. Hầu như ở các chợ đều có bán chè xanh. Tại Pleiku, sáng sáng, đồng bào Jrai cũng gùi chè xanh từ làng ra phố bán.
Có mặt từ rất sớm và trở thành loại thức uống không thể thiếu trong nhiều gia đình, thế nhưng, con đường phát triển của ngành Chè Việt Nam lại khá truân chuyên. Tổng diện tích trồng chè của cả nước dao động trong khoảng 126.000 đến 133.000 ha, sản lượng hàng năm đạt 180.000-190.000 tấn, năng suất bình quân đạt 8 tấn búp tươi/ha; có trên 500 cơ sở chế biến và thu hút khoảng 2 triệu lao động. Việt Nam là nước đứng thứ 7 thế giới về sản xuất và thứ 5 về xuất khẩu chè với 110 thị trường và đăng ký bảo hộ thương hiệu ở 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, sản phẩm chè Việt Nam lại có giá xuất khẩu thấp nhất, chỉ bằng 60-70% giá chè thế giới. Do vậy, theo Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas), mỗi năm, nước ta mất khoảng 1.000 tỷ đồng vì yếu kém trong khâu liên kết và bị thương lái nước ngoài khống chế, ép giá chè.
Vì sao chè Việt Nam lại “yếu cơ” trên thị trường thế giới? Theo Vitas, đó là vì chè Việt Nam thường đóng bao to (30-60 kg/bao) khi xuất khẩu. Nhiều nước nhập khẩu chè Việt Nam theo dạng này sau đó đóng gói lại hoặc trộn với chè khác mang thương hiệu nước họ để phân phối hoặc xuất khẩu sang nước thứ ba. Chè Việt Nam như một loại chè nguyên liệu, giá bình quân 1,8 USD/kg, trong khi đó chuyển sang gói nhỏ có thương hiệu hẳn hoi thì giá lên đến 8-10 USD/kg. Một nguyên nhân khác là do chất lượng chè Việt Nam chưa cao, người trồng chè còn dùng thuốc bảo vệ thực vật khá tùy tiện, không bảo đảm cách ly đúng thời gian.
Thực ra chè Việt Nam lép vế trên thế giới còn vì một nguyên nhân cực kỳ quan trọng là khâu quảng bá kém. Năm 2016, người viết đã có dịp sang thăm vùng trồng chè Long Tỉnh nổi tiếng của Trung Quốc ở TP. Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Được biết trước kia, do giao thông trắc trở nên du khách ít khi đến được làng trà này. Thế nhưng, từ khi dân làng tự góp tiền đào núi làm đường hầm dài đến 2 km thì từ trung tâm TP. Hàng Châu, chỉ sau 30 phút ngồi xe ô tô chạy trên con đường hai bên xanh ngắt một màu chè, du khách đã đặt chân đến vùng chè Long Tỉnh của Mai Gia Thôn nổi tiếng bậc nhất Trung Quốc. Chè Long Tỉnh được xem như quốc trà của Trung Quốc. Chính phủ không cho phép người dân chuyên chở đi bán ở nơi khác, đồng thời, ngành Du lịch Trung Quốc đưa làng trà vào tour phục vụ du khách. Khi vào bất cứ ngôi nhà nào trong làng, du khách cũng được tận mắt chứng kiến cách pha chế trà độc đáo. Chè Long Tỉnh không chỉ để uống mà theo giới thiệu còn có thể ăn cả lá chè. Ngoài ra, đến đây, du khách còn được nghe câu chuyện về sự tích trà Long Tỉnh liên quan đến hoàng đế Càn Long nhà Thanh.
Hai nông trường chè của Gia Lai là Bàu Cạn và Biển Hồ với tuổi đời hàng trăm năm sẽ phát triển mạnh và là điểm đến hấp dẫn nếu như ngành chè địa phương đầu tư vào khâu chế biến, cải tiến mẫu mã, đa dạng sản phẩm; ngành du lịch cộng tác tốt để quảng bá hình ảnh. Thực ra, lâu nay, các bạn trẻ đã tự đến đây tham quan, chụp ảnh, nhất là trong dịp lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya hồi cuối năm ngoái. Với đồi chè xanh biếc, đều đặn trải dài đến mênh mông, quang cảnh nơi đây tự thân đã thu hút mọi người tìm đến. Cùng với sự đầu tư trong khâu chế biến sản phẩm chè, nếu thêm cú hích du lịch nữa sẽ không chỉ đưa vùng chè lịch sử này trở thành điểm đến hấp dẫn mà còn có thể giúp ngành Chè Gia Lai khởi sắc.
Thanh Phong