Đây được cho là thảm họa đắm tàu nghiêm trọng nhất trên toàn thế giới trong nhiều năm qua.
Gần 500 người di cư được cho là bị chết đuối sau khi bị những kẻ buôn người ở trên một chiếc tàu khác cố tình đâm chìm tàu của họ.
Theo AFP, Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM) ngày 15-9 mô tả vụ đắm tàu này là vụ tồi tệ nhất trong nhiều năm qua.
Nhiều người sống sót sau khi chiếc tàu bị đâm chìm ngày 10-9 vừa qua gần Malta, đã kể lại những chi tiết hết sức rùng rợn cho IOM.
Nhiều người di cư bị dồn trên những con tàu không đảm bảo an toàn trên biển |
“Nếu những gì họ kể lại là sự thật thì đây có lẽ là vụ đắm tàu tồi tệ nhất trong nhiều năm qua bởi đây không phải là một tai nạn mà là một vụ thảm sát được tiến hành bởi những tên tội phạm giết người không gớm tay”- IOM tuyên bố.
Hai người Palestine may mắn sống sót sau khi được một tàu chở hàng cứu ngày 11-9 đã nói với IOM rằng có khoảng 500 người đã ở trên tàu khi nó bị những kẻ buôn người cố tình đâm chìm.
Theo hai người này, những người trên tàu là người Syria, Palestine, Ai Cập và Sudan đã khởi hành từ Damietta tại Ai Cập vào ngày 6-9 và đã bị buộc phải đổi thuyền nhiều lần trong hành trình đến châu Âu của mình.
Những kẻ buôn người ở trên một chiếc tàu khác đã ra lệnh cho họ phải chuyến sang một chiếc tàu mà họ cho là quá nhỏ.
Sau khi từ chối chuyển sang một tàu mới, những kẻ buôn người này đã đâm tàu của họ cho đến khi nó chìm hẳn.
Hai người Palestine đã phải lênh đênh trên biển trong hơn một ngày rưỡi, một người mặc áo phao còn một người bám vào một thuyền cứu sinh cùng nhiền người khác.
Trong số những người bị thiệt mạng có một thanh niên Ai Cập muốn đến châu Âu để trả tiền mổ tim cho bố của mình-IMO cho biết.
Người phát ngôn IOM Flavio Di Giacomo cho biết: “Hai người sống sót được đưa về Sicily, Italy đã kể với chúng tôi rằng có ít nhất 500 người trên tàu. 9 người khác cũng đã may mắn được các tàu Hy Lạp và Malta cứu. Tuy nhiên những người khác đã không may mắn như vậy”.
Trong khi đó, quân đội Malta cho biết, 7 người trong số những người được cứu đều bất tỉnh và đã được đưa đến bệnh viện tại Crete.
Trong năm 2014, số người di cư từ các khu vực giao chiến tại Bắc Phi và Trung Đông đến châu Âu đã gia tăng đáng kể.
Trong một vụ đắm tàu khác ngày 15-9, gần 100 người được cho là đã bị chết đuối sau khi một con tàu chở khoảng 200 người bị chìm ngoài khơi Lybia trong khi chỉ có 36 người được cứu.
Theo Cao ủy của Liên hợp quốc về người tỵ nạn (UNHCR), hơn 2.500 người đã bị chết đuối hoặc mất tích sau khi tìm cách di cư sang nước khác chỉ trong năm 2014 và con số này kể từ tháng 6 vừa qua đến nay đã là 2.200 người.
Ngôi sao Hollywood Angelina Jolie, đặc phái viên của UNHCR, đã lên tiếng cảnh báo cộng đồng quốc tế cần phải để tâm nhiều hơn đến những vụ việc như thế này.
“Có một mối liên hệ trực tiếp giữa cuộc xung đột tại Syria và tại các nơi khác khi mà con số người chết trên biển tại Địa Trung Hải gia tăng nhanh chóng”- bà Jolie cho biết.
“Chúng ta cần phải hiểu rõ động lực nào đã khiến những người này đi đến quyết định đáng sợ là liều lĩnh đặt tính mạng của mình và con cái mình vào những con tàu chở quá nhiều người và không an toàn. Đấy chỉ có thể là mong muốn được tìm nơi trú ẩn an toàn”-bà Jolie nhấn mạnh.
“Chỉ khi nào chúng ta có thể giải quyết đến tận gốc rễ các cuộc xung đột tại khu vực thì con số người di cư bị chết hoặc không được bảo vệ an toàn mới có thể giảm đi được”-bà Jolie nói thêm.
Trong khi đó, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã lên tiếng yêu cầu các nhà lãnh đạo châu Âu cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo đảm tao ra những biện pháp an toàn và hợp pháp cho những người di cư đến châu Âu.
“Phản ứng của các nước thành viên EU trong cuộc khủng hoảng tỵ nạn tại Trung Đông và Bắc Phi là rất đáng hổ thẹn”- ông John Dalhuisen, Giám đốc phụ trách khu vực Trung Á của Tổng chức Ân xá Quốc tế tuyên bố.
Ông Dalhuisen lên án các nhà lãnh đạo châu Âu bởi họ đã ngăn chặn dòng người nhập cư vào châu Âu “bằng mọi biện pháp khiến nhiều người phải tìm đến những con đường rất nguy hiểm”.
Trong khi đó, IOM cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tiêu diệt những kẻ buôn người.
“Cách duy nhất để tiêu diệt những tổ chức buôn người này là thông qua việc mở ra các kênh hợp pháp để đến châu Âu cho tất cả mọi người khi họ cần một nơi trú ẩn an toàn”- IOM nêu rõ.
Theo VOV