Những năm bao cấp, hầu như nhà nào cũng sử dụng củi hoặc than để đun nấu. Để nhóm được bếp lửa nấu cơm là công việc vô cùng khó khăn, nhiều lúc chảy cả nước mắt, nước mũi. Giấy thì hiếm, rơm thì ở phố không sẵn… Thế là, có bao nhiêu sự sáng tạo đều được huy động. Có người dùng các sợi cao su, lốp xe đạp cũ để nhóm bếp. Mỗi ngày đốt một đoạn, khi lửa bén thì dập tắt miếng nhóm, cất để dành cho lần sau.
Có người đổ nhớt thải vào than, củi trong lò rồi châm lửa… Nhóm được cái bếp như vậy, khói đen mù mịt xông lên, muội khói nhiều khi bám đặc cả lỗ mũi!
Người Bahnar và người Jrai đều gọi cây thông, gỗ thông là “ngo”. Ảnh: Nguyên Võ |
Mà chất đốt phổ biến lúc đó là củi hoặc than do người dân ra vùng ngoại ô chặt cây hoặc đốt than đem về bán ở phố. Ngoại ô Pleiku có một nơi gọi là “Lò than” (nay thuộc xã Diên Phú). Ở ngã ba Hoa Lư thì có Công ty Chất đốt. Gọi công ty cho sang nhưng thực chất đó là bãi các loại gỗ tạp, gỗ thải, gỗ cành ngọn được chở từ rừng về bán cho gia đình cán bộ và bếp ăn tập thể của các sở, ngành cấp tỉnh.
Thời ấy, những cơ quan năng động thì quan hệ với các lâm trường, xưởng gỗ để xin hoặc mua rẻ các loại bìa bắp, mỗi tháng chở một chuyến xe tải về cơ quan, vừa chia cho cán bộ nấu ăn, nấu cám, thậm chí là nấu rượu lậu; vừa trữ bếp tập thể để làm cái đun nấu ở công sở.
Tôi nhớ, thời bao cấp ở cơ sở có các đơn vị sản xuất như: nông trường (trồng trọt và chăn nuôi), thường sản xuất mía đường, nấu rượu mía; trồng chè xanh, cà phê, cao su; chăn nuôi bò đàn; trại thì có trại heo giống, trại gà, trại cá giống…
Những ngày lễ trọng, văn phòng sở thường được biếu lúc thì con bò, con heo, lúc can rượu mía, lúc ít cá, ít gạo nếp… Thế là vừa có cái chia cho cán bộ, cũng có thể làm một cuộc liên hoan vui vẻ ngay tại sân cơ quan.
Từ cách làm các bữa ăn như vậy, thứ nhóm bếp “sang” nhất thời ấy là mua được nắm củi “ngo”. Củi “ngo” là một loại gỗ thông già cắt khúc tầm gang tay, dùng dao chẻ mỏng như dăm, buộc lại thành mớ tầm một nắm tay chặt. Những thứ dăm ngo ấy được chất vào rổ, các chị, các bà quảy trên vai rong trên phố bán cho các gia đình dùng làm mồi nhóm bếp rất tiện dụng, hiệu quả và sạch sẽ.
Không biết gốc gác thế nào, từ “ngo” nguyên là tiếng của người Jrai, Bahnar dùng để chỉ gỗ thông, đã được người Kinh ở phố coi như là một danh từ riêng để gọi loại dăm gỗ dùng để nhóm bếp thời ấy. Dăm gỗ thông già, thớ mịn, chứa đầy chất nhựa thông màu vàng nâu hổ phách như tươi rói, nhưng không có hàm lượng nước nên rất dễ cháy. Đó là thứ chất nhóm bếp lý tưởng nhất của các bà nội trợ thời bao cấp. Không ai gọi là dăm thông mà chỉ có một cách nói “củi ngo” như là thứ đồ nhóm lửa chuyên dụng.
Ngày nay, đa phần dân cư sử dụng bếp điện, bếp ga. Vì thế, chẳng thấy ai còn nhắc đến củi ngo nhóm bếp nữa. Trên phố cũng vắng bóng luôn những người đàn bà gánh những rổ củi ngo rong ruổi khắp ngõ hẻm bán cho các bà nội trợ, các hàng quán để gầy bếp nhóm lửa như xưa.