Multimedia

Emagazine

E-magazine Cuộc gặp gỡ của sắc màu văn hóa


Cùng hơn 700 nghệ nhân các địa phương tụ hội, hàng chục ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh đã đổ về Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) trong 2 ngày 14 và 15-4 làm nên một trong những sự kiện văn hóa được đón đợi nhất thời gian qua.



Ngày hội năm nay, khu vực quảng trường vẫn là lựa chọn lý tưởng với những tàng cây rợp mát, đậm chất làng rừng, đủ để nghệ nhân tự do thể hiện các phần trình diễn với tất cả hứng khởi và say mê. Các nghệ nhân thỏa sức phô bày sự đa dạng của văn hóa bản địa truyền thống: cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng, các trò chơi dân gian… Không gian tràn trề âm thanh và màu sắc riêng biệt, độc đáo của mỗi dân tộc, vùng miền.



Phần nội dung hấp dẫn nhất của ngày hội là phục dựng các nghi lễ truyền thống. Đồng bào Bahnar có lễ mừng lúa mới, mừng nhà rông mới, mừng năm mới; đồng bào Jrai có cúng cầu mưa, bỏ mả, mừng lúa mới… Để tiến hành những nghi thức này, các đoàn chuẩn bị đạo cụ, lễ vật hết sức công phu nhằm phục dựng theo đúng nguyên bản. Các mô hình nhà rông, nhà mồ, cây nêu được tái hiện đẹp mắt; có đoàn bày biện bếp lửa-hình ảnh thân thuộc trong mỗi ngôi nhà sàn.



Không chỉ “lạc” giữa tiếng cồng chiêng trầm bổng, vòng xoang nhịp nhàng hay âm thanh hòa tấu nhạc cụ dân tộc rộn rã, du khách còn có cơ hội chiêm ngắm hoa văn thổ cẩm, đan lát tinh tế; tìm hiểu cách thức nghệ nhân tạc hoàn chỉnh một bức tượng gỗ dân gian. Cùng với 2 dân tộc bản địa Bahnar, Jrai, các nghệ nhân dân tộc Tày (huyện Mang Yang) còn góp vào chương trình những nét văn hóa đặc sắc của vùng cao phía Bắc với tiếng đàn tính, nghệ thuật múa bát và trò chơi dân gian nhảy sạp, ném còn, đánh cù… Một không gian văn hóa nguyên sơ mà nhân bản, mang đến cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời trong ngày hội làng giữa phố. Em Vũ Đào Tường Nghi (lớp 6.2, Trường THCS Nguyễn Du, TP. Pleiku) chia sẻ sự ngưỡng mộ: “Em rất bất ngờ và hứng thú khi được ngắm các bà, các cô dệt thổ cẩm, xem biểu diễn cồng chiêng và tham gia các trò chơi dân gian. Đây là dẫn chứng sinh động về lễ hội ở Gia Lai, giúp chúng em có thêm nhiều kiến thức bổ ích”.




Dòng người đổ về quảng trường càng đông, tiếng cổ vũ, tán thưởng càng nhiều, các nghệ nhân càng được tiếp thêm niềm hứng khởi trong từng nhịp chiêng, điệu múa, tiếng đàn. Chủ thể văn hóa vùng đất này ngày càng ý thức rõ sức mạnh nội tại mình đang sở hữu để phát huy và trao truyền. Đội hình các đoàn minh chứng điều này với sự góp mặt của nghệ nhân đủ mọi lứa tuổi. Trong số đó, vẻ xinh xắn, đáng yêu của các nghệ nhân “nhí” trở thành tâm điểm của ngày hội.



Nhận được cảm tình đặc biệt từ phía khán giả là cô bé Rcom Nay H’Srina (8 tuổi) và Rcom H’Srian (9 tuổi) ở huyện Đak Đoa. Các em biểu diễn hòa tấu nhạc cụ cùng cả đoàn và hát dân ca “Chờ mẹ dệt vải” một cách thuần thục, khiến khán giả xuýt xoa, không thể rời mắt. Phần trình diễn cồng chiêng của đoàn nghệ nhân huyện Chư Păh cũng thu hút vòng tròn thưởng lãm ngày một lớn khi có sự góp vui của 2 pơtual (múa hề) “nhí” là em Khang (10 tuổi) và Khai (11 tuổi). Các em hóa trang bằng cách trát bùn từ đầu đến chân, nhảy nhót lắc lư điệu nghệ theo tiếng cồng chiêng, thỉnh thoảng làm trò, chọc phá người xem khiến ai cũng thích thú. Anh Khyơn-bố của Khang, cũng là một nghệ nhân trong đoàn rất tự hào khi thấy con, cháu trình diễn rất tự nhiên, thu hút.



Quanh không gian rộng khắp, các nghệ nhân nhỏ tuổi ngồi xem cha, ông đan lát và tạc tượng; xem bà, chị dệt vải. Tất cả đều tự nhiên, không chút sắp đặt. Hoạt động trao truyền và kế thừa diễn ra tự nhiên, bắt đầu từ tình yêu với văn hóa dân tộc.



Đặt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống lên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Trần Ngọc Nhung khẳng định: “Ngày hội văn hóa các dân tộc toàn tỉnh lần thứ II trở thành hoạt động kết nối tinh thần đại đoàn kết của các dân tộc trong tỉnh. Chúng ta hãy cùng chung tay đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc; thể hiện tinh thần, trách nhiệm, khát vọng và tình yêu lớn lao đối với di sản quý báu mà cha ông để lại. Đây cũng là dịp để thế hệ trẻ có cơ hội học hỏi, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng mình”.



Đúng như kỳ vọng, Ngày hội văn hóa các dân tộc toàn tỉnh lần thứ II đã tạo nên hoạt động giao lưu đúng nghĩa, giúp đồng bào các dân tộc quảng bá bản sắc và tìm hiểu nét đẹp văn hóa của các dân tộc anh em. Thử chơi môn ném còn-đặc trưng văn hóa dân tộc phía Bắc, nghệ nhân Đinh Văn Bắc (huyện Kông Chro) hào hứng: “Môn này lạ và vui quá. Đây là lần đầu tiên tôi được biết đến”. Nghệ nhân các đoàn và du khách cũng hòa chung niềm hứng khởi khi tham gia nhảy sạp, đánh cù. Ngược lại, bà con dân tộc Tày rất uyển chuyển khi cùng nhịp xoang trong tiếng cồng chiêng rộn rã.



Từ các chương trình phong phú của ngày hội, ý thức trân trọng của cộng đồng đối với di sản văn hóa đã được nâng lên. Đây cũng chính là cơ hội phát triển mạnh mẽ dịch vụ, du lịch tỉnh nhà. Ông Nguyễn Hữu Mão-du khách đến từ Bắc Ninh-cho biết: Trong chuyến trải nghiệm đến 3 tỉnh Tây Nguyên gồm Đak Lak, Gia Lai và Kon Tum, không khí ngày hội tưng bừng tại Quảng trường Đại Đoàn Kết đã mang đến cho ông ấn tượng sâu sắc. “Tôi cảm thấy thật hạnh phúc. Đến Gia Lai đã 3 lần nhưng lần này tôi mới được hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số”-ông nói. Đoàn du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh cũng không bỏ qua sự kiện hấp dẫn này khi dừng chân ở Phố núi. Được mặc đồ thổ cẩm Jrai, được các nghệ nhân hướng dẫn đánh chiêng, bà Dương Thị Kim Sang vô cùng phấn chấn.



Ngẩn ngơ giữa “miền mơ tưởng” còn có một số khách nước ngoài chọn Gia Lai làm điểm đến dịp này. Anh Peter Molnar-du khách Hungary-cũng dùng 2 từ “hạnh phúc” khi chia sẻ cảm xúc của mình. Anh liên tục giơ máy ảnh lên để ghi lại những khoảnh khắc đẹp.


Có thể bạn quan tâm